Sao thiếu nhi hát nhạc người lớn?

22/06/2013 06:22 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(lienminhbng.org) - Câu chuyện về sự khan hiếm nhạc thiếu nhi xuân thu nhị kỳ được nhắc đến cho có lệ mỗi dịp 1/6 hay Trung thu, nay đang có may mắn trở thành thời sự khi có một cuộc thi hát thuộc hàng “hot” diễn ra trên truyền hình mỗi tuần, và ở đó người lớn được dịp phán xét khi chứng kiến việc trẻ em thi nhau hát bài người lớn…

Có nhạc trẻ con, nhưng vẫn thích bài người lớn

Khi một cô bé 11 tuổi gân cổ lên hát I Will Always Love You tại Giọng hát Việt nhí thì dù phụ đề bên dưới có cố lái chuyện yêu đương sang chuyện bạn bè, tận dụng lợi thế tiếng Anh “I” và “You” thì cũng không che giấu được cái sự cố tình làm quá mang tính dàn dựng rất kịch. Trẻ con chưa vỡ giọng thì hát cao chói lóa là thường. Có điều, cô bé này, và có lẽ là những người lớn xung quanh cô, đã biết tận dụng cái tâm lý rất phổ thông của mọi người lớn, là rất thích thú khi thấy trẻ con có khả năng hát được nhạc người lớn. Chuyện này xảy ra trong mọi gia đình, và nay được đưa lên truyền thông đại chúng thì tạo ra phản ứng trái ngược, vừa làm người này thích lại khiến người khác giật mình, và bắt đầu có những tiếng kêu yếu ớt kiểu “Đâu rồi bài hát cho thiếu nhi?”.

Ca sĩ Thanh Thảo hát trong chương trình Tuổi thần tiên

Nhưng có thực là thiếu nhi thiếu bài hát tới mức phải hát bài người lớn không? Trong trường hợp những cuộc thi có sự tham gia của các em nhỏ như Giọng hát Việt nhí, Vietnam’s Got Talent hay Đồ Rê Mí thì câu trả lời dường như không liên quan tới chuyện thiếu hay thừa. Đó không phải là các cuộc thi bài hát cho nên số lượng bài thiếu nhi nhiều hay ít không quan trọng. Ở những cuộc thi này, cái mà người tổ chức, và cả người xem cần, là những câu chuyện có liên quan đến các em nhỏ đang đứng trên sân khấu. Việc các em hát gì chỉ là cái cớ để đưa câu chuyện ra kể và lấy nước mắt hoặc tiếng cười của người xem. Để khoe cô bé này con nhà nòi thì cho hát một bài bán cổ điển tiếng Ý; muốn chứng tỏ cô bé kia có giọng cao thì cố gò cho hát một bài của các diva người lớn; để kể câu chuyện cô bé có hoàn cảnh khó khăn thì còn gì lý tưởng bằng trường hợp bé Mỹ Chi và Quê em mùa nước lũ cùng hình ảnh đường phố ngập trong triều cường. Trong những trường hợp này, kể cả khi các bé hát bị đuối, bị phô (cũng là chuyện thường tình ở trẻ nhỏ) cũng dễ được thể tất, bởi tất cả các yếu tố của một “câu chuyện” hấp dẫn cùng những màn “diễn xuất” quá siêu của huấn luyện viên đã che chắn cho điểm yếu về ca hát.

Những “thần đồng” Jackie Evancho, Bianca Ryan, Colbie Talbot gây choáng váng ở các cuộc thi Talent Anh và Mỹ cũng nhờ vào các bài hát “người lớn”, vậy có phải Âu-Mỹ họ cũng khan hiếm bài hát thiếu nhi không?

Vì thế, nếu đem chuyện thiếu ca khúc thiếu nhi ra để bàn luận mà lại lấy thí dụ là các cuộc thi hát trên truyền hình (về bản chất sâu xa thì không phải thi hát) thì sẽ không thích hợp. Bởi hầu hết các bài hát viết cho thiếu nhi, cả cũ cả mới, đều được các nhạc sĩ cân nhắc sáng tác với những yêu cầu về thanh nhạc phù hợp với lứa tuổi các em, nên sẽ không có cơ hội để sinh ra những choáng váng, ngất ngây có phần giả tạo và theo phong trào từ phía công chúng. Cho nên, cho dù là bài hát thiếu nhi có tràn ngập thì cũng rất ít trong số đó có cửa ở những cuộc thi “kể chuyện cuộc đời” như thế này.

Chuyện không phải chỉ ở Việt Nam mới có. Những hiện tượng Jackie Evancho, Bianca Ryan, Colbie Talbot gây choáng váng ở các cuộc thi Talent Anh và Mỹ cũng nhờ vào các bài hát “người lớn”, vậy có phải Âu - Mỹ họ cũng khan hiếm bài hát thiếu nhi không? Nếu không thì sao bọn trẻ phải hát nhạc người lớn, có bài còn sướt mướt yêu đương hơn cả I Will Always Love You nhiều; còn nếu đúng là thiếu, thì đâu còn là chuyện riêng của Việt Nam nữa trong thời hội nhập này? Giả sử các em bé này lên sân khấu và hát những bài thiếu nhi (mà ở Việt Nam cũng nhiều người biết) như Twinkle Twinkle Little Star hay Alouette… thì có dễ dàng trở thành hiện tượng như đã từng không? 



Ca sĩ Hiền Thục và thí sinh nhí đang gây sốt trên mạng, Mỹ Chi


Vậy, nhạc trẻ em thiếu ở đâu?

Các ý kiến bênh vực, thông cảm việc trẻ em hát bài người lớn thường hướng vào việc chê trách, phê phán những người sáng tác là đã không cập nhật với tâm tư tình cảm của trẻ em thời nay nên các bài hát mới viết ra không được các em đón nhận, bài hát cũ thì không còn phù hợp nữa. Nói thế e rằng quá chủ quan chăng? Đã bao giờ chúng ta có một điều tra nghiêm túc về cái gọi là “tâm tư tình cảm” của các em chưa mà biết thực sự các em cần gì?

Trong thực tế, các bậc cha mẹ dường như không quan tâm lắm đến chuyện con mình hát gì. Và không chỉ chuyện nghe hát, nhiều gia đình mà bố mẹ yên tâm khi đứa trẻ cắm mặt vào ti-vi và không làm phiền người lớn; yên tâm khi nó đọc truyện tranh; thậm chí hào hứng đi khoe và quay video đưa lên mạng khi thấy con mình hát nhạc người lớn và nhảy Gangnam Style. Đến khi được cảnh báo về những độc hại (có thể có) từ những sản phẩm ấy thì mới tá hỏa và ngay lập tức, như một phản xạ tự nhiên chứng tỏ mình vô can, họ đổ lỗi cho những nơi sản xuất ra các sản phẩm thực ra chỉ dành cho người lớn ấy, và lớn tiếng trách móc sao không có nhiều sản phẩm văn hóa lành mạnh cho trẻ con.

Những suy nghĩ như vậy giải thích phần nào chuyện vì sao nhạc thiếu nhi ngày càng khan hiếm trong đời sống tinh thần của các em, ấy là bởi người lớn đã không có ý thức lựa chọn giúp các em.

Đến đây có người bảo tại sao người lớn lại phải làm việc đó, tự trẻ em chúng quyết định chúng sẽ nghe gì chứ? Xin trả lời bằng những câu hỏi: Quý vị đã bao giờ nhìn thấy những nhãn hiệu cảnh báo lứa tuổi dán trên bìa đĩa nhạc, đĩa phim nước ngoài hay ở các rạp chiếu phim, nhà hát chưa? Trẻ con có được thoải mái mang những thứ ấy về nhà không? Nếu chúng cố ý mang về, bố mẹ có vô can không?

Dẫn lại chuyện này để thấy ở môi trường rộng lớn là xã hội và gia đình, việc chăm lo đời sống tinh thần con trẻ đang diễn ra rất hời hợt. Một đứa bé từ khi còn nhỏ, chưa có khả năng phân biệt hay - dở, đã bị phó mặc việc lựa chọn xem gì nghe gì thì khi lớn lên hơn một chút, tức là cỡ tuổi cuối cấp 1, sang cấp 2, đầu cấp 3 (tuổi được chấp nhận đi thi The Voice Kids) việc chúng lúng túng khi chọn nhạc để nghe, để hát là dễ hiểu. Và khi các cuộc thi có xu hướng khuyến khích hát nhạc người lớn xuất hiện, sẽ là cơ hội vàng để cả trẻ con lẫn người lớn bộc lộ những thiếu hụt về đời sống tinh thần mà tất cả họ cứ tưởng mình đang làm những điều gì đó hay lắm, cấp tiến lắm.



Cuối cùng thì môi trường nào đang thực sự dành cho nhạc thiếu nhi đúng nghĩa? Có vẻ các sân trường là “thành lũy” cuối cùng để nhạc thiếu nhi thực sự là thiếu nhi, dù không thiếu các vụ “đột nhập” của nhạc người lớn trong các dịp văn nghệ hội hè, tuy nhiên, nhạc đúng lứa tuổi vẫn luôn áp đảo, vì ít nhất các thầy các cô còn thấy phần trách nhiệm của mình trong đó.

Ca nhạc thiếu nhi không mang nhiều tính thương mại như nhạc của người lớn, các show diễn không nhiều, băng đĩa dù từng có những kỷ lục tiêu thụ thời bé Xuân Mai là ngôi sao nhí thì cũng không thể sánh được với thị trường nhạc “lớn”, hiển nhiên vì phân khúc nhỏ hơn. Do đó, không thể đòi hỏi nhạc trẻ em phải ra đời sòn sòn như nhạc teen - pop, nhạc thị trường nói chung. Đứa trẻ này lớn lên không nghe nhạc thiếu nhi nữa thì đứa bé hơn sẽ lại nghe tiếp, đó là sự khác biệt với nhạc người lớn. Do trẻ em cần rất nhiều hướng dẫn của người lớn khi thưởng thức âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác nói chung, nên các sản phẩm văn hóa cho lứa tuổi này cũng theo hướng chậm mà chắc, ít tính thời trang và đặt nặng hơn các mục đích giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ (lời bài hát hẳn nhiên dễ thuộc dễ nhớ), khám phá thế giới xung quanh qua những hình ảnh trong các bài hát. Nhìn ra thế giới, nhạc thiếu nhi quốc tế mức độ phát triển so với nhạc pop-rock phải nói là vô cùng chậm, cho nên trẻ con khi nhỏ vẫn cứ nghe những bài kinh điển cả chục, cả trăm năm qua. Khi lớn hơn một chút, bắt đầu vào tuổi teen (12-13 tuổi trở đi) thì có thể nghe “ké” nhạc người lớn, và các bài teen-pop nói về tình bạn, học đường. Ở Việt Nam cũng vậy, những bài hát cho tuổi mới lớn thực ra không thiếu, bài mới vẫn có thường xuyên, còn bài hát cho học sinh nhí, cỡ tiểu học trở xuống, thì do nhu cầu thực sự không cao, nên khó mà đòi hỏi phải có thật nhiều.

Bởi có nhiều thì khi đi thi The Voice Kids vẫn cứ được khuyến khích (một cách kín đáo) hát nhạc người lớn đấy thôi!

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Lệ Hằng:

Chín ép sẽ không ngọt, không thơm

Trẻ em hát bài của người lớn, hát những ca từ của người lớn, bằng cảm xúc của người lớn là việc không thuận với tự nhiên. Giống như trái cây, nếu chín ép thì sẽ không ngọt, không thơm. Thể chất, tâm lý, cảm xúc của trẻ cần những bài hát phù hợp, để trẻ có thể cảm nhận và diễn đạt theo đúng khả năng của mình. Khi hát nhạc người lớn, bản thân các em chưa thể hiểu được những ca từ dành cho người lớn, lại phải hát bằng cảm xúc của người lớn thì đó là việc làm quá sức với các em. Khi các cháu chọn hát bài người lớn trong cuộc thi như The Voice Kids, chưa hẳn đó là lựa chọn của cá nhân các cháu. Chúng phải chọn bài để làm thế nào chinh phục được giám khảo và phải ra sức diễn để lấy lòng họ. Và thực tế cho thấy bé nào càng diễn càng được tung hô, như thế thì còn gì là giá trị. Điều này làm thui chột sự phát triển của đời sống cảm xúc của trẻ em, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần cũng như sự sáng tạo của chúng sau này.

Vân Anh (ghi)

GS-TS- Nhạc sĩ Ca Lê Thuần (Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT TP.HCM):

Kho nhạc thiếu nhi vừa thiếu, vừa yếu

Trước hết cần nói rằng, có những bài hát gọi là của người lớn, nhưng mang tính cộng đồng, mọi người cùng hát, trong đó có cả thiếu nhi như: Kết đoàn, Như có Bác trong ngày đại thắng… Nói điều này để thấy rằng bài hát dù của người lớn nhưng phù hợp với thiếu nhi thì cũng không có vấn đề gì.

Tuy nhiên, nếu thiếu nhi hát những bài hát của người lớn mà không phù hợp với lứa tuổi của mình thì gây những tác động không tốt. Về lý luận nói chung cũng như mỹ học nói riêng, nghệ thuật âm nhạc gắn liền với tâm lý học âm nhạc và xã hội học âm nhạc. Thiếu nhi hát nhạc người lớn thì tác động không tốt đến thị hiếu và ý thức thẩm mỹ. Tuổi trẻ hiểu xã hội thông qua nhận thức, vì vậy hát những bài hát người lớn thì nhận thức xã hội của thiếu nhi thông qua nghệ thuật âm nhạc sẽ bị méo mó, bởi nội dung, tình cảm không phù hợp với lứa tuổi.

Thiếu nhi hiện nay, nhận thức khác với thiếu nhi cách đây 1-2-3 thập niên, nhưng phương pháp giáo dục âm nhạc và bài hát cho thiếu nhi ở các cấp phổ thông vẫn giống như cách đây vài chục năm.

Kho bài hát cho thiếu nhi xưa cũ, nội dung lời ca, âm nhạc không cập nhật phù hợp với thiếu nhi hiện nay, nói chung là vừa thiếu, vừa yếu. Có lẽ chính vì vậy mà thiếu nhi tìm đến một nguồn khác - nhạc người lớn, nhạc ngoại?

Hữu Trịnh (ghi)

Nguyễn Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm