17/08/2016 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vào lúc 12h30 ngày 17/8 phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể (ĐD: Ngô Thanh Vân) có buổi ra mắt báo chí tại TP.HCM, nhưng đường ra rạp thì rất gay cấn, phập phồng.
Hiểu thế nào về 40% thị phần?
Với khoảng 176 phòng chiếu, nếu chỉ đếm về số lượng, CGV hiện là hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam với hơn 40% thị phần. Tất nhiên không phải phòng chiếu nào, suất chiếu nào của CGV cũng đông khách hơn các đơn vị khác.
Còn nhớ sau khi 8 đơn vị khiếu nại về tỷ lệ ăn chia (trong đó có Galaxy Cinema và công ty của Ngô Thanh Vân) thì CGV đã “dằn mặt” bằng cách từ chối phim X-Men: Apocalypse do Galaxy Cinema phát hành tại Việt Nam.
Tính đến 18h ngày 16/8, dù trong danh sách phim sắp chiếu của trang cgv.vn có tên Tấm Cám - Chuyện chưa kể, nhưng mọi chuyện vẫn chưa chắc chắn
Phim này do 20th Century Fox phát hành quốc tế, nơi đã ra hạn mức doanh thu cho thị trường Việt Nam là 2 triệu USD (hơn 44 tỷ đồng). Dù CGV không nhận chiếu nhưng kết quả Galaxy cũng thu về khoảng 49 tỷ đồng tiền vé.
Sau CGV thì Lotte Cinema có khoảng 111 phòng chiếu, hệ thống chiếu phim quốc gia và các đơn vị liên đới có gần 100 phòng, Platinum Cineplex có 37 phòng, BHD Star Cineplex có 36 phòng, Galaxy Cinema có 25 phòng. Như vậy là, hơn 40% thị phần mà CGV đang nắm giữ (với giá vé luôn bán cao hơn các đơn vị khác) nhiều khi chỉ có ý nghĩa số học, chứ không phải lúc nào cũng đúng với việc bán vé.
Một ví dụ khác. Như gần đây phim Fan cuồng (ĐD: Charlie Nguyễn) do “ê-kíp triệu đô” sản xuất, CGV phát hành, tất cả các đơn vị khác tại Việt Nam đều chiếu, nhưng vẫn “vỡ trận” về doanh thu đó thôi. Mà CGV không chỉ thất bại riêng với phim Fan cuồng. Chất lượng phim và sự may mắn khi ra rạp là hai yếu tố rất quan trọng trong việc bán vé.
Không chỉ “cơm không lành”
Tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” đang hiện diện giữa các đơn vị phát hành phim tại Việt Nam.
Việc CGV kiên quyết giữ tỷ lệ ăn chia với Tấm Cám: Chuyện chưa kể có thể do ảnh hưởng một phần từ lá đơn của 8 đơn vị khiếu nại kia, nhưng lớn hơn, họ không muốn tạo tiền lệ bất lợi. Thực tế cho thấy CGV đang là hệ thống phát hành mà đa phần nhà sản xuất Việt ngắm đến, nếu nhân nhượng với Ngô Thanh Vân thì cũng phải nhân nhượng với nhiều nơi khác.
Thái độ kiên quyết của Ngô Thanh Vân không chỉ cho thấy sự tự tin về chất lượng phim đang có, mà còn phản ánh sự kháng cự lại xu thế lệ thuộc vào CGV? Chưa có bằng chứng cụ thể, nhưng qua các động thái gián tiếp cho thấy CJ Entertainment và CJ CGV (cùng một nhóm) đang tạo thanh thế bằng việc lăng-xê tối đa các sản phẩm của họ để trở thành dẫn đầu về việc bán vé. Ví dụ Em là bà nội của anh, chất lượng hạng khá thôi, nhưng đang là phim có doanh thu cao nhất Việt Nam (102 tỷ đồng).
Nếu phim này do Ngô Thanh Vân hoặc các đơn vị khác sản xuất, doanh thu sẽ thấp hơn. Vừa sản xuất vừa phát hành cũng giống như vừa đá bóng vừa thổi còi, ưu thế và sự thiên vị luôn luôn có. Thay đổi tình trạng này là bất khả, nhưng thay đổi tỷ lệ ăn chia thì khả thi hơn, vì vậy Ngô Thanh Vân muốn làm? Tuy nhiên, phía Ngô Thanh Vân chưa phát ngôn cụ thể về hành động của họ.
Nhìn rộng hơn, Tấm Cám - Chuyện chưa kể là một trong những phim Việt được làm tử tế, nghiêm túc, nếu nó cũng thất bại về doanh thu giống như Siêu trộm, Truy sát, Bao giờ có yêu nhau, Fan cuồng… (cùng năm 2016) thì sao? Thì chắc chắn nhiều nhà đầu tư và sản xuất phim Việt bị nhụt chí, sẽ quay về làm những phim kinh phí thật thấp, để an toàn.
Trong khi đó CJ Entertainment đang ấp ủ nhiều “phim Việt” khác, nếu họ có nhiều phim giống như Em là bà nội của anh, thì viễn cảnh người Việt xem phim Việt do người Hàn sản xuất sẽ chính thức mở ra. Với nhiều người yêu phim Việt và văn hóa Việt, viễn cảnh đó thật đáng lo lắng.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất