31/12/2021 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sau đây là 10 sự kiện, vấn đề văn hóa đáng chú ý của năm 2021 do báo Thể thao và văn hóa (TTXVN) bình chọn.
1. Hội nghị Văn hóa Toàn quốc khơi dậy nguồn lực nội sinh
Hội nghị Văn hóa Toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 6 mục tiêu cụ thể và 10 giải pháp trọng tâm, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới; phát huy mạnh mẽ nguồn lực nội sinh to lớn để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Sự kiện này diễn ra vào ngày 24/11/2021 sau đúng 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.
2. Các di sản, danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh
Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ ngày 13 đến 18/12 tại Paris, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với 48 hồ sơ khác.
Trước đó, ngày 23/11, UNESCO cũng đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất. Trong Danh sách có hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương vào năm 2022.
Ngoài ra, tại phiên họp chiều 15/9 trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển UNESCO tổ chức tại Nigeria, 2 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam là Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) đã được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”.
3. Điện ảnh Việt tạo dấu ấn giữa mùa dịch với “bom tấn phòng vé”
Với 6 tháng liền đóng cửa rạp chiếu phim (kể từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 11), trong năm 2021, chỉ có khoảng 10 phim điện ảnh Việt được ra rạp. Số lượng quá ít ỏi nhưng điều may mắn là năm qua đã có những phim Việt được đánh giá cao về đề tài, nội dung, thể loại, và đã có những cái tên “làm mưa làm gió” phòng vé năm qua như Bố già (đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng), Lật mặt: 48h (hơn 150 tỷ đồng), Gái già lắm chiêu V (hơn 55 tỷ đồng)... Trong đó, Bố già không chỉ là đạt doanh thu cao nhất năm và lập kỷ lục là tác phẩm điện ảnh Việt “ăn khách” nhất mọi thời đại, mà còn đoạt giải Cánh diều Vàng phim truyện điện ảnh cùng giải Nam chính và Quay phim xuất sắc.
Liên tục phải thay đổi kế hoạch tổ chức nhưng cuối cùng, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII cũng đã diễn ra vào tháng 11 tại Huế và tìm được các chủ nhân của những giải thưởng Bông sen Vàng, Bông sen Bạc. Giải Cánh diều 2020 cũng tổ chức trao giải vào tháng 12. Cả 2 sự kiện lớn đã khép lại một năm nhiều sóng gió nhưng cũng đã kịp ghi dấu ấn đáng nhớ của điện ảnh Việt Nam.
4. Ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 đối với các nghệ sĩ
Năm qua, Covid-19 cướp đi sinh mạng của khá nhiều nghệ sĩ, đó là tổn thất lớn của giới hoạt động nghệ thuật nước nhà. Các ca sĩ qua đời vì Covid-19 như: Lệ Thu, Phi Nhung, rocker Trung Thành Sago, NSƯT Quốc Trụ, Y Jang Tuyn… cùng 16 nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu TP.HCM: Đạo diễn - NSƯT Lê Văn Tĩnh, Soạn giả - nghệ sĩ Bạch Mai, nghệ sĩ Kim Phượng, nghệ sĩ Thanh Linh, nghệ sĩ Thanh Châu, nghệ sĩ Mỹ Lợi (Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long), NSƯT Lê Trí Tưởng (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam), NSƯT Lâm Bửu Sang (Đoàn Nghệ thuật Thống Nhất - Quảng Đông - Triều Châu), đạo diễn - ca sĩ Bảo Vân, NSƯT - nhạc sĩ Khải Hoàng, nghệ sĩ Duy Khải, nghệ sĩ - nhạc sĩ Thanh Dũng, nghệ sĩ đàn bầu Quang Dũng, nghệ sĩ Mã Cẩm Hiệp, nghệ sĩ Đức Minh, nghệ sĩ Thế Cuộc.
Bên cạnh đó Covid-19 cũng đẩy rất nhiều người hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật vào hoàn cảnh khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, nhiều hoạt động “đùm bọc” rất đáng quý ở TP.HCM như: ĐD Quang Dũng vận động giúp nhân viên các đoàn làm phim; Biên đạo Tấn Lộc vận động để giúp các diễn viên múa gặp khó khăn; NSƯT Trịnh Kim Chi vận động quà cứu trợ 178 công nhân sân khấu; Mai vàng nhân ái thăm và trao quà cho một số gia đình nghệ sĩ qua đời vì Covid-19…
5. “Nóng” bản quyền âm nhạc trực tuyến qua “Giấc mơ trưa” và “Quốc ca”
Ngày 15/10, khi nhạc sĩ Giáng Son gửi đơn kiến nghị lên Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đề nghị bảo vệ quyền cho mình, bởi theo chị, ca khúc Giấc mơ trưa do chị sáng tác và là chủ sở hữu bản ghi âm đã bị BH Media “đánh gậy bản quyền”. (Phía BH Media sau đó lập luận rằng đây chỉ là thông báo xác nhận bản quyền của YouTube).
Tiếp theo đó nhiều nhạc sĩ như: Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê, Ngô Tự Lập, Nhóm M6 cũng lên tiếng bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền khi từng người đưa bản thu lên trang YouTube của mình. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cũng cho biết, 76 CD tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ đầu tư sản xuất cũng đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube.
Những điều này đã làm cho dư luận bức xúc và sự bức xúc lên đỉnh điểm khi bản Quốc ca phát trong trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Lào đã bị Next Media - đơn vị tiếp sóng trận đấu - tắt tiếng trên YouTube với lý do cũng liên quan đến vấn đề bản quyền. Sau đó, Bộ VH,TT&DL đã lên tiếng, yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
6. “Vua tiếng Việt” - khơi nguồn cảm hứng với tiếng Việt
Là một gameshow của Đài Truyền hình Việt Nam, Vua tiếng Việt (dưới sự dẫn dắt của MC Xuân Bắc) đã giúp công chúng khám phá, phát hiện để hướng tới việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thông qua 4 vòng thi đầy thử thách và thông qua phần tương tác giữa ban cố vấn với người chơi, nhiều kiến thức về chính tả, từ vựng, ngữ pháp, các biện pháp tu từ, các câu thành ngữ, tục ngữ… đã được truyền tải tới người xem một cách sinh động, tươi mới và hứng khởi.
Trong bối cảnh “bội thực” gameshow, với không ít chương trình bị đánh giá là vô bổ, thì sự xuất hiện của Vua tiếng Việt là một điểm sáng đáng khích lệ. Các câu hỏi tìm hiểu tri thức liên quan tới tiếng Việt (qua các trò chơi xếp chữ, ghép từ, xâu chuỗi, tìm từ đồng nghĩa - trái nghĩa, làm thơ theo từ khóa) luôn đặt người chơi (và cả khán giả) vào một thử thách không dễ vượt qua (vì phải trả lời nhanh trong thời gian rất ngắn). Tuy nhiên, chương trình vẫn đạt được tính giải trí với những pha tranh tài sôi nổi, kịch tính, thu hút lượng người đăng ký tham gia và người theo dõi khá lớn.
7. Năm thăng hoa của nhan sắc Việt
Nhiều người đẹp chiến thắng tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên đấu trường sắc đẹp quốc tế.
Những cái tên được nhắc tới là Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang Miss Grand International 2021 (Hoa hậu Hòa bình quốc tế), Hoàng Hương Ly đoạt giải Miss Tourism Metropolitan International (Hoa hậu Du lịch các quốc gia) tại cuộc thi Miss Tourism International 2021 (Hoa hậu Du lịch quốc tế) và Bella Vũ Huyền Diệu đăng quang Miss Eco Teen International 2021 (Hoa hậu Du lịch sinh thái quốc tế).
Bên cạnh đó, người mẫu Quỳnh Anh chiến thắng giải Siêu mẫu châu Á khi vượt qua loạt đối thủ đến từ Philippines và Singapore để chiến thắng tại Siêu mẫu châu Á (SupermodelMe) mùa thứ 6. Đây cũng là thành tích cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay tại những sân chơi thời trang lớn của châu Á.
8. Ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật
Bộ Quy tắc này đã được Bộ VH,TT&DL soạn thảo và ban hành vào tháng 12, sau nhiều lùm xùm xảy ra với các cá nhân trong lĩnh vực này.
Đưa ra mục tiêu xây dựng chuẩn mực hành vi ứng xử cho những người hoạt động nghệ thuật để "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", Bộ Quy tắc nêu ra nhiều quy tắc trong các lĩnh vực như hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, ứng xử với công chúng, ứng xử trên truyền thông và mạng xã hội.
Đặc biệt, Bộ Quy tắc nhấn mạnh nghệ sĩ phải công khai, minh bạch, kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội; không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật; tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm.
9. “Rap bẩn”, “rap rác” bị tẩy chay, xử lý
Năm 2021, hàng loạt các bài rap bị gọi là “rap bẩn”, “rap rác” bị công chúng tẩy chay, cơ quan quản lý vào cuộc xử lý…
Cụ thể, hồi tháng 10/2021, 2 ca khúc nhạc rap Thích Ca Mâu Chí và Censored của những người làm nhạc trẻ đã bị Thanh tra Bộ VH,TT&DL ra quyết định xử phạt hành chính, kèm theo phải tiêu hủy bản thu âm đã đăng tải lên mạng xã hội vì lưu hành sản phẩm có từ ngữ trái thuần phong, mỹ tục.
Ngoài 2 ca khúc kể trên, thực tế đời sống nhạc rap ở Việt Nam còn xuất hiện không ít những MV, ca khúc rap cũng mang đầy những ngôn từ phản cảm, cổ súy lối sống buông thả. Có thể kể đến bản rap Mua cho con chiếc còng tay của rapper Chị Cả được bàn tán xôn xao ở nhiều diễn đàn trên Facebook do có nội dung tục tĩu, trái luân thường đạo lý.
MV Cypher nhà làm do Low G, Teddie J, Chí, ResQ phát hành nói về việc tán tỉnh, quan hệ tình dục cũng gây bức xúc dư luận. Còn bản rap T.C.M.C của rapper Chí (nhóm rap Nhà Làm) cũng bị nhiều người dùng mạng xã hội lên tiếng chỉ trích, phản đối bản rap này vì có nội dung phản cảm. Và còn rất nhiều bài rap khác mà sự thô tục đến từ tựa bài cho đến mỗi câu hát nhưng vẫn đang là "trend" của giới trẻ.
Trung tuần tháng 12/2021, Bộ VH,TT&DL đã chính thức ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có quy tắc “…không được sáng tác, phổ biến, lưu hành, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng?”.
Xử phạt sau khi bài hát “rác”, bài hát “bẩn” trở nên nổi tiếng không phải là chuyện khó. Nhưng cách tốt nhất vẫn là tự thân những người làm nghệ thuật phải ý thức được âm nhạc là thứ thanh cao, không thể chấp nhận sự dung tục thì mới giữ gìn được nét đẹp trong văn hóa, nghệ thuật…
10. Hoạt động livestream (phát trực tuyến) gây tranh cãi lớn trong xã hội
Điển hình, một nữ doanh nhân đã tổ chức livestream “bóc phốt” nhiều cá nhân nổi tiếng, thu hút lượng người xem lớn, dẫn tới các vụ khiếu kiện kéo dài.
Bên cạnh đó, hiện tượng sử dụng livestream vào các mục đích tiêu cực như xúc phạm người khác, tung tin sai sự thật, quảng cáo trái phép... đang diễn ra trên không gian mạng, trong đó có cả những trường hợp tranh thủ truyền bá dị đoan khi livestream, gây bức xúc và hoang mang trong cộng đồng.
Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream xúc phạm cá nhân khác và sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất