Nhìn từ Cánh diều 2014: Thách thức mới của 'Oscar Việt Nam'

13/03/2015 16:56 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Bỏ qua quy mô và sức tác động, nhìn thuần túy về mô hình thì có thể nói giải Cánh diều là “Oscar của Việt Nam”, do một hội nghề nghiệp lập nên. Ở hiện tại và tương lai, Việt Nam có thể có thêm nhiều giải thưởng về phim ảnh, nhưng khó có giải nào đạt được “tính Oscar” như Cánh diều.

Vậy mà đến Cánh diều 2014, sau hơn 10 lần tổ chức, vẫn thiếu sự nhiệt thành tham gia của các nghệ sĩ với chính nghề nghiệp của mình; vẫn thiếu kinh phí tổ chức, dù doanh thu bán vé tại thị trường Việt Nam liên tục tăng trong 10 năm qua và năm 2014 đã vượt ngưỡng 90 triệu USD. Và dường như thách thức của Cánh diều còn chưa dừng lại ở đây…

Giải Oscar được tổ chức bởi Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS), với hơn 7.000 thành viên đủ tiêu chuẩn bỏ phiếu; với nguồn tài chính đã được dự trữ không nhỏ, vốn thuộc nền điện ảnh có doanh thu bán vé áp đảo thế giới. Thế nhưng kinh phí tổ chức của giải Oscar vẫn khá nan giải, BTC luôn ưu tiên nghĩ về điều này từ nhiều mùa giải trước.

Suốt một thời gian dài Oscar được trao tại Nhà hát Kodak - Kodak từng là nhà cung cấp phim nhựa chủ yếu cho Hollywood - nhưng từ năm 2012 thì thay đổi địa điểm, do phim kỹ thuật số lên ngôi. Mấy mùa gần đây Oscar được trao tại Nhà hát Dolby ở Los Angeles, bởi công nghệ mã hóa và lọc âm thanh Dolby đang chiếm ưu thế với điện ảnh. Các giải bên lề Oscar được trao tại phòng khiêu vũ của Hollywood & Highland Center, cũng như khách sạn Beverly Hills, California. Dẫn ra như vậy để thấy rằng Oscar cũng phải liên tục tìm kiếm “anh hùng tài chính” để nương tựa, chứ tự thân kinh phí của AMPAS thì không thể nào đủ. Đây cũng là con đường, là xu hướng mà nhiều giải của hội nghề nghiệp nên theo, trong đó có Cánh diều.

Xin hay bán tài trợ?

Tính chất của Cánh diều khá đặc thù, nó mang tính nội bộ, trực thuộc hệ thống giải thưởng của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, do Chính phủ cấp kinh phí trao giải. Hội Điện ảnh Việt Nam bắt đầu nhận kinh phí để trao giải nội bộ từ năm 1993, đến năm 2003 thì có tên giải Cánh diều. Năm 2003 cũng đánh dấu cho sự xuất hiện nhiều phim xã hội hóa (phim tư nhân), cục diện điện ảnh bắt đầu thay đổi nhanh, giải Cánh diều cũng thoát dần tính nội bộ.

Ngay năm này, Cánh diều đã cùng Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng truyền hình trực tiếp, tìm sự hỗ trợ từ quảng cáo. Nó cho thấy kinh phí mà chính phủ chi ra không thể nào đủ cho việc trao giải, mà mỗi năm quy mô lại nhiều hơn, khó cập nhật kịp.


Phim Để Mai tính 2 (vốn có tên Để Hội tính, ĐD: Charlie Nguyễn) đang giữ kỷ lục bán vé tại Việt Nam - hơn 100 tỷ đồng - vượt tất cả các phim bom tấn quốc tế từng nhập về chiếu. Một khó khăn cũ của việc xét giải Cánh diều lại hiện diện, đó là chuyện “lọc” phim trước khi chấm, 17 phim chưa đủ nhiều để làm điều này, nhưng nếu không lọc thì việc phải chấm các phim quá khác biệt như Sống cùng lịch sử, Để Mai tính 2 (“may” là vắng mặt Đập cánh giữa không trung) vẫn rất đau đầu.

Xoay quanh chuyện này, nhà sản xuất - đạo diễn Quang Huy từng bình luận: “Chúng ta đang bán tài trợ hay xin tài trợ? Tôi không tin một giải thưởng với nhiều con số hấp dẫn, như quy tụ hầu hết phim Việt Nam trong năm, trong đó có nhiều phim doanh thu vài chục tỷ cho đến hàng trăm tỷ, với hàng triệu lượt người xem, hàng chục triệu khán giả quan tâm, quy tụ nhiều đạo diễn và ngôi sao điện ảnh đương thời, lại không thể bán tài trợ”.

Ý kiến này phần nào cắt nghĩa được những băn khoăn gián tiếp từ chính BTC và của cả Hội Điện ảnh Việt Nam, vì nếu đi xin tài trợ thì chỉ cần lòng thương, sự hào phóng của phía cho tài trợ là xong. Còn đã là bán tài trợ thì cần cơ chế, phương tiện, lộ trình để trả quyền lợi tài trợ, bởi riêng sự kiện trao giải (khoảng 120 phút) thì khó mà thu hút được các nhà tài trợ. Công tác truyền thông có tính tiền kỳ và hậu kỳ cho một sự kiện như Cánh diều hấp dẫn nhà tài trợ hơn là tiêu điểm ở trung kỳ. Mà để làm được lộ trình truyền thông như vậy, nhân sự và cơ chế hiện có của Hội Điện ảnh Việt Nam chưa đảm đương được.

Nếu năm 2003, doanh thu bán vé toàn quốc vào khoảng 1,5 triệu USD, đến nay đã tăng lên 60 lần (hơn 90 triệu USD/năm 2014). Việt Nam cũng sẽ nhanh chóng vượt qua cột mốc 100 triệu USD tiền bán vé trong năm 2015 hoặc năm sau. Vậy thì một giải thưởng điện ảnh được gọi là “Oscar của Việt Nam” phải kết nối thế nào với doanh thu khổng lồ này? Phải chăng, ngoài việc cập nhật mô hình tổ chức, cách thức bán tài trợ, Cánh diều cũng cần tìm thêm cách kết nối hữu cơ - đôi bên cùng có lợi, như giải Oscar đã làm với thị trường chiếu bóng tại Mỹ.

Và bản thân Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cần tìm những giải pháp để liên kết hữu cơ hơn với các tổ chức tài chính liên quan đến điện ảnh (điều mà các hiệp hội nghề nghiệp ở các nước phát triển thường làm), nếu chỉ dừng lại xin hay bán tài trợ, sự phập phồng, lo lắng sẽ vẫn còn đó.


Hình trong phim Những đứa con của làng (ĐD: Nguyễn Đức Việt), do nhà nước đặt hàng, một ứng viên sáng giá của giải Cánh diều 2014.

Vẫn còn quá tải

Chỉ xét riêng về phim điện ảnh, khi Cánh diều ra đời, mỗi năm Việt Nam chỉ làm được 5 - 7 phim, năm 2014 đã làm gần 30 phim, trong đó có đến 13/17 phim của tư nhân; Nhà nước chỉ làm 2 phim, còn 2 phim đặt hàng. Riêng dạ tiệc của đêm trao giải Cánh diều 2014 đã có đến khoảng 500 khách mời, công tác tổ chức, tiếp đón, chiêu đãi và chi phí không hề đơn giản. Cho nên, trước sự tăng trưởng liên tục về số lượng và sự áp đảo của phim tư nhân, sẽ có lúng túng cho việc duyệt kinh phí cập nhật từ Nhà nước. Điều này buộc BTC phải có đối sách khác, ví dụ như lập ra một công ty chuyên tổ chức sự kiện Cánh diều để đảm trách, chứ các thành viên của Hội Điện ảnh Việt Nam thì khó mà kham nổi nhiều việc cùng lúc. Thế nhưng về cơ chế, để một công ty như thế này danh chính ngôn thuận tồn tại song hành cùng với Hội Điện ảnh Việt Nam lại rất khó.

“Ý nghĩa, mục đích của giải thưởng Cánh diều là rất tốt, rất cần thiết; nhưng khâu tổ chức năm nào cũng có vấn đề sai sót. Không phải chúng tôi không biết, nhưng chưa thể khắc phục ngay được. Kinh phí cấp cho giải thưởng này khoảng 850 triệu đồng (cho cả việc tổ chức và chi trả giải thưởng). Hội không có bộ phận tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, mỗi năm chúng tôi lại động viên anh em hội viên chung tay. Nhưng từng hội viên lại có công việc riêng của họ, nên khó có thời gian tập trung toàn tâm toàn ý được”, ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - thừa nhận với báo chí.

Chính vì vậy, trước sức tăng trưởng mạnh mẽ của điện ảnh (đặc biệt khu vực tư nhân), sự quá tải, khủng hoảng của Cánh diều rõ ràng không chỉ đến từ sự thiếu nhiệt thành tham gia của các nghệ sĩ hay kinh phí tổ chức.

Nghi thức kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam và lễ trao giải Cánh diều 2014 diễn ra lúc 20h ngày 12/3 tại Queen Hall (Q.4, TP.HCM), trực tiếp trên kênh VTV9. Năm nay, có 17 phim điện ảnh (nhiều nhất từ trước đến nay), 18 phim truyền hình, 4 phim tài liệu điện ảnh, 48 phim tài liệu truyền hình, 7 phim khoa học, 29 phim ngắn và 3 công trình nghiên cứu - lý luận phê bình điện ảnh tham gia tranh giải. Mỗi hạng mục trao 1 Cánh diều vàng, 2 Cánh diều bạc và 2 Bằng khen. Bên cạnh đó, còn có giải Báo chí - phê bình cho Phim truyện điện ảnh xuất sắc 2014 và giải Cánh diều vàng cho cá nhân.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm