11/04/2015 20:11 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đó là những đề xuất tại hội thảo về di sản Bút Tre do tỉnh Phú Thọ tổ chức hôm 11/4.
Ngày 11/4, tại Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo di sản Bút Tre với chủ đề “Thân thế, sự nghiệp và sức sống của thơ Bút Tre, những vấn đề nghiên cứu và giải pháp bảo tồn, phát huy”.
Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng, sinh năm 1911, tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Khi còn nhỏ ông được gia đình cho theo học chương trình giáo dục của Pháp, ra trường được bổ nhiệm dạy học tại Tuyên Quang.
Thời chống Pháp, ông tham gia kháng chiến, được vào Đảng, đến năm 1962 làm Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ, về hưu năm 1970 và mất năm 1987.
Ông tiếp thu và sáng tạo một dòng thơ dân gian, có giọng điệu khác với những thể loại thơ ca đương thời. Ngay sau khi ra đời, những câu thơ của ông lập tức thu hút sự chú ý của bất cứ ai từng đọc từng nghe.
Ba tập thơ sáng tác trong thời gian ông làm Trưởng ty Văn hoá thông tin đã được in và phát hành đó là “Rừng cọ đồi chè”, “Phú Thọ lớn lên”, “Sông Lô, Sông Chảy”.
Tiễn anh lên bến ô tô
Đêm về em khóc ... tồ tồ cả đêm
Nhớ quê ra đứng đỉnh đèo
Bỗng đâu thấy một chú mèo gâu gâu
Dừng chân đứng lại trên cầu
Bỗng đâu thấy một con trâu vàng vàng
Hôm nay trên quốc lộ hai
Thể nào cũng có một vài ô tô.
Không ít các nhà thơ đương thời cho rằng thơ Bút tre là loại thơ mang phong vị dân gian, lời lẽ nôm na, tự nhiên, đôi khi cảm thấy hơi tục. Tuy nhiên, không thể phủ nhận chính cái chất mộc mạc nhưng giàu tính hài hước ấy lại dễ đi vào lòng người, được người đọc, người nghe ở các mức độ nhận thức, lứa tuổi, giới tính khác nhau dễ dàng tiếp nhận. Từ đó khiến nó trở thành một trường phái thơ Bút Tre, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Đại biểu Cao Khắc Thùy, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú cho rằng: Thơ Bút tre là một thể loại văn học... Để bảo tồn và phát huy dòng thơ Bút tre, cần coi trọng hoạt động sáng tác đồng thời với quảng bá thơ Bút tre, có thể xem xét đưa thơ Bút tre vào giảng dạy trong các nhà trường.
Theo nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, việc nghiên cứu và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của thơ Bút Tre là rất cần thiết. Vì thế, để bảo tồn thì ngoài việc tuyên truyền cần xem xét, lựa chọn đặt tên nhà thơ Bút Tre cho một con đường. Bên cạnh đó, cần xây dựng một khuôn viên nhà trưng bày những kỷ vật, các tập thơ của nhà thơ Đặng Văn Đăng, xứng tầm với tên tuổi và sự cống hiến của ông…
PV
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất