Caroline Guiela Nguyễn và vở kịch nói 'Sài Gòn' vòng quanh thế giới

12/09/2018 07:19 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ra mắt tại Liên hoan Sân khấu quốc tế Avignon lần thứ 71 vào mùa Hè năm 2017, ngay sau đó vở Sài Gòn (kịch bản và dàn dựng: Caroline Guiela Nguyễn) diễn liên tục tại Nhà hát Odéon (Pháp), cũng như đi du diễn nhiều nơi trên thế giới. Vào 21 và 22/9 này tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), Sài Gòn sẽ ra mắt khá giả quê mẹ của Caroline Guiela Nguyễn, nơi mà cô đã bỏ ra hơn 2 năm để tìm chất liệu và diễn viên cho vở này.

Vở diễn có 11 diễn viên chuyên và không chuyên, họ gồm người Pháp, người Việt và Việt kiều, nên ngôn ngữ của ai nấy nói. Khán giả sẽ cảm nhận được sự pha trộn và chung sống về văn hóa, nơi mà bản sắc, sự giao thoa, sự vong bản, sự gìn giữ không thể tách rời nhau.

Về lý do viết và dàn dựng Sài Gòn, Caroline Guiela Nguyễn cho biết: “Chúng ta hãy thôi nghĩ là sẽ tìm được trong kịch của Shakespeare hoặc Marivaux giải đáp cho các vấn đề của xã hội chúng ta. Chúng ta phải có kịch của chúng ta”.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Caroline Guiela Nguyễn. Ảnh: © Yann Rabanier/Télérama

Một sử thi đời thường

Vở kịch Sài Gòn có hai bối cảnh chính, đều diễn ra trong một nhà hàng có phong cách ẩm thực Việt Nam. Ý định ban đầu Caroline còn muốn diễn ngay vở này trong một nhà hàng thực sự tại TP.HCM, để tạo cảm giác chân thực về va chạm và không khí. Nhưng sau khi khảo sát thì ý định này bất thành.

Nhà hàng đầu tiên ở Sài Gòn năm 1956 - thời kỳ người Pháp buộc phải rút khỏi Đông Dương. Nhà hàng thứ hai ở quận 12 của Paris năm 1996 - thời kỳ mà nhiều Việt kiều bắt đầu quay trở về quê hương mình. Sợi dây liên nối thế nào giữa hai nhà hàng này, nơi mà cuộc tình Pháp - Việt từng bị xa cách do chiến tranh; nơi mà mẹ con phải nói hai thứ tiếng, nên khi cãi nhau chẳng ai hiểu ai; nơi mà ẩm thực, âm nhạc có những dị biệt…

Chú thích ảnh
Một cảnh trong kịch “Sài Gòn”. Ảnh: festival-avignon

Caroline cho biết cô không viết một kịch bản cố định, mà chỉ đưa ra quan niệm và cái sườn, phần còn lại các diễn viên cùng tập, cùng mở đường dây và ứng tác ngay trên sân khấu. Khi nào mọi người cảm thấy hợp lý, chân thật thì kịch bản mới được chốt để diễn. Ví dụ khán giả xem cặp Trần Nghĩa Ánh (đóng vai Marie-Antoinette) và Trần Nghĩa Hiệp (đóng vai Hào) trên sân khấu, thấy họ quá đời thường, quá nhuần nhuyễn là vì ngoài đời họ cũng mở một nhà hàng Việt Nam ở quận 13, Paris, nên quen nghề bếp, chứ không phải là diễn viên bài bản. Họ chính là họ mà không cần phải diễn, đời và sân khấu là một.

Chính vì sự hòa trộn như vậy nên qua khung cảnh hai nhà hàng của bà Marie-Antoinette ở Sài Gòn và Paris, nơi khách khứa ăn uống, ca hát, yêu đương, thất tình… người xem lại nhận ra một sử thi đời thường, xuyên suốt cả nửa thế kỷ. Lâu nay chúng ta quen nghĩ về lịch sử hoặc sử thi như những điều gì đó to tát, chứ thực ra điều gì mà không phải là lịch sử. Phía sau những câu chuyện đời thường của Linh, Edouard, Hào, Mai, Cécile, Antoine... là cả một thời cuộc, vừa phức tạp vừa giản dị, vừa bi quan vừa đáng sống…

Chú thích ảnh

Nữ đạo diễn “bất thường”

Caroline sinh năm 1981 tại Nice, theo học chuyên ngành xã hội học trước khi rẽ ngang vào sân khấu vào năm 2006, học đạo diễn tại Trường Sân khấu quốc gia Strasbourg.

Cô chia sẻ trên một tờ báo của Pháp: “Tôi không có hành trang văn hóa. Cha mẹ có đưa tôi đến Paris hai lần trong đời để xem các vở kịch bình dân như Anh em sinh đôi của Jean Lefebvre. Thật vui như một ngày hội! Tôi cũng chưa bao giờ xem các đạo diễn Luc Bondy hay Patrice Chéreau làm việc, nhưng vậy càng tốt. Thật tuyệt vời vì ở Pháp có các trường như Trường Sân khấu quốc gia Strasbourg, nơi mà kinh nghiệm văn hóa không phải là một tiêu chí đánh giá”.

Chú thích ảnh

Còn khi được hỏi liệu sân khấu có thể làm giảm nỗi đau, hố thẳm cách ngăn, sự kỳ thị, nghi kỵ không? Caroline Guiela Nguyễn nói: “Tôi không chắc điều đó. Nhưng tôi hy vọng rằng với vở kịch này, ít nhất, chúng tôi có thể giúp khán giả hiểu thêm về lịch sử và tạo sự đồng cảm. Sau khi xem vở diễn này, nếu bạn đi ăn tại một nhà hàng Việt Nam hoặc Thổ Nhĩ Kỳ..., có thể bạn sẽ muốn hỏi ai là người phụ nữ nấu súp cho bạn và cuộc đời cô ấy ra sao. Chỉ cần bạn cảm nhận cô ấy đang ở đấy, thế là đủ rồi”.

Hai gợi tưởng từ “Sài Gòn”

Chắc rất khó để kịch nói Sài Gòn chạm đến thành công của vở nhạc kịch Miss Saigon (đạo diễn: Claude-Michel Schönberg và Alain Boublil, lời của Richard Maltby) với hơn 8.000 suất diễn tại Anh và Mỹ, kéo dài hơn 10 năm. Nhưng cái không khí và hiệu ứng khán giả mà Sài Gòn đã tạo ra tại Paris, Lyon, Berlin, Amsterdam, Bắc Kinh, Thượng Hải, Stockholm… cho giới quan sát niềm tin vào hiệu ứng lâu bền, giống như Miss Saigon đã có được.

Sau 2 suất diễn tại TP.HCM, vở sẽ đến Rome, Vilnius và nhiều thành phố khác. Về mặt cảm xúc, Sài Gòn gợi tưởng về phim Tâm trạng khi yêu (năm 2000) của Vương Gia Vệ, được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh châu Á mọi thời đại.

Văn Bảy

Nhìn lại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Tiếc cho 'Bạc' già, buồn vì 'Bạc' non

Nhìn lại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Tiếc cho 'Bạc' già, buồn vì 'Bạc' non

Nhìn về tổng thể, có thể nói Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 đã tương đối thành công và chuyên nghiệp. Đây xứng đáng là cơ sở cho Ban tổ chức căn cứ vào đó để làm tốt hơn cho những lần tiếp theo. Tuy nhiên, sự kiện nào cũng có những giá như và tiếc nuối, lần này đến từ hai Huy chương Bạc (HCB).

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm