Trưng bày 22 quyển sách bằng vàng

28/03/2016 06:47 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - 22 quyển kim sách tiêu biểu bằng vàng và bạc mạ vàng, được lựa chọn kỹ lưỡng cùng 10 kim bảo liên quan sẽ được giới thiệu trong trưng bày chuyên đề Bảo vật hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945) khai mạc ngày 31/3 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Do diện tích trưng bày có hạn (70m2), nên bảo tàng sẽ lựa chọn hiện vật gắn với các nhân vật nổi tiếng, có nhiều công lao với vương triều và đất nước.

Đây là lần đầu tiên bảo tàng giới thiệu đầy đủ nội dung và có hệ thống về kim sách triều Nguyễn - vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.


2 trang kim sách niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806)

Kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích... Lời sách do đích thân các hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn.

Sự ra đời, mục đích, nội dung của kim sách hầu hết được ghi chép trong các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ... Bởi vậy, mỗi quyển kim sách không những chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa triều đại mà còn là một di sản vô giá. Đáng chú ý, nhiều quyển kim sách trong sưu tập có kèm theo kim bảo được đúc trong cùng thời điểm, cùng sự kiện.

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, từ các nội dung sưu tập kim sách Triều Nguyễn đang lưu giữ tại đây cho thấy, có trường hợp một hoàng đế dâng, ban nhiều kim sách cho nhiều người khác, hoặc một người nhận được nhiều kim sách từ nhiều hoàng đế tương ứng với nhiều tôn hiệu khác nhau.

Mặt khác do mỗi kim sách là một văn bản độc lập, gắn với một sự kiện riêng lẻ của nhân vật được dâng, ban kim sách. Tên hiệu của một người ở mỗi kim sách cũng khác nhau. Bởi vậy, ngoài việc trưng bày theo nội dung, thế thứ, bảo tàng sử dụng cả giải pháp trưng bày theo nhân vật, để công chúng dể hiểu, dễ liên kết các câu chuyện về một nhân vật qua nhiều kim sách khác nhau.

Đặc biệt, tôn hiệu, thụy hiệu ghi trong kim sách rất dài, khó đọc và khó nhớ. Tuy nhiên để đảm bảo sự tôn trọng và tính trang trọng, chú thích hiện vật sẽ được bảo tàng ghi đầy đủ tên hiệu, có chú thích thêm tên hiệu thường gọi tắt để phục vụ khách tham quan.

An Như
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm