Chơi tranh - đẳng cấp ở đâu?

19/06/2013 14:02 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Một vài khảo sát hẹp ở phương Tây cho thấy rằng số người có quan tâm thực sự đến việc chơi tranh chỉ vào khoảng 1% dân số. Trong 1% này, phần nhiều sẽ đứng về phía trang trí nghệ thuật (fine art décor) và phần rất ít đứng về sưu tập nghệ thuật (fine art collection).

Chính thực tế này cũng phân định đẳng cấp của người chơi tranh, từ nhu cầu cho đến thẩm mỹ. Việt Nam tuy chưa đến mức rập khuôn và chi li điều này, nhưng về nguyên tắc, thì cũng như vậy.

1.Không riêng gì các nhà sưu tập, mà ngay từ các họa sĩ, việc sáng tạo phần nhiều cũng phát xuất từ đáp ứng thị hiếu của người mua tranh, tức phần lớn là ở nhu cầu trang trí. Ở đây chúng ta đang nói đến loại tác phẩm trang trí có ký tên và nguồn gốc tác giả rõ ràng, chứ không phải loại tranh chép, tranh nhái, tranh bờ hồ... như thường thấy. Tranh trang trí bình thường phải đáp ứng mấy nhu cầu cơ bản: Thứ nhất, phù hợp với nhiều không gian nội thất, nhiều đối tượng người xem khác nhau; thứ hai, họa sĩ không được “quá cực đoan” trong sáng tạo của mình.

Các nhà đấu giá lớn trên thế giới và địa phương cũng bán phần nhiều là tranh trang trí. Các giao dịch này giúp họ bám trụ được với thị trường, bởi tranh sưu tập nghệ thuật luôn kén chọn người xem và có giá bán cũng ở mức cao... Thông thường, công thức tính cho mỗi phiên đấunày là 80% tác phẩm trang trí nghệ thuật, phần còn lại là sưu tập nghệ thuật.

Tác phẩm Hoài cố hương (60,5 x 46cm, lụa, 1938) của danh họa Lê Phổ (1907-2001) từng được bán với giá hơn 303.000 USD tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Singapore năm 2006.

Câu hỏi được đặt ra ở đây: Những người sưu tập trang trí nghệ thuật có phải là nhà sưu tập không? Đương nhiên, họ chính là nhà sưu tập, thậm chí rất quan trọng và có thế lực trên thị trường, vì có ảnh hưởng rất nhiều đến việc sống còn của nhiều họa sĩ.

Để phân biệt trang trí nghệ thuật với sưu tập nghệ thuật là công việc vô cùng nhiêu khê, vì đa phần vẫn nghĩ đơn giản rằng tranh nguyên bản là nghệ thuật, tranh phiên bản là trang trí. Giới sành điệu hơn thì nói rằng tranh mà họa sĩ vẽ cho họ là nghệ thuật, còn vẽ chiều lòng người xem là trang trí. Còn làm sao để biết họa sĩ có vẽ cho họ hay không thì phải cần quá trình tìm hiểu và kinh nghiệm xem tranh lâu dài.

Ví dụ: Đa phần tranh của một danh họa nào đó đều có giá bán cao, tạm gọi ở mức B, chỉ có một số ít bán ở mức cao hơn rất nhiều lần, tạm gọi mức A - thì mức này mới được gọi là sưu tập nghệ thuật, bởi ở đây chủ yếu là những tác phẩm độc đáo.

Thế nhưng, nếu muốn nói đến đẳng cấp cao của người chơi, nghĩa là chỉ đề cập những cái gì độc đáo, khó lặp lại và mang nặng dấu ấn cá nhân, thì chỉ các bộ sưu tập nghệ thuật mới cho thấy rõ điều này, vì ở đó thể hiện được sự cực đoan trong phong cách sáng tạo của họa sĩ và cả người sưu tập.

2. Cũng giống như một vài nền mỹ thuật đang manh nha phát triển, Việt Nam có điều đáng buồn là chưa hình thành được thị trường nội địa thực thụ, nên phần lớn vẫn phụ thuộc vào quốc tế, trong đó có cả việc mua bán tác phẩm và định hình phong cách. Sau khi giới mua tranh quốc tế truy lùng tác phẩm của các họa sĩ thời kỳ đầu, mà đến nay, họ chuyển sang “đặt bẫy” các họa sĩ đương thời. Tâm lý, muốn bán được nhiều thì họa sĩ phải vẽ “đón gió”, nên ít khi có dịp vẽ cho mình. Chính cách vẽ này đã làm hài lòng những nhà kinh doanh tranh trang trí nghệ thuật thức thời, vì họ luôn có được những tác phẩm hương xa, nhưng lại gần thị hiếu người mua, từ Việt Nam. Nhưng sẽ giết chết cá tính và nét riêng biệt của một nền hội họa, vì lối đi đúng phải là kỹ thuật quốc tế mà kể chuyện địa phương, đằng này là kỹ thuật địa phương lại kể chuyện quốc tế (ví dụ tranh sơn mài, tranh lụa…), hoặc kỹ thuật quốc tế kể chuyện quốc tế (như sơn dầu, điêu khắc...).

Nếu tính từ khi Trường Trung học Trang trí - Mỹ thuật Gia Định (tức Đại học Mỹ thuật TP.HCM hiện nay) ra đời năm 1903, 110 năm nền hội họa hiện đại với nhiều thăng trầm và nhiều thập niên bị cô lập, thế nhưng phần nhiều tác phẩm đẹp lại ở nước ngoài thì đủ thấy đẳng cấp của người chơi tranh nội địa là như thế nào. Đành rằng việc bán tranh ra nước ngoài cũng có cái lợi, nó đem thu nhập về cho các họa sĩ và quảng bá hình ảnh của mỹ thuật Việt Nam ra quốc tế. Chỉ có điều, trên cái nền thưa thớt và èo uột của những tác phẩm còn sót lại, chắc chắn chúng ta khó vẽ nên diện mạo của người chơi tranh trong nước, nên nói đến đẳng cấp còn quá sớm. Mà nói đến lịch sử mỹ thuật hiện đại, thì càng mơ hồ và khó khăn gấp bội.

Tác phẩm Giờ thứ 25 (190x480cm, sơn dầu, 2009) tiêu biểu cho phong cách “nguệch họa” của Lê Kinh Tài (1967, Đà Nẵng), một họa sĩ có tranh bán chạy và đắt giá bậc nhất của Việt Nam hiện nay.

Nhìn lại 4-5 thế hệ được gọi là nhà sưu tập ở Việt Nam, hình như chỉ có vài vị thời kỳ đầu chơi tranh vì đam mê và chọn lựa riêng. Phần đông các thế hệ sau chỉ dừng lại ở mức môi giới (art dealer) hoặc trung chuyển nghệ thuật, nghĩa là mua để bán ra nước ngoài kiếm lời, chẳng khác gì các gallery kinh doanh đơn thuần. Thậm chí vài vị còn sống yên ổn nhờ trưng bày tranh thật mà bán tranh giả, tranh chép, tranh nhái... Ngay cả giới sưu tập chuyên nghiệp còn như vậy, người chơi tranh bình thường thì làm sao nói đến đẳng cấp cho được.

Hơn nữa, tâm lý của việc chơi tranh cũng thường tuần tự theo các mức độ: ban đầu chơi tranh thứ cấp, thường là những tác phẩm chép lại các tác giả kinh điển, nổi tiếng hoặc các tranh phong cảnh, chân dung dễ nhìn. Tiếp đến là mua theo xu thế, thiên hạ lùng tác giả hay trường phái nào thì mình lùng cái đó, nhiều khi không thích cũng phải mua cho “có bạn có bè”. Cuối cùng là chơi theo sở thích riêng, nghĩa là đứng ngoài trường phái, xu thế và xu hướng, chỉ bản thân thích mới mua. Cách mua này luôn biến người chơi thành nhà sưu tập thực thụ, nghĩa là có đẳng cấp, bởi ít khi nào đã thích mà chỉ mua một vài bức.

Và cách này cũng có thể biến những bộ sưu tập bình thường thành có giá trị nghiên cứu và lịch sử, vì qua thời gian, người mua đó cứ bổ khuyết những tác phẩm và tác giả còn thiếu, khi tạm đầy đủ, đây sẽ là một câu chuyện có diện mạo khó lặp lại. Mà trong chơi tranh hay sưu tập nghệ thuật, khó lặp lại đã là đẳng cấp.

3.Sau nhà lầu, xe hơi, phi thuyền... thì đến sưu tập nghệ thuật, đây là chu trình được nhìn thấy ở người dân tại nhiều nước phát triển, nơi đã hình thành tầng lớp trung lưu và quý tộc.

Thời trước, nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng gần như là sản phẩm độc quyền của cung đình, nhà thờ và giới quý tộc. Ngày nay, cơ hội đó đã được san sẻ cho nhiều giới, nên người bình thường vẫn có thể sở hữu một tác phẩm nghệ thuật dễ dàng. Ví dụ như khi khánh thành nhà mới, ra phố chép tranh mua một bức nhìn được được về treo, giá của nó có khi còn đắt hơn đến xưởng của một họa sĩ trẻ nào đó. Mua tranh của chính danh họa sĩ, dù là trang trí nghệ thuật, thì qua thời gian, giá trị của nó vẫn được bảo lưu, còn mua tranh chép, qua thời gian, đó chỉ còn là bức tranh cũ, chỉ đáng vứt đi.

Trước 1975 tại Sài Gòn, gần như chỉ có nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng là mua tranh thường xuyên, tuyệt đại đa số nghệ sĩ còn lại, nếu có tranh là do người khác tặng. Khoảng 5 năm gần đây, giới doanh nhân và nghệ sĩ tại TP.HCM đã bắt đầu chú ý nhiều đến thú chơi và cũng là mảng kinh doanh triển vọng này. Trong các phiên đấu giá ở khu vực hoặc tại Hong Kong chẳng hạn, nhiều doanh nhân và nghệ sĩ Việt đã có mặt, vài người đã bỏ ra hàng chục, hàng trăm ngàn USD để mua một hai tác phẩm của danh họa Việt Nam

3 lời khuyên cho người "tập" chơi tranh

Một lời khuyên đúng hướng cho những ai chỉ muốn mua một vài tác phẩm trang trí hoặc nghệ thuật đẳng cấp mà không có tham vọng trở thành nhà sưu tập. Đầu tiên, phải xuất phát từ cảm xúc cá nhân, phải thật sự thấy thích thì mới mua, đừng chạy theo xu thế bên ngoài. Thứ hai, phải xác định cho được tác phẩm đó thuộc thời kỳ nào của họa sĩ, có giấy cam kết tranh nguyên bản của tác giả hay người bán hay không. Thứ ba, phải tiến hành mua bảo hiểm hay lấy chứng nhận của các tổ chức chuyên nghiệp cho tác phẩm đó, nếu được.

Làm tất cả điều này thì trong tương lai, khi Việt Nam có ủy ban thẩm định giá tranh, có nhà đấu giá và các công ty bảo hiểm, ủy thác tài chính từ ngân hàng… chắc chắn các tác phẩm đó sẽ trở thành tài sản mặc định, có thể chuyển nhượng và mua bán dễ dàng.

Mà nếu chỉ mua vì sở thích, chẳng muốn giao dịch về sau, thì tất cả các bước vừa nêu cũng sẽ giúp cho chủ nhân hiểu nhiều hơn về lịch sử một tác phẩm. Chính các thông tin và hiểu biết này làm nên các giá trị đầu tiên của người chơi tranh có đẳng cấp.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm