Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Đầu tư văn hóa là đầu tư cho con người

01/04/2015 20:23 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày 1/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội về công tác triển khai nhiệm vụ năm 2015. Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Đầu tư văn hóa là đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững để giữ gìn quá khứ và hướng tới tương lai.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, đầu tư cho văn hóa không phải thấy ngay lợi ích trước mắt nhưng phải nhờ vào những giá trị văn hóa bền vững, con người và xã hội mới phát triển. Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về văn hóa, có sự kế thừa của nghìn năm văn hiến, vừa là nơi hội tụ vừa lan tỏa văn hóa. Sứ mệnh quan trọng của ngành văn hóa Thủ đô là phải giữ gìn các bản sắc, đặc trưng của văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Biểu dương những kết quả của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đạt được trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng nhấn mạnh: Với vị thế là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, với tiềm năng và nguồn lực mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mong muốn ngành văn hóa đạt được kết quả tốt hơn nữa, hạn chế tối đa những tồn tại, phát huy tốt những thế mạnh của mình.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận buổi làm việc

Trong ba tháng đầu năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trong dịp mừng Đảng, mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước với gần 700 buổi biểu diễn nghệ thuật, tổ chức hơn 1.500 buổi chiếu phim phục vụ hàng trăm nghìn lượt người xem. Công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai tích cực và nhận được sự quan tâm của các cấp ngành và đông đảo nhân dân. Hà Nội cũng thực hiện tốt việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đón tiếp, phục vụ hơn 700 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội có nhiều chuyển biến, các lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm tôn vinh nét văn hóa giàu bản sắc của Thủ đô.

Tuy nhiên, tiến độ, năng lực triển khai các nội dung thực hiện các kế hoạch chuyên ngành, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa còn chậm. Hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan thực hiện nhiệm vụ chính trị chưa đổi mới về hình thức tuyên truyền, thiếu hấp dẫn. Vi phạm trong hoạt động quảng cáo còn phổ biến. Công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ di sản văn hóa, di tích văn hóa lịch sử còn gặp khó khăn trong việc xử lý các hiện tượng lấn chiếm đất đai, tình trạng xuống cấp di tích. Phần lớn các thiết chế văn hóa được xây dựng đã lâu, không theo quy hoạch và thiết kế thống nhất nên không phù hợp với thực tế hoạt động.

Đinh Thị Thuận- TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm