Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái: 'Hãng Phim truyện phải cổ phần, nếu không sẽ phá sản'

05/05/2016 18:45 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - 15h30 chiều nay (5/5), Bộ VH,TT&DL đã tổ chức cuộc gặp mặt với báo chí nhằm nói rõ về quy trình thủ tục cổ phần hóa Hãng Phim Truyện Việt Nam, câu chuyện đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.

Cuộc gặp mặt do Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì, với sự tham dự của ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính; Tổng Giám đốc VFS – đạo diễn Vương Đức; cùng đại diện của nhà đầu tư chiến lược - Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso).

Dư luận gần đây đặt ra nhiều câu hỏi: tại sao Công ty TNHH Một thành viên Hãng Phim Truyện Việt Nam (VFS) lại chọn nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso)? Việc định giá VFS chỉ có 32,5 tỉ đồng, liệu có phải bán đổ bán tháo? Sau khi Cổ phần hóa, liệu thương hiệu VFS còn tồn tại?


Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì buổi gặp mặt. Ngồi bên trái là  ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính; bên phải là Tổng Giám đốc VFS – đạo diễn Vương Đức
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ngay từ đầu cuộc họp đã khẳng định: "Khi đã gia nhập WTO, TPP chúng ta phải tuân thủ luật chơi. VFS chỉ có con đường là phải cổ phần hóa, nếu không sẽ phải phá sản, mà phá sản thì sẽ mất luôn phiên hiệu Hãng Phim Truyện Việt Nam. Theo Luật Doanh nghiệp hiện nay, nhà nước không thể tài trợ cho những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, VFS chắc chắn phải cổ phần".

Cũng theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, Luật Doanh nghiệp hiện nay cho phép doanh nghiệp có quyền kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nên một công ty kinh doanh vận tải thủy như Vivaso mua VFS là hợp pháp. Đơn vị này hoàn toàn có thể thuê người để quản lý việc sản xuất phim.

Tuy nhiên, để đảm bảo Vivaso vận hành VFS đúng chức năng là một hãng phim truyện, Bộ VH,TT&DL đã đặt ra các điều kiện ràng buộc. Đơn vị này phải cam kết 90% doanh thu của đơn vị phải đến từ phim. Ngoài ra, sau khi bán cổ phần rộng rãi ra công chúng phải dành 20% để phục vụ cho công tác sản xuất phim, trả những khoản nợ mà VFS đang gánh.

Cổ phần hóa hãng phim nhà nước (Kỳ 1): Hành trình dai dẳng

Cổ phần hóa hãng phim nhà nước (Kỳ 1): Hành trình dai dẳng

Chuyện cổ phần hóa các hãng phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng cho biết: "Tôi từng mua khoảng 700 triệu đồng tiền cổ phần, vài năm trước đã bán lại với giá 100 triệu đồng vì từ lúc mua đến lúc bán chưa một lần được chia lãi".

Câu hỏi lớn nhất, liệu có phải Vivaso mua VFS vì đất đai? Bộ VH,TT&DL cho biết, đơn vị này sẽ phải cam kết đầu tư cơ sở vật chất cho việc làm phim, tuân thủ sử dụng đất phục vụ sản xuất phim. Ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Phó Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa Hãng Phim Truyện Việt Nam, thuộc Bộ VH,TT&DL cho biết: "Nếu Vivaso làm sai cam kết sẽ phải bồi thường thiệt hại. Nếu đơn vị này sử dụng đất không đúng mục đích, Bộ hoàn toàn có thể gửi ý kiến lên thành phố để thu hồi lại đất".

Về việc định giá VFS, đại diện Bộ VH,TT&DL cho biết, việc định giá do một đơn vị tư vấn được Bộ Tài chính thẩm định. Và theo cách định giá của đơn vị này, giá trị thương mại của VFS (tính theo lãi hiện hành) là bằng 0.

Về câu hỏi, khi định giá VFS, có tính giá trị đất đai và quyền sử dụng đất của VFS hay không. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: "Trước kia có tính giá trị đất đai khi định giá các công ty, nhưng khi tính vào thì giá trị cổ phần hóa cao quá, không ai mua. Do đó sau này Chính phủ đã ban hành nghị định không tính giá trị đất đai khi tiến hành định giá để cổ phần hóa".

Cổ phần hóa hãng phim nhà nước: Không chỉ có đất đai, còn có con người, trí tuệ

Cổ phần hóa hãng phim nhà nước: Không chỉ có đất đai, còn có con người, trí tuệ

Không thể phủ nhận các hãng phim nhà nước đã tạo nền móng, tạo thương hiệu cho điện ảnh Việt Nam. Nhưng tới thời điểm này, các hãng phim nhà nước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Theo kế hoạch cổ phần hóa VFS, nhà nước sẽ chiếm giữ 20% cổ phần, và cử 3 người tham gia Hội đồng Quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát của VFS sau khi cổ phần, nhằm giám sát tiến trình cổ phần hóa đi theo đúng hướng.

Để biết thêm chi tiết về câu chuyện này, mời độc giả đón đọc tiếp trên Thể thao & Văn hóa hàng ngày, số ra ngày 6/5/2016.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm