16/04/2018 08:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nếu Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 chọn Em chưa 18 để trao Bông sen Vàng, thì đến Cánh diều 2017 phim này được trao Cánh diều Bạc. Và ngôi vị cao nhất đã thuộc về Cô ba Sài Gòn (đạo diễn: Lộc Trần - Kay Nguyễn), một chọn lựa khá an toàn.
An toàn vì nếu so với 8 phim có cơ hội tranh giải phim xuất sắc nhất, Cô Ba Sài Gòn là một phim… vừa phải. Vừa phải từ kịch bản, đạo diễn, công tác phim trường cho đến diễn xuất và “hiệu quả xã hội tích cực”.
Nó chưa có được dấu ấn nghệ thuật và đạo diễn như Em chưa 18, Đảo của dân ngụ cư. Nó chưa có được chiều sâu tâm lý và câu chuyện như Dạ cổ hoài lang, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa. Và đương nhiên, về khía cạnh bán vé - một tác động trực tiếp vào khán giả - nó (60 tỷ đồng) còn cách khá xa Em chưa 18 (171 tỷ), và chưa thể bằng Cô gái đến từ hôm qua (70 tỷ đồng). Thế nhưng, nếu căng theo các tiêu chí của giải Cánh diều thì có vẻ như Cô Ba Sài Gòn cân đối hơn, nhất là thắng thế ở khía cạnh “mang đậm bản sắc dân tộc”.
Bản sắc ở đây có lẽ là chiếc áo dài và cuộc chiến để giữ gìn sức sống cho nó. Vì vậy, dù kịch bản còn khá đơn giản và thiếu chiều sâu, nhưng Cô Ba Sài Gòn vẫn cố gắng tôn vinh cho được chiếc áo dài và đời sống của phái đẹp. Chủ đạo trong phim là chuyện của những phụ nữ, họ có xuất thân và hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có ý chí tự lập, quyết khẳng định tài năng và tinh thần nữ quyền.
Điều bất ngờ lớn nhất ở hạng mục Phim truyện điện ảnh năm nay có lẽ là việc Cô Ba Sài Gòn đoạt giải Biên kịch xuất sắc nhất, dành cho Kay Nguyễn & A Type Machine. So với Yêu đi, đừng sợ!, Đảo của dân ngụ cư, Dạ cổ hoài lang, Mẹ chồng, Cô gái đến từ hôm qua…, thì Cô Ba Sài Gòn chỉ một tám một mười, khó mà nổi trội hơn.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất