24/08/2020 19:12 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 thuộc vào một trong số những võ công lớn lao vào loại bật nhất của lịch sử dân tộc ta. Hiện nó cũng đã trở thành một trong những đối tượng chiến trận được nghiên cứu mang tính toàn cầu. Từ lâu, đã có nhiều con đường tiếp cận khoa học để làm sáng tỏ từng khía cạnh cũng như bức tranh toàn cảnh của trận đánh này.
Một trong những điểm có tính chất mấu chốt nhất là việc tìm ra những dấu tích vật chất còn để lại của trận đánh, như tàu thuyền, vũ khí, xương cốt...
Để phục vụ mục tiêu đó, từ năm 2007, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã cho thành lập Trạm Nghiên cứu Đông Bắc, nay là Bảo tàng Phạm Huy Thông và Viện Nghiên cứu Văn hóa Bạch Đằng đặt tại ngay phạm vi trận đánh thuộc bãi cọc Phường Yên Giang, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Từ đó đến nay, đơn vị nghiên cứu này đã điều tra điền dã, phát hiện làng bến Yên Giang ngay sát bãi cọc có niên đại từ thế kỷ 9-13, được coi như Trại Yên Hưng xưa, nơi Ô Mã Nhi đánh vào trong chiến dịch mở đường cho đoàn thuyền quân Nguyên rút chạy, chỉ trước khi trận đánh xảy ra chưa đầy 10 ngày.
Phát hiện làng bến “Miếu vua Bà” có niên đại thế kỷ 14-16. Phát hiện và bảo quản 2 cọc gỗ gắn liền với bãi cọc Yên Giang và quan trọng nhất là đã phát hiện hài cốt của 5 bộ xương nằm trong khu vực và địa tầng liên quan đến bãi cọc Yên Giang.
Bài viết này trình bày về việc định tuổi carbon phóng xạ mẫu xương của một trong số bộ hài cốt đó.
Bộ xương được lấy mẫu định tuổi C14 là bộ xương hoàn chỉnh nhất được phát hiện trong ô nuôi tôm của nhà ông Nguyễn Hồng Kỳ, cách bờ sông Chanh hiện tại là 150m và cách khu bảo tồn bãi cọc Yên Giang 300m về phía Tây, tức phía cửa Bạch Đằng đổ vào sông Chanh.
Theo mô tả của những công nhân trực tiếp phát hiện bộ xương, thì bộ xương nằm ở độ sâu 50cm dưới nền đáy ô nuôi tôm và sâu 180cm so với bờ ô nuôi tôm hiện tại. Khi kiểm tra lại bộ xương, chúng tôi nhận thấy bộ xương được bảo tồn rất tốt nhưng còn thiếu một vài bộ phận.
Chúng tôi đã tiến hành một hố đào phúc tra ngay tại nơi bộ xương được phát hiện và đã tìm ra một xương quai xanh bên trái, đúng khớp cả về kích thước lẫn vị trí chiếc quai xanh bị thiếu. Đáng chú ý nhất là chúng tôi quan sát được địa tầng nơi chiếc quai xanh này nằm, đó là nền sét bùn ở mức - 50 - 60cm dưới bề mặt đáy ô nuôi tôm có lẫn rất nhiều bã thực vật và vụn nhuyễn thể - một đặc trưng của đới ven bờ sông cổ.
Đây cũng là dấu hiệu đôi khi thấy được ở địa tầng các bãi cọc Yên Giang. Như vậy chắc chắn dòng sông Chanh cổ phải nằm sâu hơn về phía Bắc khoảng 200m nữa. Kết luận này tương ứng với địa tầng rãnh đào thăm dò của chúng tôi năm 2007.
Đây là một bộ xương đàn ông. Các khớp xương chi, hông và xương sườn cho thấy bộ xương người đã trưởng thành ở khoảng 30-40 tuổi. Xương to khỏe. Đo bằng công thức Fuji 84 dành cho người châu Á, bộ xương đạt độ cao 168-170cm. Đáng chú ý nhất là xương hông có mấu nhọn bám xương rất phát triển. So sánh với 9 bộ xương hông hiện lưu tại Bảo tàng Phạm Huy Thông thì mấu này hiện mới chỉ thấy trùng với bộ xương người thế kỷ 9-12 ở Nà Lồi (Mộc Châu, Sơn La).
Để kiểm tra độ tin cậy của địa tầng chúng tôi đã phối hợp với các chuyên gia của phòng thí nghiệm C14 thuộc Viện Khảo cổ học tiến hành lấy mẫu định tuổi. Mẫu được chọn là đoạn giữa của xương đùi và xương ống đồng chân trái. Mẫu xương cắt ra có chất lượng gần như xương mới, độ bảo tồn rất tốt và hầu như không thấy dấu hiệu nhiễm tạp chất. Khi xử lý trong phòng thí nghiệm, hàm lượng oxalat và collagen đều rất cao.
Theo kinh nghiệm của các phòng thí nghiệm khác nhau trên thế giới, tuổi carbon phóng xạ của vật liệu xương có thể đo từ hàm lượng carbon chiết xuất từ thành phần oxalate và collagen. Trong đó, thành phần collagen có độ nhạy cao hơn nhưng thường dễ bị phân hủy và nhiễm bẩn trong môi trường. Trái lại thành phần oxalate bền vững nhưng lại có độ dung sai lớn hơn.
Lần đo thứ nhất, mẫu được đo bằng hàm lượng carbon oxalate, cho kết quả 1.800 năm cách ngày nay (chưa hiệu chỉnh vòng cây). Lần đo thứ hai bằng hàm lượng carbon collagen cho kết quả: Số đo tuổi từ phòng thí nghiệm: 850 ± 95 năm cách 1.950. Hiệu chỉnh vòng cây (calibration): 720 - 980 AD (68,2%) và 670 - 1.020 AD (95,4%).
Có thể thấy, mẫu vật nằm trong phạm trù xương cổ, phù hợp cả địa tầng lẫn kết quả đo carbon phóng xạ. Mẫu vật đo bằng C14 chiết xuất từ xương luôn là một khó khăn đối với nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ giàu collagen, mẫu vẫn cho kết quả với độ tin cậy cao. Dù chưa thể đảm bảo chắc chắn xác định bộ xương người liên quan đến trận Bạch Đằng nào, nhưng có thể giới hạn tuổi bộ xương trong phạm vi liên quan đến thời kỳ diễn ra các trận Bạch Đằng năm 938, 981 và 1288.
Kết quả C14 xác nhận việc thu thập và tập trung nghiên cứu sâu hơn về các tàn tích xương người không có dấu hiệu mai táng trong khu vực xảy ra trận đánh là rất có ý nghĩa. Việc xác định các bộ xương đó là “chết trôi” hay chết trong chiến trận chính là nhiệm vụ của chúng ta. Nghiên cứu so sánh một số yếu tố gần gũi giữa bộ xương ở Yên Giang với bộ xương ở Nà Lồi gợi ý cho thấy khả năng bộ xương Yên Giang có thể là thuộc số quân Nguyên chết trận có nguồn gốc ở Vân Nam (Trung Quốc).
Di tích bãi cọc Yên Giang Di tích bãi cọc Yên Giang nằm ở cửa sông Chanh có hình chữ nhật dài khoảng 120m, chiều rộng khoảng 20m. Sau lần khai quật đầu tiên vào năm 1958 và nhiều lần sau đó vào các năm 1969, 1976, 1984, 1988... cho thấy cọc ở đây chủ yếu là gỗ lim, táu dài 2,6 - 2,8m, đường kính 20 - 30cm. Phần cọc được đẽo nhọn dài 0,5 - 1m để cắm thẳng xuống sông với khoảng cách trung bình 1m. (Theo baoquangninh.com.vn) |
(Xem tiếp kỳ 3 trên TT&VH số thứ Hai tuần sau, 31/8)
Nhóm tác giả (*)
(*) Nội dung bài viết này là của nhóm tác giả: Nguyễn Việt, Nguyễn Hồng Kỳ, Nguyễn Quang Miên, Lê Cảnh Lam, Ngô Đình Dũng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất