'Sầu nữ' Út Bạch Lan qua đời: Hỏi ai chẳng nhớ một người tên Lan!?

05/11/2016 14:21 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Vừa mới tiễn đưa “thống soái của sân khấu cải lương tuồng cổ” NSND Thanh Tòng chưa lâu, giới sân khấu cải lương và khán giả mộ điệu lại một lần nữa bàng hoàng khi hay tin NSƯT Út Bạch Lan đã không còn.

Bà đã lặng lẽ ra đi ở tuổi 81 vào đêm 4/11 sau thời gian điều trị ung thư gan, nhẹ nhàng kết thúc một cuộc đời nhiều hào quang mà cũng lắm truân chuyên, để lại sự tiếc thương vô hạn cho những ai trót vấn vương giọng ca “Sầu nữ”.

Giọng ca vận vào cuộc đời

Trong giới nghệ sĩ cải lương thì có lẽ NSƯT Út Bạch Lan là được gắn cho nhiều mỹ danh nhất: nữ hoàng vọng cổ (đĩa nhựa), đệ nhất đào thương, nữ hoàng sầu mộng, vương nữ sương chiều… (sân khấu).


NSƯT Út Bạch Lan thời trẻ (Ảnh tư liệu)

Nhưng biệt danh “đóng đinh” giọng ca, phong cách diễn của “cô Út” trong lòng khán giả bao nhiêu năm qua chính là “Sầu nữ” Út Bạch Lan do cố soạn giả - ký giả Kiên Giang Hà Huy Hà đặt cho vào đầu thập niên 60 vì “chất giọng đồng pha thổ nghe thương cảm chơi vơi, đêm đêm khơi nguồn lệ của hàng ngàn khán giả mộ điệu cải lương”.

Sở hữu một giọng ca “buồn đứt ruột”, thường xuyên vào những vai đào thương có số phận truân chuyên, hẩm hiu mà nổi bật là: Hương (Nửa đời hương phấn), Hằng (Con gái chị Hằng)…, nét ca diễn hay tự bản thân cô Út đã toát ra vẻ sầu muộn khó tả. Biệt danh “sầu nữ” ra đời và gắn liền với giọng ca buồn, những vai diễn buồn và cả cuộc đời cũng vui ít, buồn nhiều của cô Út.

Bài Vọng cổ Hoa lan trắng mà “vua vọng cổ” Viễn Châu dành tặng riêng cho cô Út với tâm sự nức nở: “Dưới ánh đèn đêm trọn đời tôi đóng vai sầu nữ, suốt kiếp làm kẻ tiễn đưa bằng lời ca dang dở mộng ban đầu. Trăm vạn lần thương là trăm vạn lần sầu, Một sớm hồng lên thuyền vừa cập bến nhưng biết chiều tàn xuôi ngược về đâu…” lại càng khắc sâu hình ảnh “Sầu nữ” vào lòng công chúng.

Mà kể cũng lạ, bài ca “buồn não ruột” mà bao năm qua ở chương trình nào, đi đến đâu, khán giả cũng “đòi nghe” cô Út ca Hoa lan trắng!


NSƯT Út Bạch Lan trong một hoạt động từ thiện (Ảnh: Ninh Lộc)

Nghệ sỹ Út Bạch Lan có một tuổi thơ cơ cực, phải làm thuê làm mướn kiếm sống từ nhỏ. 11 tuổi bà đã cùng với người anh đồng cảnh ngộ nghèo khó Đinh Văn Dậm, cũng là danh cầm Văn Vĩ sau này, kết đôi đi hát dạo khắp phố phường Sài Gòn.

Tiếng đồn về tiếng đờn - giọng ca làm say lòng người của hai cô cậu bé hát dạo đã đến tai cô Năm Cần Thơ, danh ca nức tiếng làng tài tử - cải lương đương thời. Cô Năm Cần Thơ tìm đến mời cả hai về thu bài Trọng Thủy - Mỵ Châu cho đài Pháp Á rồi ký luôn hợp đồng thu thanh cho đài.

Từ đó, cuộc đời cô bé Đặng Thị Hai, vẫn được mọi người quen gọi là bé Út, bước sang một trang mới với nghệ danh Út Bạch Lan (cũng là đối trọng với giọng ca Bạch Huệ của Đài Quốc gia khi đó).

Cái tên Út Bạch Lan bắt đầu tỏa sáng trên sân khấu Thanh Minh vào giữa thập niên 50 thế kỷ XX với các vở diễn: Đồ Bàn di hận, Biên thùy nổi sóng, Người đẹp Bạch Hoa thôn, Sơn nữ Phà Ca, Hoa Mộc Lan

Năm 1958, Út Bạch Lan về hát cho gánh Kim Chưởng sánh đôi cùng anh kép tài hoa mà cũng đào hoa bậc nhất Thành Được trong các vở tuồng: Thuyền ra cửa biển, Nửa bản tình ca, Bên đồi trăng cũ, Chưa tắt lửa lòng

Năm 1961, Út Bạch Lan nên duyên cùng Thành Được trở thành “cặp đôi vàng” của sân khấu cải lương. Cả hai từng tách riêng lập bảng hiệu Út Bạch Lan - Thành Được, rồi cùng quay lại cộng tác với đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và ghi dấu ấn đậm nét qua các vở diễn: Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bọt biển

Tuy nhiên, hào quang của ánh đèn sân khấu không thể che lấp những bóng tối phủ lên cuộc đời riêng. Dù đang ở đỉnh cao danh vọng và tuổi xuân rực rỡ, cô đào Út Bạch Lan cũng không thể trói buộc được trái tim đa tình của người chồng hào hoa Thành Được.

Lần lượt, từng người đàn bà xa lạ bế “con của chồng” đến tìm và Út Bạch Lan đã phải nén đau nuôi 4 đứa con rơi của chồng mình, cho dù khi 2 người đã chia tay. Với bao oan trái đó, quả thật không biết “Sầu nữ” đã phải đếm bao “Đêm buồn hoang vắng cô liêu/Gối loan thắm ướt bao nhiêu lệ tình” (trích lời bài Hoa lan trắng)?

Nhớ hoài giọng ca "Sầu nữ"

Một thời xuân sắc mang danh “Sầu nữ” nhưng lại không thấy cô Út than thân trách phận hay dành lời oán hờn cho người làm khổ mình bao giờ. Tuổi về chiều, biệt danh “Sầu nữ” đó với cô Út không còn là những trăn trở về cuộc đời riêng nữa mà chính là “tấm huy chương vinh dự” mà khán giả đã dành tặng cô, dành tặng một giọng ca “có một không hai”.


Khán giả thường yêu cầu NSƯT Út Bạch Lan ca bài "Hoa lan trắng" mỗi lần biểu diễn (Ảnh: Ngân Anh)

Hơn 60 năm gắn bó với nghề, cô Út chưa bao giờ ngơi nghỉ trong hoạt động nghệ thuật. Ngay khi sân khấu cải lương khủng hoảng, thu hẹp đất diễn, cô Út vẫn tất tả ngược xuôi trong những chuyến lưu diễn từ thiện, phục vụ đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc.

Nhiều năm qua, cô Út đã lập nhóm từ thiện Hoa lan trắng tập hợp nhiều nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ trẻ cùng tham gia biểu diễn thiện nguyện ở các chùa chiền, vùng quê nghèo, hỗ trợ cho nhiều tổ chức từ thiện.

Hơi ca đã yếu nhưng giọng ca cô Út vẫn cứ mượt mà, vẫn buồn da diết, mỗi lời ca vẫn cứ xoáy sâu làm “nhức tim” người nghe.

Các em cháu đồng nghiệp bên cạnh việc “thần tượng” một tượng đài của nghệ thuật cải lương, luôn dành những tình cảm yêu thương, trân trọng cho cô Út nhất bởi sự chân thành, dịu dàng trong ứng xử, sự nghiêm túc trong công việc, tinh thần hết mình vì các lớp đàn em.

Tuổi cao, trí nhớ kém đi nhiều, hình ảnh cô Út xin lỗi khán giả và “xin khán giả cho phép Út được cầm giấy ca” mỗi lần biểu diễn đã đọng mãi trong tâm trí người viết về một nhân cách nghệ sĩ lớn thực sự.

“Đêm nay mưa gió ngập trời/Hỏi ai có nhớ một người tên Lan”, soạn giả Viễn Châu đã kết bài ca cổ Hoa lan trắng bằng hai câu đầy ai oán như thế.

Nhưng hôm nay, khi NSƯT Út Bạch Lan đã đi xa, cành lan trắng đã lìa cành, thì có thể khẳng định cái tên Lan chắc chắn sẽ còn mãi cùng những ai yêu mến nghệ thuật cải lương. Không thể sinh nở và nuôi dưỡng những đứa con của chính mình nhưng hôm nay lại có rất nhiều con cháu tiễn đưa cô Út khi “cô Út”, “má Út” vẫn là từ xưng hô cửa miệng mà giới làm nghệ thuật vẫn trìu mến gọi danh ca, NSƯT Út Bạch Lan bao năm qua.

NSƯT Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 tại Đức Hòa - Long An. Bà bị phát hiện ung thư gan vào đầu năm 2016. Trong thời gian hóa trị, bà vẫn tích cực tham gia các chương trình biểu diễn văn nghệ từ thiện.

Linh cữu của NSƯT Út Bạch Lan được quàn tại Chùa Ấn Quang (243 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, TP. HCM). Lễ động quan lúc 7h ngày 8/11, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm