Cần 'tư duy đột phá' khai thác tài nguyên bền vững tại các đô thị du lịch biển

03/09/2019 08:37 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Vùng ven biển Việt Nam, trong đó có hệ thống đô thị du lịch biển được Đảng, Nhà nước chủ trương ưu tiên hàng đầu cho phát triển du lịch... Tuy vậy, quá trình quy họach và đầu tư phát triển các đô thị du lịch biển đã vấp phải rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện các mục tiêu đề ra. Một trong các mục tiêu cơ bản đó là phát triển bền vững du lịch biển, nhất là các đô thị biển hiện nay.

Du lịch Việt Nam cần phát triển phù hợp với xu thế mới của thế giới

Du lịch Việt Nam cần phát triển phù hợp với xu thế mới của thế giới

“Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam” là chủ đề hội thảo diễn ra vào ngày 20/8 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức.

Tài nguyên biển trong cấu trúc đô thị du lịch bền vững

Đề cập về tầm quan trọng của tài nguyên du lịch biển trong cấu trúc đô thị du lịch bền vững, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững cho biết: Việt Nam hiện có 12 đô thị du lịch, trong đó có đến 9/12 đô thị du lịch biển, gắn với việc khai thác tài nguyên du lịch biển là chủ yếu. Với 9 điểm đến này, nếu được quy hoạch và đầu tư phát triển tốt, du lịch biển Việt Nam có thể khởi sắc và có chỗ đứng vững chắc trong thị trường du lịch khu vực và thế giới.

Cấu trúc không gian đô thị du lịch biển bao gồm bãi tắm, đảo, hang động, các hệ sinh thái biển và các di tích, thắng cảnh ven biển...; các không gian dịch vụ du lịch (khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí...) và các không gian hành chính, không gian ở, không gian kinh tế biển khác... Do đó, tài nguyên du lịch biển góp phần quan trọng nhất trong việc tạo ra bản sắc đặc trưng cho đô thị du lịch biển và đóng vai trò quyết định trong việc hình thành một đô thị du lịch.

Vì vậy, quá trình quy hoạch phát triển đô thị du lịch biển cần có những nghiên cứu toàn diện về các giá trị đặc thù của tài nguyên; về hình thái, cấu trúc của các yếu tố cấu thành nên các giá trị đó và các xu hướng biến đổi của chúng trước các tác động của thời gian và con người. Cần phân biệt tài nguyên có thể tái tạo với tài nguyên không thể tái tạo, mức độ nhạy cảm của chúng trước các tác động của hoạt động du lịch và các hoạt động kinh tế đô thị khác, để có những định hướng phát triển đô thị du lịch phù hợp, đảm bảo được sự khai thác lâu dài đối với tài nguyên.

Với vai trò là hạt nhân của sự phát triển, tài nguyên du lịch biển là yếu tố quyết định qui mô và phương thức của các hoạt động du lịch biển, phạm vi không gian hoạt động của nó cũng như các không gian chức năng họat động khác trong đô thị để đảm bảo một cấu trúc đô thị tổng thể hài hòa và bền vững.

Chú thích ảnh
Trung tâm khu du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Những thách thức

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh cho rằng, các đô thị du lịch biển của Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức của hoạt động khai thác tài nguyên chồng chéo và quá tải; thách thức của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thách thức của các áp lực tranh chấp biên giới và chủ quyền... Những khó khăn vượt quá tầm kiểm soát trong phạm vi quốc gia này đòi hỏi Việt Nam phải có một tư duy mới, một tầm nhìn mới mang tính đột phá trong việc xây dựng chiến lược và giải pháp khai thác tài nguyên biển.

Việc xác định chiến lược đô thị với những thách thức đã đưa các đô thị du lịch biển tới các nguy cơ, như sự suy giảm về chất lượng tài nguyên và môi trường do tranh chấp không gian sử dụng giữa các ngành kinh tế. Sự thiếu thốn bản sắc trong kiến trúc cảnh quan do không xác định được mảng màu chủ đạo cho bức tranh đô thị... Chất lượng sống của người dân đô thị cũng như khách du lịch sẽ bị đe dọa trầm trọng do hệ quả của hai vấn đề trên.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch và xây dựng các con đường sát biển dành cho các phương tiện giao thông cơ giới lớn, có tác động rất tiêu cực đến môi trường cảnh quan hoang sơ và tĩnh lặng của các bãi tắm ven biển, vẫn chưa được các nhà quản lý, nhà đầu tư nhận thức như là một bài học cần rút kinh nghiệm tại các đô thị du lịch biển Việt Nam.

Đặc biệt trong những năm gần đây, các đô thị du lịch ven biển đã phải đối đầu với một thách thức mang tính toàn cầu, đó là thách thức của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hiện tượng mưa lũ, hạn hán hay lốc xoáy bất thường kèm theo các hiện tượng xói lở đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cho các hoạt động kinh tế ven biển, trong đó có du lịch. Nhiều bãi tắm, resort, khách sạn, nhà nghỉ xây ven biển tại thành phố Huế, Hội An, Vũng Tàu... phải tạm ngừng hoạt động vì sự tấn công dữ dội của các yếu tố thiên nhiên cực đoan.

Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và các vấn đề ô nhiễm môi trường khó kiểm soát gần đây, nhiều nguồn tài nguyên và cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch có khả năng biến mất, bị hư hỏng nặng hoặc bị vô hiệu hóa vì không còn chức năng sử dụng. Một thời gian dài trước đây, các bãi tắm và hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí ven biển đã chiếm vai trò chủ đạo trong không gian du lịch biển. Nhưng trong thời gian tới, các hoạt động này có thể sẽ không còn nữa. Ngành du lịch và một số ngành kinh tế biển khác sẽ đứng trước nguy cơ bị phá sản nếu không có những giải pháp ứng phó hữu hiệu.

“Tư duy đột phá” trong khai thác tài nguyên biển

Những thách thức nêu trên buộc các ngành kinh tế biển Việt Nam và những chuyên gia quy hoạch đô thị du lịch biển sẽ phải thay đổi tư duy để ứng phó với bối cảnh hoàn toàn mới. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, không chỉ cần một tư duy mới mà phải là một “tư duy đột phá” hoàn toàn mới, linh hoạt và sáng tạo, không giống với những cách thức truyền thống trước đây thì mới hy vọng có được giải pháp tận cùng cho vấn đề nan giải này.

Bởi quá trình khai thác tài nguyên biển trong giai đoạn trước đây hầu hết là cách thức khai thác tài nguyên thô, nghĩa là khai thác những giá trị bề nổi, sẵn có và với phương thức khai thác theo kiểu “ mỳ ăn liền”. Tư duy ăn sẵn với “nền kinh tế cơ bắp” dựa nhiều vào nhân công giá rẻ và dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, với tầm nhìn ngắn hạn đã khiến cho các nguồn tài nguyên du lịch biển của Việt Nam nhanh chóng cạn kiệt.

Do đó, đã đến lúc phải nhìn nhận lại quỹ tài nguyên biển với những giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử tinh thần... còn tiềm ẩn mà đang bỏ ngỏ. Các tài nguyên biển có khoảng 10 giá trị, thì hiện mới chỉ khai thác được vài ba giá trị bề nổi mà thôi. Ngoài bãi tắm và hải sản, còn có nắng biển, gió biển, muối biển, cảnh quan biển và văn hóa biển đặc trưng, lâu đời... Để khai thác hiệu quả các giá trị tiềm ẩn này, cần sử dụng hàm lượng chất xám cao hơn với cách tiếp cận của “ Tư duy đột phá” để tạo nên những sản phẩm du lịch mới, độc đáo và mang bản sắc riêng có của vùng biển Việt Nam.

Một số sản phẩm đột phá

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh khẳng định: Với mục tiêu "Thay đổi tư duy trong việc khai thác tài nguyên để tạo ra bước đột phá cho du lịch Việt Nam", Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững  đã đầu tư trọng điểm cho các công trình nghiên cứu có “Tư duy đột phá”, giải quyết các thách thức lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay như vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...

Sau 9 năm thành lập, Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững đã nghiên cứu và công bố 18 dự án du lịch mang “Tư duy đột phá”, được dư luận đánh giá cao về tính sáng tạo. Điển hình là Dự án “Biến mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm du lịch”. Đây là dự án thay đổi tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu. Thay cho “trốn chạy” và “chống lại” các yếu tố thời tiết bất lợi, dự án đề xuất các giải pháp “sống chung” và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố bất lợi đó. Dự án đang được một số doanh nghiệp du lịch ứng dụng triển khai tại thành phố Huế và thành phố Hội An.

Một Dự án tiêu biểu nữa là Mô hình “Khánh sạn bóng đêm”. Đây là mô hình khách sạn tiết kiệm năng lượng điện ở mức tối đa nhưng lại khai thác được nhiều giá trị và vẻ đẹp của bóng tối, để giúp khách du lịch có những trải nghiệm hoàn toàn mới và tạo được doanh thu cho doanh nghiệp. Dự án đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 3 doanh nghiệp tại Hội chợ Techmart quốc tế 2013. Đồng thời, Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững  còn tiến hành các dự án “Sản phẩm du lịch từ cát, muối, rác”, mục đích xây dựng góc nhìn mới, phương thức khai thác mới từ những nguồn tài nguyên cũ của biển, hay tạo không gian thư giãn, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe bằng “Vườn Thiền cát”. Hoặc những hoạt động hữu ích cho du khách trong “Công viên tái sinh”. Tại đây, du khách cùng tham gia trò chơi phân loại tài nguyên (giấy, nhựa, thủy tinh...) để “tái sinh sản xuất” trong các xưởng tái sinh thành các sản phẩm mới.

Đặc biệt, Dự án “Sản phẩm du lịch từ gió Bạc Liêu” đã giúp cho Nhà máy điện gió Bạc Liêu có hướng phát triển mới để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch từ gió, tạo thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác “cánh đồng điện gió Bạc Liêu”. Dự án được UBND tỉnh Bạc Liêu ủng hộ và đứng ra kết nối Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững với các doanh nghiệp trong tỉnh và đã triển khai vào thực tế từ năm 2015.

Văn Hào/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm