NSƯT Chí Trung: 'Đã ra khỏi nhà là phải chắc thắng!'

09/12/2013 13:34 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “8 năm rồi mới quay lại TP.HCM, tất cả mọi thứ: giá thuê rạp, giá phòng… đều thay đổi, trừ… giá vé” - NSƯT Chí Trung thở hắt, trước chuyến “Nam tiến” lần này của Nhà hát Tuổi trẻ (dự kiến diễn ra vào dịp trung tuần tháng 12). Nhưng một mặt, anh cũng lại gần như quả quyết: “Đã ra khỏi nhà là phải chắc thắng. Vì thua thì… đi làm gì!”.

* Vì sao lại phải mất những 8 năm nhỉ? Tuổi Trẻ và Chí Trung mà yếu bóng vía thế sao?

- Đơn giản là vì riêng cái điểm diễn mới ở rạp Thiền Quang cũng đã ngốn mất của tôi 4-5 năm rồi và tận cho đến tháng 6 vừa rồi mới dứt ra được. Rồi trăm thứ bà rằn khác. Vèo cái, đã 8 năm!



* Anh có nhớ nhầm không đấy? Tôi nhớ là gần như năm nào nhà hát cũng cử quân vào kia mà?

- À thì cũng có vào, nhưng chỉ là manh mún, lẻ tẻ, chứ không “tổng lực” như 8 năm trước và như lần này. Lần này, là những gần 50 con người cơ mà, tổng hợp từ 2 đoàn Kịch 1 và Kịch 2. Vì bao nhiêu cái “nhân dịp”: 35 năm thành lập nhà hát, 25 năm ngày mất Lưu Quang Vũ, rồi thì… 69 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN… Đấy, cứ phải là “nhân dịp” - thằng đọc oai, mà thằng nói cũng oai (cười)! Nhưng phải nói, 8 năm không vào thì mới là cái chính!

* 8 năm, anh nghĩ, liệu sẽ “xa mặt cách lòng” hay… “tình cũ không rủ cũng tới”?

- À, lòng người, thế mà, lại chưa phải là cái lo lắng nhất nhé! Vì ít ra, có thể ca bài Hà Nội niềm tin và hy vọng với 2 triệu người Bắc hiện đang sinh sống tại TP.HCM - theo như tôi biết. Nhưng cái chính là những con số cần biết thì đã thay đổi chóng mặt: giá thuê rạp tăng lên gấp 5 - 7 lần, giá khách sạn cũng tăng gấp 4… - tất cả đều đã thay đổi. Trừ… giá vé. Phải nói là cực kỳ ổn định! Thế mới biết nghệ thuật ở ta đã làm quá tốt khâu… “bình ổn giá” (cười buồn)! Và lo nữa (thực ra cái này quan trọng hơn này), là làm thế nào để tiếp cận khán giả, khi những cách cần làm, thì dường như cũng đã làm hết cả rồi. Làm hết rồi, nhưng dẫu vậy, vẫn thao thức lắm! Vì đằng nào thì đấy cũng là con số ảo, là vô hình, trong khi những con số kia thì mới thực làm sao, hữu hình làm sao!



* Sợ chết sao còn “ra gió”? Nào ai bắt?

- Ừ nhỉ, nào ai bắt! Nhưng không nhẽ cứ ngồi nhà nhìn ra đêm tối? Và nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Mà thực ra, thì cũng đã tính đủ cách rồi. Và nhân thể, phát hiện ra, mình rất là có duyên… vận động doanh nghiệp nhé! Mà mọi người đồng ý giúp một cách rất vui vẻ, tử tế. Nghĩa là logo ở đâu thì được, nhưng trên sân khấu, thì nhất định không. Nhất là với kịch mục lần này (2 vở Mùa hạ cuối cùngLời thề thứ 9 sẽ có 4 đêm diễn tại Nhà hát TP.HCM từ 16 - 19/12 - PV). 25 năm ngày mất Lưu Quang Vũ kia mà! Vì vậy, sân khấu, nó cũng đồng thời là bàn thờ. Không logo lô giếc gì cả! Cũng may, là những ông anh của mình đều đồng ý với mình như thế…

* Và thế là,… chắc thắng?

- Chứ không nhẽ thua? Không thể! Vì thua thì… đi làm gì! Một khi đã ra khỏi nhà là phải chắc thắng đến 98%! Có điều, thắng được cả trên hai mặt trận thương mại và nghệ thuật thì mới là! Nói thật nhé, nếu chỉ là về thương mại thì tôi không sợ! Mạnh Thường Quân là một nhẽ, nhưng, như đã nói, còn hai triệu người Bắc ở Sài Gòn kia mà, 8 năm thiếu nhau kia mà, không nhẽ! Chỉ e, thua về nghệ thuật, mới là! Vì đã đi thế này, không chỉ vì manh áo miếng cơm, mà còn là vì lòng tự trọng nữa. Dù gì thì cũng là “đặc sản Bắc”, lẽ nào… Ừ thì cứ cho là hoành tráng hay rỗng tuếch, gần gũi hay giáo điều đi, nhưng ít ra, cũng vẫn phải khiến được người xem hỉ hả, sau bằng ấy năm thiếu vắng chứ!

* Cùng với kịch Lưu Quang Vũ, là Đời cười, Nụ cười chiến sĩ (sẽ diễn tại Nhà hát Quân đội sau đó - PV) - anh cho, đấy cũng là “đặc sản Bắc”?

- Thì có cái phải nhìn lên trời xanh, cũng có lúc phải cúi nhìn xuống đất chứ! Không lấy ngắn nuôi dài, chỉ biết ngẩng lên giời mà không biết cúi xuống đất thì có mà chết à? Bằng mọi cách, cũng phải trụ lại được ít nhất từ 20 - 25 ngày. Thì mới bõ công nhổ cả nhà đi chứ! Mà nếu có chết, thì cũng phải cố mà chết cho sang trọng! (Cười)



* Lại “chết vì sang trọng” - bệnh mãn tính của kịch Bắc thì phải!

- À, nhưng người ta cũng lại có câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” nhé! Chả gì mình cũng là… người nhà quê mà! Đã không lên tỉnh thì thôi, bằng không, cũng phải thơm tho sạch sẽ tí, tội gì! Dù rằng, đằng sau comple, cà vạt, rất có thể vẫn chỉ là… quần đùi và áo may ô!

* 8 năm trước thì sao nhỉ?

- Chưa bao giờ là dưới 1 tháng!

* Mới đây, Thành Lộc - bạn nghề phía Nam của anh, người từng chuyển thể Tin ở hoa hồng sang nhạc kịch, vừa đưa ra một “công thức vàng”: Bún riêu pha beefsteak, dĩ nhiên phải pha trộn khéo léo, thì sẽ cho ra những vở diễn có tuổi thọ lâu dài nhất. Anh có nghĩ thế?



- Thế à? Tôi thì lại nghĩ hơi khác một chút: Phở là phở, hủ tíu là hủ tíu, không cái nào ngon hơn cái nào cả. Khác chăng, phở Bắc thì dành cho người Bắc, còn hủ tíu thì dành cho người Nam, thế thôi!

* Nhưng rõ ràng là anh đang tính “Nam tiến” kia mà?

- Càng “Nam tiến” thì lại càng phải là phở Bắc! Không thì đâu nhất thiết phải là mình!

“Tất cả đều đã thay đổi. Trừ… giá vé. Thế mới biết nghệ thuật ở ta đã làm quá tốt khâu… bình ổn giá!”

Thư Quỳnh (thực hiện)
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm