11/03/2017 14:07 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Chuyện xứ Langbiang là bộ chuyện kỳ ảo 4 tập đầu tiên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn tại Việt Nam. Với mong muốn đem lại một không khí kỳ ảo kiểu Việt Nam, Nguyễn Nhật Ánh lấy bối cảnh Tây Nguyên rừng núi, nhân vật là những phù thủy nhỏ với phép thuật lạ lùng kỳ bí.
Sáng 11/3 tại Đường sách TP.HCM, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có buổi ký tặng sách nhân dịp Chuyện xứ Langbiang được NXB Trẻ tái bản với hình thức mới. Dịp này, bạn đọc Nguyễn Nhật Ánh được xem diễn kịch trích đoạn từ Chuyện xứ Langbiang của đội kịch Tuổi Ngọc.
Đội kịch Tuổi ngọc diễn một trích đoạn Chuyện xứ Langbiang
Chuyện xứ Langbiang mang đậm phong cách fantasy cho trẻ em Việt Nam và bối cảnh Langbiang - một đỉnh núi thu hút du khách ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Nguyễn Nhật Ánh, chia sẻ lý do ông viết bộ truyện này: “Lâu nay ở Việt Nam, khi các em nhỏ say mê các loại truyện giả tưởng dịch từ nước ngoài như Harry Potter, Animorph, Cậu bé cỡi rồng, Charlie Bone... Tôi nghĩ, ở Việt Nam đang thiếu loại truyện này.
Thế là tôi thử viết. Tôi lấy bối cảnh cao nguyên Langbiang cho bộ truyện này vì đây là một bộ truyện có màu sắc pháp thuật. Nơi có nhiều phù thủy hoạt động không thể là nơi ồn ào tấp nập như Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang hay Đà Nẵng được. Muốn có không khí, các nhân vật đặc biệt này phải hoạt động ở một vùng rừng núi thâm u phù hợp với phong cách của họ. Thậm chí nhiều nhân vật được tôi đặt tên theo tên của người K’Ho, Êđê”.
Chuyện xứ Langbiang có màu sắc phép thuật, nhiều nhân vật được đặt tên theo tên của người K’Ho, Êđê ở Tây Nguyên
Nguyễn Nhật Ánh nói về Haifai – một nhân vật khiến nhiều độc giả ấn tượng trong Chuyện xứ Langbiang: “Nhân vật này trước đây vốn là hai vợ chồng. Người chồng tên Krazanh, người vợ tên Kim. Trong một cuộc chiến với phe Hắc Ám, Kim bị hủy hoại về mặt thân xác nhưng linh hồn thì nhập vào chồng mình. Từ đó, họ có tên là Haifai.
Một thân xác chứa 2 con người, đi bằng một đôi chân, làm việc bằng một đôi tay và nói bằng một cái miệng. Vì vậy nhân vật này khi thì nói bằng giọng nam, khi thì nói bằng giọng nữ, thậm chí nhiều khi họ cãi nhau chỉ bằng một cái miệng khiến nhiều học sinh học với họ lần đầu sợ chết khiếp”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tên tặng bạn đọc Chuyện xứa Langbiang sáng 11/3 tại Đường sách TP.HCM
Nhân vật Haifai thường xuyên “cãi nhau” nhưng “họ” rất yêu thương nhau. Bằng chứng là vào cuối truyện, khi người vợ có cơ hội tách linh hồn mình ra khỏi người chồng để nhập vào thân xác cô Balikem cực kỳ xinh đẹp vừa mới qua đời thì cả người chồng lẫn người vợ đều từ chối. Đây là cơ hội ngàn năm một thuở để hai vợ chồng tách ra, mỗi linh hồn sống trong một thân xác như những người bình thường, nhưng cô vợ thờ ơ nói “Tôi đã quá quen với hoàn cảnh hiện nay, đến mức tách ra hay không tách ra không thành vấn đề. Ăn thua là do anh Krazanh”.
Người chồng phát biểu rất rạch ròi: “Balikem dù xinh đẹp đến mấy cũng không phải là Kim. Tôi không thể hình dung nổi làm sao tôi có thể chăm sóc, chiều chuộng hay trò chuyện thân mật với một người phụ nữ không phải là vợ mình”.
Có thể nói, nhân vật Haifai trong Chuyện xứ Langbiang thể hiện tình yêu chung thủy không gì có thể tách rời, đã được Nguyễn Nhật Ánh xây dựng thành công.
Trạc Tuyền
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất