Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: Đặt tên sách như đặt tên con

06/07/2014 06:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Nếu Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ mang nỗi buồn đẹp đẽ của trẻ thơ, thì Cơ bản là buồn là sự rạn vỡ sau chiến tranh của người lớn.

Cuốn sách lấy cảm hứng từ một cậu bé tên là Hữu Nghị, bị nhiễm chất độc da cam, hiện sống ở Biên Hòa. Sách kể về cô gái người lai Việt – Mỹ tên X và John, một cựu binh Mỹ sang Việt Nam tìm lại người yêu tên Huệ. Họ không phải là cha con, nhưng giữa X và John lại là mối liên hệ vô hình giữa những người từng bị mất mát lớn trong đời.

Cả hai bắt đầu loay hoay trong trong một mối liên hệ rối rắm, mà vì một lí do gì đó đã được để lại từ trong quá khứ.


Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần và bìa cuốn Cơ bản là buồn.

* Anh có duyên đặt được những tiêu đề sách hay. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ để lại cảm giác lâng lâng khó quên, còn Cơ bản là buồn có khi sẽ thành một câu cửa miệng giễu đời. Anh nghĩ gì khi đặt tên cho sách?

- Tên sách là "động chạm" đầu tiên giữa người viết và người đọc. Cũng là "thiên tư" của người viết. Ví dụ khi tôi viết Chuyện tào lao câu chuyện đó chẳng có gì tào lao nhưng tôi vẫn đặt tên như thế. Chủ đích của tôi là muốn ngay từ đầu xoá tan sự nghiêm trọng trong lòng người đọc, nếu như họ có ý định đến với sách của tôi từ nay về sau. Với tôi, tên sách đừng nên rõ ràng quá, cũng đừng nên mơ hồ quá. Rõ quá thì chẳng còn gì quyến rũ nữa, mơ hồ quá sẽ đánh mất ý hướng đọc.

Cứ như đặt tên con, vừa đủ âm tiết để có thể cảm thấy chạm đến mình và cảm thấy yêu là được.

* Với tác phẩm đầu tay trong sáng, được dịch sang tiếng Anh, anh từng được gọi là "Hoàng tử bé" của văn học thiếu nhi Việt Nam. Thời đó, văn anh viết ngọt ngào. Còn bây giờ, anh viết thế nào?

- Tôi nghĩ văn chương cũng giống như con người, có nhiều giai đoạn, tuổi nào thì có kiểu văn chương đó. Không nên "cố gắn". Không nên đặt ra một "ước muốn". Mà chỉ nên là "lúc này". Tôi nghĩ, thời tôi viết Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đã hoàn thành sứ mạng trong tôi. Tôi có nhiều việc khác để làm, để phù hợp với cảm xúc của tôi lúc này hơn là kéo dài một sự kiện của quá khứ. Văn chương của tôi sau này có xu hướng hiện thực hoá nhưng phù phiếm hơn.

* Hiện thực hóa và phù phiếm đi cùng nhau nghe hơi lạ. Tại sao lại thế?

- Bởi đơn giản, nếu bạn nhìn sâu vào hiện thực, bạn sẽ nhìn thấy sự phù phiếm của nó.

* Cậu bé Hữu Nghị ngoài đời đã “gợi ý” cho anh như thế nào để viết nên tác phẩm?

- Tôi không có ý định viết một cuốn sách về chiến tranh, lại là một thứ chiến tranh buồn bã như thế này. Tôi không biết gì về nó. Tôi không có một kinh nghiệm nào. Trong một lần khi đi ngang sân bay Biên Hoà cũ, bỗng nhiên tôi nghe tiếng máy bay rất lớn trên đầu mình. Thế rồi tôi nghĩ, cái âm thanh đó hẳn phải có một liên hệ nào đó một cách sâu xa với mặt đất. Không chỉ trong hiện tại, mà cả trong quá khứ.

Thế là, bằng mọi cách tôi phải tìm ra con người đó, cuối cùng thì tôi tìm ra cậu bé Hữu Nghị ở ngay khu sân bay Biên Hoà cũ. Cháu như một vật trung gian giữa bầu trời và mặt đất, giữa quá khứ và hiện tại. Cháu là một nỗ lực kết nối không thành giữa người Việt và người Mỹ trong quá khứ. Cháu là nạn nhân của Dioxin. Cháu là một sự tồn đọng còn lại của chiến tranh. Và những mối liên hệ hàn gắn bất thành trong hiện tại.

Trong Cơ bản là buồn, vợ của người cựu binh Mỹ John đã có một hành động kỳ lạ để hàn gắn nỗi buồn của chồng mình. Vì họ không tìm lại được người phụ nữ tên Huệ (nhiều khả năng đã chết), bà John đi khắp Việt Nam chụp ảnh hàng trăm người phụ nữ tên Huệ còn sống. Những bức ảnh bà chụp đều rất đẹp, rạng rỡ, không bị vướng bận bởi quá khứ u uất.

Nguyễn Ngọc Thuần sinh năm 1972, là nhà văn đoạt nhiều giải cao tại các giải thưởng sáng tác trẻ. Các tác phẩm chính: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng, Chuyện tào lao, Sinh ra là thế.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm