05/02/2022 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Một tin vui đặc biệt đến với chúng ta vào cuối năm 2021, khi Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và với lịch sử tồn tại nhiều thế kỷ của mình, Xòe Thái vẫn mang theo nó những câu hỏi đặc biệt, như trường hợp của loại hình Xòe Vòng...
1. Không phải ngẫu nhiên mà Xòe Vòng được coi là điệu xòe mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất trong cộng đồng người Thái - khi đại đa số những người từng một lần biết tời xòe Thái đều mặc định giữ cho mình hình ảnh tiêu biểu của những vòng xòe sôi động bất kể tuổi tác, địa vị, tính cách... để kết nối cộng đồng. Thậm chí, đó còn là quan điểm của giới nghiên cứu và nhiều nghệ nhân.
Điển hình, nhà nghiên cứu Đỗ Thị Tấc (Lai Châu) từng khẳng định: “Xòe của người Thái chỉ có một điệu truyền thống đó là Xòe Vòng”. Còn Nghệ nhân Ưu tú Mào Văn Ết (Điện Biên) thì chia sẻ: “Xòe Vòng xuất hiện sớm nhất, đầu tiên chỉ là cầm tay nhau đứng thành vòng tròn, hò hét, với mục đích chính là đuổi thú dữ, xua tan sợ hãi, thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng. Lúc đầu điệu xòe rất đơn sơ, nhưng dần dần năm này qua năm khác đã xuất hiện thêm nhiều sáng tạo mới”.
Vậy nhưng, như câu hát “Điệu xòe, điệu xòe có từ bao giờ?” trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Vương Khon, nguồn gốc của điệu Xòe Vòng đến giờ vẫn là một câu hỏi thú vị.
Như các chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội đương đại” vào cuối năm 2019, cái tên Xòe Vòng (Xé Vóng) chỉ mới xuất hiện trong khoảng nửa thế kỷ gần đây, dựa trên kết cấu vòng tròn chuyển động không ngừng của điệu này. Thực tế, cộng đồng người Thái vẫn gọi nó bằng cái tên “Xé Cốông” (múa trống - múa theo nhịp điệu trống, chiêng), hoặc “Khắm khen” (những người múa nắm tay nhau để xòe).
Thống kê của nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho biết, tại 4 địa phương xây dựng hồ sơ Xòe Thái trình lên UNESCO (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái), Xòe Vòng có 3 hình thức chủ yếu khi vận hành.
Cụ thể, hình thức đầu tiên gắn với đội hình một vòng tròn khép kín. Theo đó, những người tham gia nắm tay nhau thành chuỗi, mặt hướng tâm, theo nhịp nhạc cùng thực hiện đồng điệu một tổ hợp động tác bước chéo vào (bên phải), tay vung lên trước, lùi chéo ra (bên phải), tay hạ xuống ngang hông. Nhờ những bước chéo này, vòng xòe chuyển động không ngừng theo chiều ngược kim đồng hồ.
Với hình thức thứ hai, hai, ba, bốn... hoặc nhiều vòng tròn đồng tâm được tạo thành, vẫn dựa trên những bước chéo như hình thức đầu tiên nhưng có khác về cách tổ chức và hướng dịch chuyển, điển hình là các vòng xòe có thể dịch chuyển ngược chiều nhau. Theo địa phương, các vòng tròn đồng tâm này chỉ xuất hiện khi người tham gia xòe quá đông, một vòng tròn không bọc hết.
Riêng với hình thức xòe vòng thứ ba, nhiều biến đổi về kiểu dạng vòng tròn, hướng dịch chuyển, hướng giao lưu, ngôn ngữ động tác... xuất hiện. Thậm chí, ở vài đoạn, người tham gia còn sử dụng những chiếc khăn thổ cẩm dài của đồng bào Thái làm đạo cụ. Đây là điệu xòe khá phổ biến tại các lễ hội ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) và một số địa phương của Sơn La, với phần nhạc nền có khi dùng âm điệu trống, chiêng, có khi là các bản nhạc, bài ca sôi nổi nhịp theo 2/4. Vũ điệu xòe này thường mở đầu bằng hình thức múa vòng dây xích (hình thức đầu tiên), sau đó trở thành các điệu nâng khăn, vắt đầu khăn, vỗ tay, giao cảm cặp đôi, nhóm bốn…Đặc biệt, từ điệu thứ hai trở đi, những người tham gia không nắm tay nhau thành dây xích nữa, đội hình múa trở thành vòng tròn không liên kết, co dãn hướng tâm, hoặc không dịch chuyển
2. Vậy, Xòe Vòng xuất hiện trong văn hóa của người Thái từ thời điểm nào?
Từ giữa thập niên 1980, khi trao đổi với các nghệ nhân cao tuổi người Thái, cố GS Lâm Tô Lộc đã ghi lại 2 luồng quan điểm ngược nhau: Xòe Vòng đã có từ trước năm 1954 và gắn với phong tục tập quán của người Thái; và Xòe Vòng chỉ thực sự xuất hiện từ sau thời điểm giải phóng Điện Biên Phủ.
Theo cố GS này, trong trường hợp xuất hiện trước 1954, Xòe Vòng cũng chỉ có ở phạm vi hẹp, dưới sự quản lý đặc biệt của các tạo, phìa. Phải tới khi Điện Biên được giải phóng, chính quyền cách mạng khuyến khích, giúp đỡ dân các bản mua trống, chiêng, phong trào xòe mới phát triển rầm rộ, để rồi Xòe Vòng trở thành một điển hình của múa tập thể theo kiểu truyền thống.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan, một số đồng bào Thái có kinh nghiệm vẫn khẳng định: Xòe Vòng có xuất xứ từ Kin Pang Then - diễn xướng dân gian có truyền thống rất lâu đời của người Thái Trắng. Thực tế, trong diễn trình nghi lễ của Kin Pang Then, có khá nhiều đoạn các vũ công múa vòng tròn bao quanh cây Pang (cột thiêng, nơi nhà Then mời các Then trong vũ trụ về chứng lễ) giống như điệu Xòe Vòng.
Vẫn theo nhà nghiên cứu này, nếu đặt giả thiết Xòe Vòng của người Thái Trắng tại khu vực Điện Biên, Lai Châu có xuất xứ từ Kin Pang Then, rất có thể nó được tách rời khỏi môi trường tín ngưỡng vào giai đoạn quanh cột mốc 1914. Đó là thời điểm người Pháp cho lập đạo quan binh thứ hai đồn trú ở Phong Thổ, và chúa đất Đèo Văn Ân, một người có khuynh hướng Tây học, đã mạnh dạn “giải thiêng”, cho “mượn 10 điệu múa” mừng Then xuống trần, tiễn Then về trời để xây dựng chương trình nghệ thuật cho đội xòe đầu tiên ở Tây Bắc biểu diễn phục vụ nhu cầu đối ngoại, giải trí của nhà chúa.
Đặc biệt, Xòe Vòng không chỉ là điệu múa truyền thống riêng của người Thái Trắng. Người Thái Đen cũng có hình thức quần vũ này. Đáng nói Người Thái Đen cũng theo tín ngưỡng Phi - Then, nhưng không có diễn xướng Kin Pang Then. Dù vậy, trong diễn xướng tín ngưỡng Xên Lẩu Nó của cộng đồng này cũng có nhiều nghi thức được thể hiện bằng những điệu múa vòng bao quanh cây thiêng, trong đó có vũ điệu dùng chiếc khăn thổ cẩm làm đạo cụ. Do vậy, giả thiết người Thái Đen “giải thiêng”, đưa múa nghi lễ vào sinh hoạt phong tục và có điệu Xòe Vòng cũng được đặt ra.
3. Nhưng đi xa hơn, với lịch sử phát triển nhiều thế kỷ của người Thái, liệu có khả năng những hình thức sơ khai của Xòe Vòng đã ra đời trước, sau đó được các nghi lễ tín ngưỡng tiếp thu để góp phần diễn giải các nội dung của mình (như một số trường hợp của các tộc người khác) trước khi được tiếp tục “giải thiêng” để trở thành điệu dân vũ phổ biến của cộng đồng?
Khá thú vị, ở góc độ của chuyên ngành khảo cổ học, GS-TS Trịnh Sinh từng đưa ra giả thiết: Nghệ thuật xòe có thể ra đời kể từ khi người Thái cổ bắt đầu di cư đến Việt Nam vào giai đoạn văn hóa Đông Sơn, tức là cách đây khoảng 2.000 năm. Theo phân tích của ông, trên một số trống đồng Đông Sơn của Việt Nam có khắc họa hình các người múa hóa trang đang đi vòng quanh hình ngôi sao giữa mặt trống. Rõ ràng đây là điệu múa của người Việt cổ. Các tài liệu dân tộc học so sánh cho thấy đây là điệu múa mà người múa hoặc cầm vũ khí hoặc cầm nhạc cụ múa theo đội hình vòng tròn, trong đó nhiều hình trang trí có cảnh người múa đứng sát, cầm tay nhau hoặc giơ cao tay giống như điệu múa của Xòe Thái.
Ngoài ra, với việc tìm thấy chiếc môi đồng có tượng người đang ngồi thổi khèn bè ở phần cán tại mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng), cũng là lý do GS Trịnh Sinh đưa ra giả thiết ban đầu: trong hành trang mang tới Việt Nam của người Thái cổ đã có chiếc khèn bè - nhạc khí không thể thiếu của dân tộc Thái - và những điệu xòe cổ như điệu Xòe Vòng với tính chất sơ khai giản đơn, dễ múa và nhiều người tham gia được.
Tương tự, như phân tích của nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan, việc các vòng xòe đơn luôn ở dạng chuyển động không ngừng, co, dãn, biến hóa, dịch chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ cho thấy nhiều thông tin thú vị. Bởi theo giới nghiên cứu văn hóa, các vòng tròn quay theo đường hoàng đạo (ngược chiều kim đồng hồ) là vòng tròn mang dương tính - biểu tượng mặt trời. Và, ngoài những biểu tượng khác được thể hiện trong hội họa, điêu khắc, truyện kể,.. múa vòng theo chiều ngược kim đồng hồ cũng được xem là một trong những cách thể hiện mặt trời sống động nhất.
Bởi thế, theo nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan, rất có thể, trong quá khứ, ở thời kỳ công xã nông thôn, thần mặt trời cũng từng có địa vị quan trọng hàng đầu trong đời sống của người Thái cổ, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Và Xòe Vòng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để con người kéo vị thần tối cao về gặp gỡ cộng đồng.
Để rồi, theo thời gian, Xòe Vòng trở thành vũ điệu biểu lộ thái độ, tiếng nói của cộng đồng trong Kin Pang Then và Xên Lẩu Nó. Đặc biệt, tuy không trực tiếp tham gia vào trình thức của các lễ thức phong tục (đón xuân mới, ăn cơm mới, cúng bản cầu mùa, lên nhà mới, lễ đặt tên cho con,…), Xòe Vòng vẫn luôn đóng vai trò trong “phần hội”, vẫn gợi nhớ người Thái về thời xã hội chưa phân tầng, quan hệ cộng đồng bình đẳng.
Và cứ thế, theo dòng chảy của mình, ngay cả khi trở thành Di sản Thế giới, những vòng Xòe Thái vẫn thu hút cộng đồng bởi bao câu chuyện đi kèm với nó...
Tượng ngồi thổi khèn bè Với việc tìm thấy chiếc môi đồng có tượng người đang ngồi thổi khèn bè ở phần cán tại mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng), cũng là lý do GS Trịnh Sinh đưa ra giả thiết ban đầu: Trong hành trang mang tới Việt Nam của người Thái cổ đã có chiếc khèn bè - nhạc khí không thể thiếu của dân tộc Thái - và những điệu xòe cổ như điều Xòe Vòng… |
Trí Uẩn
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất