Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 28): Cái xe kéo

14/03/2022 19:29 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Có thể nói phương tiện giao thông phổ biến nhất ở các đô thị ở Việt Nam gắn với thời kỳ Pháp thuộc (từ những năm cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20), nói cách khác là thời kỳ hình thành các đô thị hiện đại ở nước ta, chính là chiếc xe kéo, dân gian còn quen gọi là "xe tay" hay tiếng Pháp nhấn vào tính tượng hình khi gọi nó là "pousse-pousse" (nghĩa nôm là đun & đẩy).

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 27): Tục để móng tay dài?

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 27): Tục để móng tay dài?

Mới cách đây không lâu, truyền thông đưa một tin gây chú ý: Trong khi triển khai chủ trương đổi căn cước công nghệ cho công dân, có một trường hợp hy hữu ở Giao Thủy, Nam Định không lấy được dấu vân tay chỉ vì… móng tay dài quá?!

Phương tiện ấy có lý lịch khá rõ ràng: Những chiếc đầu tiên nhập vào nước ta năm 1884 và biến mất sau khi Cách mạng tháng Tám thành công không lâu, tổng cộng chỉ chừng trên 60 năm.

Chiếc xe có cấu trúc và nguyên lý vận hành rất đơn giản: Cầm 2 tay vào 2 cái càng dài nối với một chiếc ghế bành đặt trên khung nhíp có 2 bánh ở phía sau lưng và dùng sức người vừa kéo vừa chạy về phía trước. Trên xe chủ yếu chở người và di chuyển chủ yếu trong các đô thị có hệ thống mặt đường tương đối phẳng.

Loại xe này lần đầu được nhập vào nước ta vào năm 1884, đó là 2 chiếc do Trú sứ Pháp tại Thành phố Hà Nội là Bonnal, mua từ Nhật Bản về tặng cho Giám mục Puginier, một nhân vật rất có thế lực với giới thực dân; còn một chiếc tặng cho Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh 2 chiếc xe kéo trước Tòa trú sứ ở Phố Hàng Gai

Chiếc xe giúp cho người sử dụng ngồi thoải mái và di chuyển nhanh, tỏ sự sang trọng vào thời điểm tầng lớp này chỉ có cái võng kiệu là phổ biến từ thành thị đến thôn quê. Còn đi xe ngựa hay cưỡi ngựa chủ yếu là các quan chức người Pháp.

Vào thời điểm này, ở nhiều nước lân cận với chúng ta như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ…loại xe này cũng dần trở thành phổ biến. 2 chiếc xe đầu tiên có xuất xứ từ Nhật, mang tên gọi djin rickshaws (nhân lực xa) mà người Nhật cho rằng do 3 nhà sáng chế nước họ tạo ra vào năm 1868 đầu thời Minh Trị và được cấp phép sản xuất. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng do một người Mỹ sống ở Nhật nghĩ ra dùng để đưa đón vợ con. Còn Wikipedia thì căn cứ vào một bức tranh vẽ từ năm 1707 để cho rằng nó đã có ở châu Âu sớm nhất, chủ yếu phục vụ giới tăng lữ…

Dẫu sao, tính đắc dụng cho việc đi lại trong các đô thị ngày càng mở rộng ở Việt Nam khiến cho loại xe này nhanh chóng không chỉ được nhập về mà còn khuyến khích sản xuất ngay tại thuộc địa. Ở nước ta, Sài Gòn là đô thị phát triển sớm nhất nhưng phải đến ngày 2/5/1888 mới thấy chính quyền Chợ Lớn ra văn bản mang tính pháp lý quy định việc sử dụng xe kéo làm phương tiện giao thông nội đô.

Tuy nhiên, Sài Gòn và Chợ Lớn là thành phố thuộc địa, không gian rộng lớn, hạ tầng phát triển, đông người Âu châu nên xe ngựa phát triển mạnh hơn, bên cạnh các loại xe ngựa của giới quý tộc hay quân sự được nhập từ Pháp sang, Sài Gòn ưa dùng mẫu phổ biến ở các nước châu Á, được lấy tên một địa danh Ấn Độ là xeMalabar.

Còn loại xe kéo thì đặc biệt phát triển mạnh ở Hà Nội và một số đô thị như Hải Phòng, Nam Định… cho tới kinh đô Huế. Từ 1886, Hà Nội đã cóvăn bản pháp lý để phát triển và điều chỉnh sự vận hành loại xe này. Số lượng phát triển ngày một tăng. Bên cạnh một số xe tư nhân của tầng lớp trên (xe nhà) đã hình thành việc kinh doanh dịch vụ và sản xuất loại xe này, thu hút cả người Việt, người Hoa và người Âu.

Chú thích ảnh
Xe kéo đón khách trên phố Hàng Trống

Chính quyền thấy được tác dụng loại xe này nên quản lý ngày một chặt theo nguyên lý là chất lượng xe và khống chế số lượng cho phù hợp với điều kiện của hạ tầng. Đã có những hãng sản xuất không chỉ đủ sức cạnh tranh với hàng nhập về mà còn xuất khẩu như loại "de luxe" của Hãng Bobillot.

Ở kinh đô Huế cổ kính, thì từ tháng 4 năm Bính Tuất (1886), vua Đồng Khánh đã cho phép các quan trong triều sử dụng xe kéo trong nội kinh thay cho voi (các đại quan) và chủ yếu là thay cho võng. Lý do giải thích quyết định này được ghi trong Đại Nam thực lục là nằm võng rất bất tiện mỗi khi gặp quan trên, hay quan Pháp phải nhỏm dậy để hành lễ… Trong lễ cưới của hoàng đế thì vị hôn thê sắp được phong Nam Phương Hoàng hậu cũng ngồi xe kéo tới lễ thành hôn, còn vị hoàng đế vốn sống tân tiến hay đi ô tô hoặc lái máy bay cũng chấp nhận sử dụng loại xe này…

Năm 1937, Hà Nội tổng cộng có 1.355 xe được lưu hành, còn ở Sài Gòn là 2.980 và Chợ Lớn có 1.243 cái… Lúc này, giao thông nội đô đã được tăng cường bằng các loại tàu chạy trên đường ray hơi nước, diesel (hoặc điện) và đặc biệt là xe ôtô, xe đạp và từ thập kỷ 1940 có thêm xích lô… làm giảm bớt nhu cầu xe tay vào thời điểm số xe cũ có tuổi thọ 33, 40 năm ngày một nhiều, khủng hoảng kinh tế và nhất là vào thời kỳ Mặt trận Bình dân, mối quan tâm của xã hội đối với tầng lớp dân nghèo, lao động ngày một lớn.

Hình ảnh từ rất sớm nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc vẽ hình ảnh cái xe kéo chở thực dân hay sau này câu chuyện Người ngựa-ngựa người của Nguyễn Công Hoan khiến cái xe kéo trở nên "phản cảm", dẫn đến chính sách của các đô thị ở nước ta giảm dần lưu lượng loại phương tiện này và cho đến sau Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam độc lập đòi hỏi phải thủ tiêu dần loại xe kéo này…

Ngày 28/4/1946, Bộ Xã hội trình Chính phủ đề nghị bãi bỏ cái nghề “người làm ngựa kéo người” có hại cho “quốc thể”... Và ngày 29/5/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 84 cấm các loại xe này lưu hành từ ngày 1/1/1948...

Có một sự thực là ở xứ minh ít ai thích sưu tập những vật dụng hàng ngày nên ký ức về chiếc xe kéo phai nhạt rất nhanh. Trong các bảo tàng hầu như không còn một hiện vật nào được lưu giữ tốt… Việc phục dựng làm đạo cụ cho sân khấu hay điện ảnh rất đại khái… Chỉ may mắn là vào năm 2014, cuộc đấu giá ở lâu đài Château de Chéviny (Pháp) đưa ra bán đấu giá chiếc xe kéo vốn được vua Thành Thái mua tặng Thái hậu Từ Minh từ năm 1907 giúp cho Việt Nam được sở hữu món đồ này và nó được đưa về trưng bày tại Trung tâm Cố đô Huế. Chiếc xe mua được với giá 45.000 euro (1,345 tỷ đồng) cho thấy diện mạo rất đẹp của một chiếc xe tay "hoàng gia" do một hãng sản xuất nội địa ở Bắc Kỳ sản xuất…

Chú thích ảnh
3 loại xe ngựa giao thông chủ chốt của Sài Gòn, Malabar là chiếc đầu tiên
Chú thích ảnh
Bến đỗ của các hãng xe kéo
Chú thích ảnh
Các tiểu thư con nhà giàu đi xe kéo đến vườn Bách thảo Sài Gòn
Chú thích ảnh
Chi tiết sang trọng của xe kéo hoàng gia
Chú thích ảnh
Chiếc rickshaw ở Nhật Bản
Chú thích ảnh
Chiếc xe của Thái hậu Từ Minh
Chú thích ảnh
Nam Phương Hoàng hậu trên xe kéo
Chú thích ảnh
Quà lưu niệm của Đấu xảo thuộc địa
Chú thích ảnh
Tương phản giữa người kéo xe và ông chủ
Chú thích ảnh
Tranh của Nguyễn Ái Quốc trên tờ “Le Paria”
Chú thích ảnh
Xa giá chở Hoàng đế Bảo Đại trên xe kéo
Chú thích ảnh
Xe kéo An Nam trình diễn tại Hội chợ Paris
Chú thích ảnh
Xe kéo công vụ của lính tập kéo sĩ quan Tây
Chú thích ảnh
Xe nhà đài các của các phu nhân

(Còn tiếp)

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm