23/12/2019 07:16 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý: Chương trình Rock Symphony tại TP.HCM và triển lãm Chuyện áo dài tại Hà Nội…
1. Trước hết cần “dài dòng” một chút, năm ngoái chương trình Rock Symphony diễn ra chỉ 1 đêm, nhưng khán giả ngồi chật khán phòng, tràn ra cả lối đi, không khí cuồng nhiệt, khán giả hát vang khi những giai điệu nhạc rock cất lên cùng dàn nhạc giao hưởng. Chính vì thế mà năm nay Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM tiến hành Rock Symphony 2 đêm (20h ngày 27 và 28/12 tại Nhà hát TP.HCM).
Năm nay, nhạc trưởng Lê Phi Phi tiếp tục dàn dựng và chỉ huy chương trình, tham gia biểu diễn có Dàn nhạc giao hưởng và những nghệ sĩ của đoàn nhạc kịch của Nhà hát như: Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác… Khách mời của chương trình là ban nhạc (điện tử) của Lý Huỳnh Long và Tim Tran (guitar solo).
Chương trình sẽ trình diễn những bản nhạc rock của nghệ sĩ, ban nhạc rock nổi tiếng thế giới như: Bohemian Rhapsody, Barcelona và Who Wants To Live Forever của Freddie Mercury. Những trích đoạn của Boney M và Elvis Presley cùng những tác phẩm nổi tiếng như Hotel California của The Eagles, Still Loving You của Scorpions, Knockin’ On Heaven’s Door của Guns ‘N’ Roses…
Đặc biệt, 3 bản hard rock: Symphonic của ban nhạc heavy metal Metallica, Dream On của Aerosmith và Highway Star của nhóm hard rock người Anh Deep Purple hứa hẹn mang lại không khí đặc biệt cho Rock Symphony lần này.
Chương trình cũng có 2 tiết mục gồm những chủ đề âm nhạc của 2 nhà soạn nhạc Mozart và Beethoven như việc chứng minh cho sự gần gũi của âm nhạc cổ điển đối với đại chúng.
Phần cuối chương trình là 2 tiết mục đặc biệt nhất mà nhạc trưởng Lê Phi Phi bí mật để dành tặng cho những khán giả có mặt tại đêm hòa nhạc này.
Rock Symphony là một trong những chương trình thể hiện nỗ lực của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM trong việc đưa âm nhạc giao hưởng đến gần với công chúng bằng cách giúp họ tiếp cận với những yếu tố giao hưởng.
Ngoài ra, chương trình cũng cho thấy sự giao thoa, kết hợp giữa âm nhạc giao hưởng và âm nhạc đại chúng để tạo ra những tiết mục hấp dẫn, vừa có chiều sâu nghệ thuật vừa mang tính đại chúng, làm phong phú cho “thực đơn” thưởng thức âm nhạc của công chúng và kéo công chúng gần lại với nhạc giao hưởng trong quá trình phấn đấu để giúp công chúng ngày càng nâng cao về thẩm mỹ âm nhạc.
2. Áo dài tân thời “mê hoặc” hội họa. Hoàn toàn có thể nói như vậy, nếu nhìn lại lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, kể từ thập niên 1930, áo dài tân thời đã song hành với công việc sáng tạo của nhiều họa sĩ. Mà không chỉ với họa sĩ người Việt, mà còn các họa sĩ người Đông Dương và người Pháp như Joseph Inguimberty, Alix Aymé… Chính vì vậy triển lãm Chuyện áo dài khai mạc lúc 18h ngày 26/12 tại Ngon Garden (70 Nguyễn Du, Hà Nội) như là một tiếp nối cho truyền thống vẽ áo dài tân thời trong hơn 80 năm qua.
Triển lãm quy tụ tranh của 14 họa sĩ, gồm Nguyễn Bích, Lưu Công Nhân, Lê Thiết Cương, Tào Linh, Hoàng Phượng Vỹ, Bình Nhi, Lê Thị Minh Tâm, Võ Lương Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Minh Hiếu, Nguyễn Quốc Thắng, Phạm Trần Quân, Lâm Đức Mạnh. Triển lãm còn giới thiệu bộ ảnh chụp thiếu nữ mặc áo dài của nhiếp ảnh gia Dzungart Nguyen; bộ sưu tập tranh vẽ lên áo dài của họa sĩ Bình Nhi; và các mẫu áo dài của 3 nhà thiết kế Phạm Mai, Nga Cocoon, Trịnh Bích Thủy.
Thẳng thắn nhìn nhận thì sáng tạo với áo dài không hề đơn giản, vì quy chuẩn của áo dài đã khá hoàn chỉnh, thêm bớt rất khó. Vẽ tranh hoặc chụp hình với áo dài cũng vậy, vì đã có nhiều tác giả thành danh với đề tài này. Ngay với 3 bộ tứ thời kỳ đầu như Trí - Lân - Vân - Cẩn, Phổ - Thứ - Lựu - Đàm, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, ai cũng có những tác phẩm vẽ áo dài thành công, trở thành mẫu mực.
Các danh họa khác như Nguyễn Tiến Chung, Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Phạm Hậu, Hoàng Tích Chù, Lưu Công Nhân, Mai Long… cũng đều rất thành công với chủ đề này. Các bức tranh là Bảo vật quốc gia như Vườn Xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí, Hai thiếu nữ và em bé của Tô Ngọc Vân là những điển hình mẫu mực về vẽ áo dài tân thời. Bức của Nguyễn Gia Trí còn vẽ áo dài tân thời của cả 3 miền, với áo dài Huế chính giữa, bên phải là áo dài cách tân kiểu Cát Tường ở Hà Nội, bên trái là áo dài cách tân kiểu Sài Gòn từ thập niên 1950 trở về sau.
Tuy thách thức là vậy, nhưng khi vẽ thiếu nữ, phần lớn họa sĩ, đặc biệt là các họa sĩ trẻ sau này, đều muốn thử thách với áo dài. Có thể nói với việc vẽ trang phục, áo dài vẫn là nữ hoàng của hội họa hiện đại và đương đại Việt Nam. Tại triển lãm Chuyện áo dài, các tranh của Nguyễn Bích, Lưu Công Nhân, Tào Linh, Nguyễn Minh Hiếu, Hoàng Phượng Vỹ, Lê Thiết Cương, Lê Thị Thanh Tâm… đã tìm ra được những nét mới trong việc vẽ áo dài.
Bình Minh - Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất