29/12/2015 14:03 GMT+7 | Âm nhạc
(lienminhbng.org) - Cuối năm 1980, nhóm nhạc người Thụy Điển, ABBA ra album mới, Super Trouper. Đây được xem là album thành công nhất trong sự nghiệp của nhóm. Mỗi bài hát là một bài hit nhưng cũng là những tâm trạng riêng biệt. The Winner Takes It All là một tuyệt phẩm trong số đó, ẩn chứa một nỗi buồn mất mát.
Người chiến thắng có tất cả, kẻ chiến bại đứng đó nhỏ nhoi
The Winner Takes It All là tác phẩm của bộ đôi sáng tác chủ lực trong nhóm ABBA, Bjorn Ulvaeus và Benny Andersson. Nhưng sáng tác chính và đóng góp ý tưởng quan trọng nhất thuộc về Bjorn.
Bài hát được sáng tác vào năm 1980 với tựa đề ban đầu là The Story Of My Life (Câu chuyện đời tôi) nhưng sau đó, khi đã làm xong phần lời, Bjorn quyết định đổi thành The Winner Takes It All. Phần hát được Agnetha Falstkog, giọng ca đẹp nhất của nhóm, lĩnh xướng.
Đây là bài hát buồn, rất buồn, kể về tâm trạng của một người đàn bà sau khi ly hôn. Trong nỗi cô đơn gần như là tuyệt vọng, người đàn bà nhớ lại những ngày tháng đẹp khi “Em từng thu mình trong vòng tay ấm áp của anh/Từng nghĩ đó là nơi em mãi mãi thuộc về/Điều đó ý nghĩa với em biết bao/vì nó quanh em như một hàng rào bảo vệ” mà giờ “tất cả đã chỉ là quá khứ” khi hôn nhân đổ vỡ.
Trong nỗi buồn tận cùng, người đàn bà khẽ hát “Người chiến thắng có tất cả/Kẻ chiến bại đứng đó nhỏ nhoi”, bởi “Em đã làm mọi cách/và anh cũng thế/chúng ta chẳng còn gì để nói/Chẳng còn có thể làm gì khác”.
Trong mối quan hệ này, có một người không muốn ra đi nhưng lại không đủ sức níu giữ. Và họ chỉ biết bật lên câu hờn trách “Nhưng hãy nói em nghe, cô ấy có hôn anh như em đã từng hôn anh? Cảm giác có giống em không khi cô ấy gọi tên anh?”.
The Winner Takes It All có một giai điệu rất đẹp được dạo đầu bằng tiếng piano nhiều cảm xúc của Benny Anderson. Giống như nhiều bài hát khác của ABBA, ca khúc này được chia làm 4 đoạn, trong đó có 3 đoạn là những tâm trạng khác nhau để xoáy vào đoạn điệp khúc. Người nghe như thể bị “nhồi” vào những dữ kiện tâm trạng và “đổ” hẳn khi cao trào được cất lên.
Bjorn kể lại rằng đây là bài hát duy nhất của ABBA khi sáng tác ông phải dùng đến hơi men. Những cảm xúc khó tả cứ luẩn quẩn trong đầu Bjorn, rằng phải cho nó một tâm trạng của ai, người thắng hay kẻ thua cuộc và trong tình yêu liệu có cần chiến thắng hay vinh quang hay không?
Nghĩ không ra, cuối cùng, Bjorn phải tu nguyên chai rượu khi ngồi sáng tác phần lời. “Vẫn cần có kẻ chiến thắng”, Bjorn nghĩ vậy, những kẻ chiến thắng ấy, qua lời hát của một người đàn bà bị bỏ rơi, cũng chẳng vinh quang gì. “Và khi tôi sáng tác đến câu “Thần thánh có lẽ đã tung quả xúc xắc/Suy nghĩ của họ thật lạnh lùng/Và rồi một người nào đó/Sẽ mất đi người yêu dấu”, thì chai rượu cạn nhẵn”.
Vì sao Bjorn lại phải cần đến hơi men để giải quyết một trường hợp tưởng chừng không quá khó khăn với một tay sáng tác cứng cựa như ông?
Bởi The Winner Takes It All chính là câu chuyện hôn nhân của ông và người hát chính ca khúc này, Agnetha Falstkog, chính là vợ cũ của ông.
Không có kẻ thắng thua
The Winner Takes It All chính là câu chuyện của Bjorn Ulvaeus và Agnetha Falstkog, 2 linh hồn của nhóm ABBA. Năm ấy, 1980, sau những lục đục từ trước, họ đã ra tòa ly dị.
ABBA là nhóm nhạc mà 4 thành viên của nó là 2 cặp vợ chồng: Agnetha Faltskog - Bjorn Ulvaeus và Benny Andersson - Anni-Frid Lyngstad. Khi hạnh phúc, họ cho ra những bài hát tuyệt đẹp, khi đổ vỡ họ cho ra đời những tuyệt phẩm.
Khi cả 2 cuộc hôn nhân của nhóm này đổ vỡ thì ngoài The Winner Takes It All còn có một bài hát rất hay nói về chuyện ly dị, When All Is Said And Done liên quan tới cuộc hôn nhân của Benny Andersson và Anni-Frid Lyngstad. Nhưng nếu When All Is Said And Done nói về phép màu trong hôn nhân đã không còn, cả hai tự nguyện chia đôi đường và chúc phúc cho nhau thì The Winner Takes It All là một câu hỏi văng vẳng “Vì sao lại chia tay?”.
Người bật câu hỏi đó chính là Agnetha Faltskog. Cuộc hôn nhân 10 năm giữa cô và Bjorn hoàn toàn không trong dự định và cô hoàn toàn không muốn ra đi. Nhưng Bjorn đã quyết.
Đến bây giờ Bjorn vẫn khẳng định The Winner Takes It All có đến 90% hư cấu. Đề cập đến chuyện đổ vỡ trong hôn nhân nhưng không hề ám chỉ đến sự đổ vỡ của chính mình. “Ai cũng nghĩ đến chuyện của chúng tôi, thực sự đó là một nội dung hư cấu khi tôi từng chứng kiến một người đàn ông ra khỏi căn nhà quen thuộc sau khi nhận phán quyết ly dị của tòa và đó là niềm cảm hứng để tôi viết nên. Còn giữa tôi và Agnetha chẳng bao giờ có chuyện kẻ thắng người thua vì giữa chúng tôi còn có 2 đứa nhỏ”, Bjorn nói.
Nhưng Agnetha Falstkog thì lại khẳng định bài hát này chính là câu chuyện hôn nhân của họ. “Bjorn đã sáng tác nó khi chúng tôi vừa chính thức ly dị. Nó là câu chuyện thật sự của chúng tôi, những gì Bjorn viết là chính xác”, Agnetha kể lại vào năm 2013, sau 33 năm bài hát ra đời.
Một người đàn bà hát về nỗi đau bao giờ cũng đẹp nhưng nếu đó là nỗi đau của chính mình thì sao? “Thật ra tôi không màng đâu, tôi không thấy có gì sai khi chia sẻ nỗi đau của bản thân tới công chúng. Có quá nhiều cảm xúc trong bài hát ấy, tôi thấy, Bjorn cũng thấy, cả 2 thành viên còn lại cũng thấy. Chúng tôi đã trải qua và giờ đem đến điều ấy cho mọi người cũng là chuyện nên làm”, Agnetha nhớ lại.
Chuyện còn kể lại rằng, khi sáng tác xong bài này Bjorn đã hát cho mấy người bạn nghe, ai cũng xúc động và khuyên Bjorn nên hát nó. Nhưng suy đi tính lại, Bjorn thấy không ai có thể hợp hơn ngoài Agnetha, chỉ có thể là Agnetha. Và rồi Bjorn mang nó đến phòng thu và đưa vợ cũ xem qua. Xem xong, Agnetha đồng ý hát. “Buổi thu hôm ấy thật tuyệt vời, tất cả đều dâng trào và sau đó thì nước mắt đã rơi”, Bjorn kể lại.
Và thật sự thì tiếng hát của Agnetha chính là hồn vía của ABBA, giọng hát tuyệt đẹp kể cả khi hát về nỗi buồn của chính mình.
Nỗi buồn ấy còn phảng phát rất nhiều trong các bài hát khác của album Super Trouper. Agnetha như thể người gom ký ức và muốn nó vẫn tiếp tục. Nhưng con tạo xoay vần, thời thế thay đổi, lòng người lên xuống đã không thể giữ lại những mong muốn của Agnetha. Đây cũng có thể xem là album tâm trạng nhất của Agnetha trong suốt các album khác của nhóm ABBA.
Và đó cũng có thể là lý do mà ABBA chưa bao giờ tái hợp. Khi những níu kéo không còn sức mạnh thì tốt nhất xây nên một bức tường ngăn cách chúng. Chính Agnetha đã từng nói “Để ngăn ngừa những vết thương tấy đau, tốt nhất hãy giữ khoảng cách với chúng cho dù chúng không bao giờ buông tha bạn”.
Nói được câu ấy, dường như Agnetha mới là “winner".
Cùng nghe nhóm Abba thể hiện The Winner Takes It All:
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất