10 năm Ngày mất nhà thơ Tế Hanh: Tế Hanh - dòng sông hồn hậu còn chảy mãi

16/07/2019 15:29 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ra đi từ dòng sông và cũng trở về với dòng sông, thơ Tế Hanh có thể ví như cuộc chuyện trò thầm thì không dứt của tác giả với con sông quê hương thân yêu. Và tâm hồn ông cũng là một dòng sông bình dị, đầy xúc cảm, một dòng sông biết chắt chiu từng gàu nước ngọt, dành tặng cho những người dân Việt thật thà, đôn hậu mà cũng mạnh mẽ, kiên cường.

Nhà thơ Tế Hanh mất ngày này cách đây 10 năm, ngày 16-7-2009.

Từ dòng sông quê thật thà, đôn hậu…

Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20-6-1921, tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, một vùng đất ven biển, phong cảnh hữu tình, dân cư sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Cha ông là một người yêu thơ, lại có năng khiếu và sớm được tiếp xúc với thơ văn lãng mạn Pháp, Tế Hanh viết thơ và đến với phong trào Thơ mới như một lẽ tự nhiên.
Năm 1938, khi 17 tuổi, Tế Hanh viết bài thơ đầu tiên “Những ngày nghỉ học”.

Chú thích ảnh

Sau đó, những sáng tác thời trẻ của ông được tập hợp và in thành tập thơ “Nghẹn ngào” (1939), tập thơ được giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn, dần đưa tên tuổi Tế Hanh đến với công chúng yêu thơ.

Có thể nói, Tế Hanh là một “bông hoa nở muộn” trên thi đàn Thơ mới. Khi Thơ mới đã bắt đầu đi vào các đề tài siêu thực, siêu hình thì Tế Hanh lại xuất hiện và hấp dẫn người đọc bằng sự chân chất, tình cảm. Khi mỗi nhà thơ là một thế giới riêng với bao vui buồn, đau thương, tuyệt vọng... thì thơ Tế Hanh là một khuôn mặt học trò dễ thương, với những cảm xúc chân tình, bé nhỏ, được người đọc đón nhận nồng nhiệt.

Điểm đặc biệt nhất ở thơ Tế Hanh, có lẽ chính là những bài thơ thật đặc sắc viết về làng quê chài lưới, với dòng sông và biển cả, với hương vị nồng mặn của muối, của gió, với những người “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm/ Con thuyền im bến mỏi trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”. Xuất phát từ tình yêu quê hương tự nhiên, hồn hậu, ông mang theo trong thơ mình cả niềm tin vững chắc vào vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt, trường tồn của mảnh đất, của vùng trời biển quê hương.

Tế Hanh đã mang đến cho bầu không khí thơ đương thời một luồng gió trong lành, và bài thơ “Quê hương” có thể coi là một hiện tượng của Thơ mới. Nó vượt qua những bài thôn ca quen thuộc thời ấy và mở ra một khía cạnh còn rất mới mẻ về đề tài thôn quê, nâng cảm xúc thôn dã thành một chủ đề có tầm khái quát sâu sắc hơn, đó là quê hương. Lần đầu tiên, Thơ mới biết hát lên những câu hát khỏe khoắn, đẫm mồ hôi lao động: Khi trời trong gió nhẹ, sớm mai hồng/ Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá/ Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã/ Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang…

… đến bức tranh xã hội rộng lớn

Hòa vào dòng chảy của lịch sử, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thơ Việt đã phát triển với một nhịp độ nhanh chóng, có sự chuyển biến mạnh mẽ về nội dung và hình thức, vừa mở đầu cho một thời kỳ mới, vừa là cơ sở để thơ tiếp tục phát triển trong các giai đoạn sau. Sự chuyển biến ấy được thể hiện một cách cụ thể và sinh động trong hàng loạt các sáng tác của các nhà thơ thời kỳ này. Tế Hanh cũng không là một ngoại lệ. Nhà thơ đã để lại được trong tập thơ đầu tay những hình ảnh cụ thể và da diết của những cánh buồm, dòng sông, con đường quê, sân ga… trong một nhận thức mới – nhận thức cách mạng theo cách cảm nhận giản dị, hồn nhiên của riêng Tế Hanh. Cuộc sống mới với những đổi thay quan trọng đã định hướng cho mọi xúc cảm thơ và tạo nên những phẩm chất nghệ thuật mới như nhà thơ đã từng viết: Dòng thơ tôi càng thưa bóng mây sầu/ Càng lấp lánh những ánh trời hy vọng.

Là nhà thơ miền Nam tập kết ra bắc, Tế Hanh luôn luôn hướng về quê hương. Có thể nói những bài thơ của Tế Hanh về đề tài đấu tranh thống nhất, về nỗi nhớ quê hương được xếp vào những bài thơ hay nhất, thành công nhất: “Nhớ con sông quê hương”, “Mặt quê hương”, “Nói chuyện với sông Hiền Lương”, “Chiêm bao”... Tên gọi các tập thơ của Tế Hanh cũng đã phần nào nói lên tình cảm ruột thịt giữa hai miền Nam-Bắc trong suốt 20 năm đấu tranh: “Lòng miền Nam” (1956), “Gửi miền Bắc” (1958), “Tiếng sóng” (1960), “Hai nửa yêu thương” (1963), “Khúc ca mới” (1966), “Ði suốt bài ca” (1970), “Câu chuyện quê hương” (1973)…
Tế Hanh mang vào trong thơ cái chân thành, trong sáng, giản dị, mà tinh tế của tình yêu quê hương, rồi được nới rộng thêm, nâng lên thành tình yêu đất nước. Thiên nhiên miền Nam trong thơ ông tươi rói những sắc mầu kỷ niệm, và con người miền Nam là hiện thân của phẩm chất anh hùng cách mạng. Các tập thơ sau này, như: “Khúc ca mới” (1966), “Ði suốt bài ca” (1970), “Câu chuyện quê hương” (1973), “Giữa những ngày xuân” (1977), “Con đường và dòng sông” (1980), “Bài ca sự sống” (1985), “Thơ Tế Hanh” (1989), “Giữa anh và em” (1992), “Em chờ anh” (1994)... đã ghi những dấu mốc quan trọng trên chặng đường sáng tạo của nhà thơ. Các tập thơ của ông là sự thể hiện những rung động sâu sắc về các vấn đề riêng-chung, về các sự kiện xã hội, về con người và cuộc sống theo cách rất riêng, với một tấm lòng và một bước tiến mới về nghệ thuật.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những bài thơ tình của Tế Hanh. Trong cuộc đời sáng tác của mình, dù có những biến đổi, những tìm tòi mới mẻ, nhưng trước sau ông vẫn là một nhà thơ trữ tình, hồn nhiên phơi trải những rung động của tâm hồn mình trước cuộc đời với: “Vườn xưa”, “Em ở đâu”, “Bài thơ tình ở Hàng Châu”, “Bão”, “Hà Nội vắng em”, “Không đề”, “Văn xuôi cho em”... Âm điệu da diết nhớ thương với những nỗi buồn man mác dịu nhẹ đã tạo nên nét tài hoa, dịu dàng đầy thương cảm, làm xúc động lòng người.

Không chỉ làm thơ và là một nhà thơ tài hoa, Tế Hanh còn là dịch giả với nhiều bản dịch có giá trị. Những bản dịch thơ của ông thường truyền đạt được cái hồn của nguyên bản thông qua cách cảm nhận thi sĩ và những câu thơ giàu âm điệu Việt.

Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (năm 1996) cho các tác phẩm: “Lòng miền Nam”, “Gửi miền Bắc”, “Tiếng sóng”, “Bài thơ Tháng Bảy”, “Hai nửa yêu thương”, “Khúc ca mới”, “Ði suốt bài ca”, “Theo nhịp tháng ngày”, “Con đường và dòng sông”, “Bài ca sự sống”.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm