(lienminhbng.org) - Cái chết hôm 19/2 của Umberto Eco, một trong những học giả vĩ đại nhất mà Italy đã từng sản sinh trong lịch sử, đã khiến nước Ý rúng động và đau buồn.
Các báo lớn ra ngày 20/2 đã chạy những dòng tít lớn trên trang nhất để vĩnh biệt ông. Nhật báo La Repubblica: "Vĩnh biệt Umberto Eco, con người biết tất cả mọi thứ". La Stampa: "Vĩnh biệt Umberto Eco, nền văn học đưa tang". Corriere della Sera: "Vĩnh biệt Umberto Eco, nhà văn đã thay đổi nền văn hóa Ý". Rất nhiều những dòng tít, những lời ca ngợi như thế trên các phương tiện thông tin đại chúng Italy, trong khi các kênh truyền hình có nhiều người xem nhất đã dành phần thời lượng lớn trong ngày để nhắc đến những đóng góp lớn lao mà học giả 84 tuổi này dành cho nền văn hóa Italy nói riêng và thế giới nói chung. Những lời tiếc thương dành cho ông cũng đến từ khắp nơi trên thế giới.
Nhà văn Umberto Eco
Thương tiếc Umberto Eco, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã gọi ông là một "nhân vật lỗi lạc của tranh luận trí thức" và cái chết của Eco là một tổn thất lớn lao cho nền văn hóa và xã hội Italy. Thủ tướng Italy Matteo Renzi thì coi Eco là một "tấm gương xuất chúng của nền trí thức Châu Âu, kết hợp sự thông minh độc đáo của quá khứ với khả năng vô hạn về tiên đoán tương lai".
Phía trước ngôi nhà của ông ở quảng trường Castello, Milan, được đặt rất nhiều hoa hồng trắng để tưởng tới giả của Tên của hoa hồng. Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này của đạo diễn Jean-Jacques Annaud, với diễn xuất của Anthony Hopkins, được chiếu lại trên kênh Rai Tre. Trong khi đó, cuốn sách mới nhất của Eco, Pape Satan Aleppe đáng lí ra được xuất bản vào tháng 5 này, đã được đẩy ngày phát hành lên 27/2 tới.
Thương tiếc và ca ngợi, bởi Umberto Eco, tác giả của tác phẩm Tên của hoa hồng, một tác phẩm văn học được xuất bản năm 1980, cho tới nay đã được dịch ra 47 thứ tiếng và bán hơn 50 triệu bản trên toàn thế giới, không phải là một người bình thường. Hơn thế, ông là một nhân vật rất đặc biệt và luôn gây ra sự chú ý lớn bởi những gì ông đã làm, trên rất nhiều các khía cạnh khác nhau của đời sống trí thức Ý.
Bìa cuốn "Tên của hoa hồng", bản tiếng Anh. Cuốn sách đã được dịch ra 47 thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt
Ông không chỉ là một nhà văn bán chạy (dù Eco chỉ đến với nghiệp viết tiểu thuyết vào năm 1980, khi đã 42 tuổi) mà còn là một giáo sư lỗi lạc của đại học Bologna, nhưng cũng là nhà kí hiệu học, triết học, ngôn ngữ học, nhà báo, nhà chính trị và nhà xã hội học. "Tôi không thấy có vấn đề gì khi thực hiện quá nhiều vai trò cũng lúc trong đời sống tri thức như thế", có lần ông nói. "Tôi là một giáo sư mẫu mực luôn viết tiểu thuyết vào những ngày cuối tuần".
Sinh năm 1932 ở Alessandria, xứ Piedmont, miền Tây Bắc Italy, Umberto Eco theo học triết học và ngay từ thời trẻ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến triết học, thần học và văn hóa thời Trung Cổ. Niềm đam mê ấy đã dẫn dắt ông đến nhiều công trình nghiên cứu về thời kì quan trọng này trong lịch sử Châu Âu và là đề tài khai thác trong rất nhiều các tác phẩm ngắn và dài được xuất bản trong nhiều thập kỉ.
Tác phẩm Tên của hoa hồng, kể về những âm mưu và án mạng trong một nhà tu kín, được coi là một kiệt tác đương thời về thời Trung Cổ ở chiều sâu của tác phẩm, với việc lồng ghép nhiều đoạn đối thoại bằng tiếng Latin và nhiều lớp chi tiết được bao phủ bởi các ngữ nghĩa mang tính bí hiểm. Một tác phẩm khác của ông, "Quả lắc của Foucault" cũng là một tác phẩm có giá trị về lịch sử về các tu sĩ thánh chiến dòng Đền và cuộc đi tìm Chén Thánh, đề cập đến hàng loạt những điều bí hiểm trong cuộc sống ở thời Trung Cổ.
Một cảnh trong phim "Tên của hoa hồng" (1986) của đạo diễn Jean-Jacques Annaud
Một tờ báo Ý nhận xét rằng, trong vòng hơn 40 năm qua, ít thấy khi nào Eco vắng bóng một tuần nào trên văn đàn hoặc truyền hình, hoặc trong các cuộc khẩu chiến về đủ mọi đề tài, từ các vấn đề liên quan đến tầm quan trọng của việc đọc sách ("Ở tuổi 70, những ai không đọc chỉ sống cuộc đời của chính họ. Còn ai đã đọc thì đã sống tới 5 nghìn cuộc đời", có lần ông nói) cho đến các talk show về chính trị. Nhiều khán giả truyền hình có lẽ chưa quên việc ông đã chỉ trích nặng nề Thủ tướng lúc đó là Silvio Berlusconi vào năm 2011, so sánh ông này với Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, người đã kiên quyết không từ chức trong mọi hoàn cảnh. Trí tuệ siêu việt và khả năng làm việc siêu hạng đã cho phép ông liên tục xuất hiện trên truyền hình cũng như viết hàng nghìn bài xã luận và bình luận về văn hóa đại chúng cũng như vấn đề chính trị.
Cụ thể hơn, Umberto Eco chỉ trích mạnh mẽ hệ thống chính trị Italy, lên án các chính sách đối ngoại của Mỹ đối với thế giới, đồng thời thể hiện các quan điểm chính trị và xã hội của mình qua "Tự do và công lí", một tổ chức tập hợp các trí thức tiến bộ của Italy. Năm ngoái, ở tuổi 83, ông vẫn tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt và dữ dội trên các phương tiện thông tin đại chúng xung quanh một tuyên bố về mạng xã hội của ông. Ông nói: "Mạng xã hội tạo cơ hội cho hàng binh đoàn những kẻ thiểu năng trí tuệ trước đây chỉ dám ăn nói trong các quán bar sau khi nốc một li rượu mà không hề làm hại gì đến xã hội. Đấy là một cuộc xâm lăng của bọn thiểu năng trí tuệ".
Một số tác phẩm của Umberto Eco
Eco là vậy đó, ông đặc biệt ghét cái gọi là dư luận đám đông và cái cách mà xã hội mạng chi phối đời sống của chúng ta. Ông cũng chống lại sự áp đặt về mặt tư tưởng văn hóa và chính trị của các tập đoàn tư bản. Cuối năm ngoái, hai tháng trước khi qua đời, ông và một nhóm các nhà văn nổi tiếng của Italy tuyên bố đã thành lập một nhà xuất bản riêng có tên "La Nave in Teseo", coi đó như một câu trả lời cho việc Mondadori, tập đoàn xuất bản lớn nhất nước Ý và thuộc sở hữu của gia đình Berlusconi định thâu tóm Rizzoli Corriere della Sera, tập đoàn xuất bản lớn thứ hai của Italy.
Ngoài Tên của hoa hồng, được coi là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc nhất thế giới trong thế kỉ 20, đã được dịch ra tiếng Việt, một số tác phẩm khác của Eco cũng đã được chuyển ngữ và đến với độc giả Việt Nam như Đi tìm sự thật biết cười, Luận văn của Umberto Eco và Nghĩa địa Praha. Tác phẩm cuối cùng của ông được xuất bản khi ông còn sống là Năm số 0 (Anno zero), được phát hành năm 2015. Với những đóng góp của mình cho ngành văn hóa và nghệ thuật, Umberto Eco đã được nhà nước Italy trao danh hiệu Hiệp sĩ. Ông cũng được Pháp trao Bắc đẩu bội tinh. Nhiều nước khác cũng trao tặng ông nhiều danh hiệu cho những thành tựu của ông trong sự nghiệp.
Mấy năm trước, khi được hỏi về việc sẽ mang cuốn sách gì tới một hòn đảo, ông bảo, ông sẽ đem theo một cuốn danh bạ điện thoại của thành phố New York. "Cuốn danh bạ đó có tên của cả thế giới", ông nói. "Bạn có thể tưởng tượng ra một serie những câu chuyện với vô số những nhân vật như thế". Chỉ có Umberto Eco mới có thể nghĩ ra như thế, cho thấy sức sáng tạo của ông là hầu như vô hạn. Ngay cả khi ông đã qua đời, những tư tưởng và tác phẩm của ông sẽ còn vang vọng mãi đến các thế hệ sau ("eco" cũng có nghĩa là tiếng vọng)...
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)