Tác giả Thanh Hoàng: Xúc động vì 'Dạ cổ hoài lang' khoác áo mới

23/03/2017 08:35 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Phim Dạ cổ hoài lang (đạo diễn: Nguyễn Quang Dũng) sẽ công chiếu toàn quốc từ ngày 24/3. Và, đây là một trường hợp hiếm hoi, điện ảnh "ăn theo" sân khấu, khi kịch bản gốc của Dạ cổ hoài lang vô cùng nổi tiếng.

Được tác giả NSƯT Thanh Hoàng viết năm 1993, Dạ cổ hoài lang chỉ có 4 nhân vật nhưng đã trở thành đỉnh cao của làng sân khấu với hàng nghìn đêm diễn ở các rạp lớn nhỏ, với những giọt nước mắt từ Nam tới Bắc. Và, tác giả Thanh Hoàng có cuộc trò chuyện với  Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về hành trình từ kịch đến phim của kịch bản này.

*  Anh từng có hàng chục năm gắn bó với Dạ cổ hoài lang trong nhiều vai trò (kể cả diễn xuất).  Bây giờ, xem  phiên bản điện ảnh này, anh có thấy bất ngờ với những thay đổi so với nguyên gốc?

- Trong phim, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chuyển chàng cháu rể tương lai của ông Tư thành một người bản địa da đen, chứ không phải người Việt như tôi viết. Đó là một quyết định bất ngờ nhưng hợp lý. Vì không biết tiếng Việt nên chàng trai này gần như không tham gia gì vào mạch chuyện hoài cố hương. Nhưng tâm trạng của anh lại cho thấy: ở đất Mỹ, không chỉ có người Việt cô đơn.

Hoặc vai ông Nguyễn  con trai ông Tư trong kịch bản không hề xuất hiện nhưng lại được đưa vào phim và tạo được cảm xúc mạnh cho người xem. Chính ông Nguyễn đã làm cho Dạ cổ hoài lang không chỉ còn là hoài niệm giữa hai ông già, mà trở thành nỗi niềm của những người xa xứ, trong đó có những người gốc Việt mà chưa hề biết quê hương, bản sắc là gì. Đó là hai thay thay đổi quan trọng mà tôi đồng tình.


NSƯT Thanh Hoàng (phải) tham gia một vai nhỏ trong phim Dạ cổ hoài lang

* Vậy còn những thay đổi khác thì sao?

- Trong kịch, câu chuyện tình của ông Tư ông Năm và Út Trong chỉ là một hồi ức thời tuổi trẻ. Trong phim đạo diễn đưa câu chuyện về cả tuổi thơ, thêm nhiều tình tiết, vẽ nên được cả đời người và thời cuộc. Chúng ta có thể hiểu được phần nào lý do của cuộc ly hương, của cách biệt, và cả khoảnh khắc của những sự trở về.

Rồi, một  thay đổi nữa mà tôi rất thích, tôi gọi đó là vĩ thanh. Đấy là cảnh cô cháu gái lần đầu tiên cùng cha trở về quê hương, đi trên xe lam, đi xe bò với tà áo dài trắng. Lúc này âm nhạc không còn là Dạ cổ hoài lang, mà là một âm nhạc trẻ trung, tươi mới hơn.

* Anh khen như vậy, nghĩa là không có gì tiếc nuối hoặc nói "giá như"?

- Với phim, tôi có mấy lần xem, đó là lúc đọc kịch bản chuyển thể, xem bản sơ dựng, tham gia diễn xuất, rồi quay bổ sung, xem bản dựng hoàn chỉnh, nên cũng nắm được tinh thần chung. Tôi thấy rằng Nguyễn Quang Dũng đã đi ra từ tinh thần kịch bản gốc và điểm xuyết nó một cách tài tình, sáng tạo.


NSƯT Hoài Linh vào vai ông tư trong phim Dạ cổ hoài lang

Trong sân khấu, câu chuyện là hồi ức của hai người già. Con trong phim, chúng ta thấy cả sự gìn giữ hình ảnh quê hương của họ cho con cháu - những người sinh ra nơi xứ người - để khi cần vẫn có thể cảm nhận và trở về. Sự phát triển ấy phù hợp với thông điệp từ kịch bản: chúng ta không thể vĩnh viễn chôn giấu quê hương, bản sắc.

Thực ra, ngay từ đầu tôi đã mong Nguyễn Quang Dũng sẽ làm khác, vì khác mới đúng và mới xứng đáng với công sức mà mọi người bỏ ra.

* Từ vở kịch đến phim thì câu chuyện cũng hoàn toàn Nam bộ, thậm chí gắn liền với một bài ca cổ, anh có ngại điều này sẽ là cách biệt với khán giả các vùng miền khác không?

- Tâm lý thưởng thức và quyết định mua vé của khán giả luôn khó đoán, nhưng nếu dựa vào kinh nghiệm từ kịch, thì đây không phải là vấn đề lớn. Kịch đã ra diễn tại Hà Nội, các suất đều cháy vé, qua Mỹ diễn cũng vậy. Nam bộ hay bài ca cổ chỉ là cái cớ, còn quê hương, bản quán mới là cái cốt, nhiều người đi xem là vì cái cốt đó.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Vài nét về phim Dạ cổ hoài lang

Dạ cổ hoài lang viết về cuộc sống xa xứ của 4 người Việt Nam. Không hiểu nhau, không tìm được tiếng nói chung giữa 2 thế hệ già trẻ, giữa những người đến từ Việt Nam và những thanh niên lớn lên trên đất Mỹ, cây cầu nối để họ chia sẻ và tìm đến với nhau chính là tình cảm, là nỗi nhớ về quê hương, về văn hóa Việt, về dòng tộc họ hàng với bản ca cổ Dạ cổ Hoài lang nổi tiếng.


Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm