29/06/2018 07:40 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Phân đoạn Audrey Hepburn ngồi bên cửa thoát hiểm, ôm đàn ngân nga Moon River bằng chất giọng mong manh là khoảnh khắc hiếm hoi trong suốt cả phim Bữa sáng ở Tiffany’s, công chúng được tiếp cận sâu nhất với thế giới nội tâm của cô nàng Holly Golightly, với những nỗi u sầu và tổn thương.
Người ta có thể chê trách Bữa sáng ở Tiffany’s (Breakfast at Tiffany’s) vì tô hồng sự thật về nữ chính Holly Golightly. Và việc gửi gắm vai chính cho minh tinh Audrey Hepburn còn bị cho là sai lầm.
Nhưng chẳng ai có thể phàn nàn về bộ đôi làm nhạc phim – nhạc sĩ Henry Mancini và Johnny Mercer. Kể cả khi Moon River chưa thành hình.
Nhạc và lời “Moon River” vốn chẳng liên quan
Đơn giản vì hai nhạc sĩ Henry Mancini và Johnny Mercer không một lần cùng ngồi sáng tác. Chẳng có cái gọi là “chiến lược” bài hát gì hết, hai người ai làm việc nấy. Henry Mancini viết nhạc, Johnny Mercer viết lời.
Và thế là xảy ra một cuộc song hành thú vị: Nếu như Henry viết giai điệu “đo ni đóng giày” cho giọng hát “diễn viên” của Audrey Hepburn, thì Johnny lại sáng tác lời cho... chính mình.
Bộ phim Bữa sáng ở Tiffany’s được hãng Paramount sản xuất năm 1961, dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Truman Capote về cuộc hành trình tìm kiếm chính mình của cô gái xinh đẹp từ vùng quê Texas, bắt đầu hòa nhập vào xã hội thượng lưu ở New York. Phim nhận được 5 đề cử Oscar và bản thân Moon River giành giải Nhạc phim xuất sắc nhất.
Quan điểm ban đầu của nhà sản xuất phim là muốn Audrey Hepburn hát nhép. Nhưng Henry Mancini, sau khi xem Audrey hát một đoạn trong vở Funny Face, khăng khăng ông có thể tạo ra giai điệu dành cho quãng giọng giới hạn của nữ minh tinh này.
Tất nhiên là không thể cầu kỳ với giọng hát như vậy. Nhưng đơn giản làm sao mà vẫn phải thật “kinh điển” là bài toán không dễ với Henry. Mất ngót một tháng rưỡi ông mới “nặn” ra được 3 nốt đầu tiên. Phần còn lại thì chỉ mất vỏn vẹn 30 phút.
Sản phẩm được chuyển cho John Mercer. Vấn đề đặt ra cho John là tìm kiếm một chủ đề phù hợp với không chỉ giai điệu mà đặc biệt là tinh thần của nhân vật Holly Golightly.
Bản chất Holly là một cô gái nông thôn. Kí ức thôn dã là điều luôn ám ảnh Holly, dù cô hằng mong chối bỏ trước khao khát thượng lưu. Johnny Mercer cũng sinh ra ở một ngôi làng thuộc thành phố Savannah, tiểu bang Georgia phía Đông Nam Hoa Kỳ. Và thế là mối đồng cảm được tựu chung ở hai chữ: Hồi ức.
Thực ra Johnny Mercer đã muốn đặt tên là “Blue River”, tức là sông xanh, nhưng tên này lại bị trùng. Ông còn nghĩ đến “I’m Holly” - Tôi là Holly, nhưng nhận ra nó quá vô nghĩa. “Moon River” chỉ có tác dụng về ngôn từ và dễ thấy nó không liên quan gì đến tổng thể chủ đề ca khúc.
Thế mà Moon River, cuối cùng lại đồng điệu với màu sắc huyền ảo của bản ballad này đến lạ! Lần duy nhất hai nhạc sĩ gặp nhau là khi Johnny mang lời ca hoàn chỉnh đến gặp Henry Mancini, thống nhất xong hai người thu âm bản demo, đưa nó đến cho nhà sản xuất.
“Bước qua xác tôi trước đã!”
Audrey Hepburn đã lên tiếng thẳng thừng với giám đốc hãng phim Paramount như thế khi ông này tuyên bố toạc móng heo: “Vứt béng bài hát đấy đi”. Nguyên do là để đảm bảo thời lượng bộ phim.
Người vợ góa của Henry Mancini nhớ lại với BBC: “Tôi thấy Henry tái mặt. Chúng tôi sốc, thật sự sốc. Chúng tôi im lặng trong một hai phút và tự dưng bao lời lẽ biến đi đâu hết”.
Sau rốt thì nó cũng được giữ lại. Phiên bản khí nhạc được chơi trong đoạn giới thiệu đầu phim, còn phần lời lại được phát trong cảnh Paul Varjak (George Peppard thủ vai) phát hiện Holly Golightly (Audrey Hepburn) ôm đàn hát bên cầu thang thoát hiểm ở ngôi nhà tập thể 2 người sống chung. Audrey hát theo cái cách mà bất cứ cô gái nào cũng có thể ngân nga được, nhưng trên hết nó đầy tính cảm xúc và khán giả có lẽ không đòi hỏi nhiều hơn thế.
Nhưng hãng Paramount thì vẫn e ngại phần hát của Audrey. Và thế là thay vì phiên bản “nàng thơ” ôm đàn ngân nga đầy mộng mơ, chúng ta có tiếng hát của chính hai nhạc sĩ cùng dàn nhạc giao hưởng.
Song dù có hay không có Hepburn, bài hát vẫn ngay lập tức nổi tiếng. Nhạc sĩ Henry Mancini chia sẻ với tạp chí Disc vào năm 1962: “Tôi ước chừng chúng tôi thu được khoảng 100 nghìn đô la nhờ Moon River trong vòng 2 năm sau đấy”. Một con số không nhỏ thời điểm bấy giờ. Cùng năm đó, con sông ở quê nhà Johnny Mercer được đổi tên thành “Moon river”.
Không chỉ chiến thắng ở Oscar, Moon River còn lập “hat-trick” tại giải Grammy với 3 hạng mục: Bản thu của năm, Bài hát của năm và Bản phối xuất sắc nhất.
Tính đến nay đã có hơn 500 phiên bản khác được thực hiện, có thể kể đến các nghệ sĩ như Frank Sinatra, Louis Amstrong, Judy Garland, Sarah Vaughan và Sarah Brightman. Nhạc sĩ Johnny Mercer cũng thu âm riêng và đưa vào album My Huckleberry Friends. Thành công nhất phải kể đến Andy Williams khi đĩa nhạc Moon River and other Great Movie Themes của anh đạt doanh số 1 triệu đô la Mỹ.
Còn Audrey Hepburn? Phải đến năm 1993 sau khi bà qua đời thì phiên bản bà hát mới được ra mắt trong album Music From The Films Of Audrey Hepburn. Đến năm 2004, nó được xếp thứ 4 trong danh sách “100 ca khúc trong phim” của Viện phim Mỹ.
Có một Holly Golightly ngoài đời thật? Breakfast at Tiffany’s (Tạm dịch: Bữa sáng ở Tiffany’s) được đạo diễn bởi Blake Edwards, chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn cùng tên của nhà văn Truman Capote. Theo nhiều nguồn “đồn đoán”, nhân vật Holly Golightly được Truman lấy cảm hứng từ người mẫu Dorian Leigh Parker. Với khuôn mặt góc cạnh, đôi mắt xanh thơ mộng và nét quyến rũ bí ẩn, cô được xem là người mẫu đắt giá nhất thế giới trong khoảng thập niên 1940. Ngoài sự nghiệp rực rỡ, Dorian cũng gây chú ý với vài đời chồng cùng không ít phi vụ tình ái với các ngôi sao hạng A. Truman Capote đem lòng si mê Dorian Leigh Parker, và thường xuyên ghé thăm căn hộ của người mẫu này ở New York. Ông thường vào qua lối cửa thoát hiểm, nhiều lần Dorian về nhà thì đã thấy Truman đang ngồi trong đó chơi với con mèo của cô. Nhân vật Holly Golightly được Truman Capote xây dựng như một cô gái phóng khoáng và tự do. “Holly không ngại nói về chuyện giường chiếu, chấp nhận rằng đàn ông da đen cũng hấp dẫn và chẳng cảm thấy tội lỗi khi giật bồ của bạn bè” (The Telegraph). Tiểu thuyết xuất bản năm 1958. Nhưng phải đến năm 1961 Holly Golightly mới được biết đến nhờ sức hút của phim Breakfast at Tiffany’s. Nhiều người cho rằng có nhiều tính cách của Holly đã bị nhà làm phim “tô hồng” bớt, như chuyện cô từng làm gái bao hay có đời sống nội tâm u uất với ám ảnh về quá khứ đen tối nơi thôn quê. Chính Truman Capote cũng không hài lòng khi sự tự do trong quan điểm sống của Holly bị lu mờ trên màn ảnh, điển hình như việc cô bị thuyết phục ở lại New York vào cuối phim. |
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất