Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người suốt đời nêu gương phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
(lienminhbng.org) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực của đạo đức, suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người suốt đời nêu gương phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc" của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lý Việt Quang, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Sinh thời, Người luôn luôn chú trọng giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của người cách mạng là trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân. Với phương châm hết sức sâu sắc: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, Người suốt đời nêu gương phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của dân tộc; là tấm gương mẫu mực của đạo đức suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chứng kiến cuộc sống đau khổ, cùng cực của biết bao người dân dưới sự thống trị của chế độ thực dân tàn bạo, phản động. Được hun đúc, kế thừa chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc, truyền thống tốt đẹp của quê hương và gia đình, Người đã sớm hình thành khát vọng đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, cứu nước, cứu dân thoát khỏi vòng tăm tối của chế độ thuộc địa. Đó chính là động lực vô cùng mạnh mẽ thúc đẩy Người quyết định từ bỏ con đường “vinh thân phì gia”, mưu cầu lợi ích cho cá nhân đang rộng mở, vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy, đi tìm một con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, để tìm lại hình của đất nước và làm hồi sinh dân tộc.
Khởi đầu của hành trình tìm đường cứu nước, Người chưa thể định hình rõ con đường đi của dân tộc, nhưng Người chắc chắn xác định được tiêu chí của con đường đó là phải giải phóng được dân tộc, phải mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho tất cả người dân. Chính với tiêu chí như vậy, Người không chọn cứu nước theo những con đường “cách mạng không đến nơi”, cách mạng giành được thắng lợi nhưng quyền hành và lợi ích lại chỉ nằm trong tay một thiểu số người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra và lựa chọn con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn liền với sự nghiệp giải phóng triệt để con người. Đó không chỉ là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, mà còn phù hợp với xu thế phát triển ngày càng tiến bộ của nhân loại. Đó cũng chính là mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện - người lãnh đạo con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp đó.
Những năm tháng hoạt động bí mật, từng bị bắt giam trong chốn lao tù của thực dân Anh và quân đội Tưởng Giới Thạch, bị hành hạ, đày ải tàn bạo và đối mặt với âm mưu lung lạc, mua chuộc của kẻ thù, thậm chí bị kết án tử hình vắng mặt, nhưng Người vẫn giữ vững tấm lòng kiên trung, vẫn vững vàng niềm tin tất thắng với sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc, của Đảng và dân tộc. Vượt qua sự lùng bắt ráo riết của kẻ thù và bao khó khăn, gian khổ của hoàn cảnh hoạt động bí mật, Người trực tiếp tuyên truyền, giáo dục và tổ chức sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Những bài báo, tác phẩm của Người và đặc biệt là các cán bộ cách mạng - những “hạt giống đỏ” từ những lớp huấn luyện do Người tổ chức và trực tiếp giảng dạy - đã học tập theo tấm gương của Người, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.
Trước ảnh hưởng của tư tưởng còn có lúc “tả khuynh” trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chưa sát hợp với thực tiễn các nước thuộc địa phương Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự vận dụng, bổ sung và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó vừa là sự thể hiện tư duy lỗi lạc, vượt trước thời gian của Người, vừa là kết quả của phương châm đặt lợi ích chân chính của Tổ quốc, của Đảng, của dân tộc lên trên hết và trước hết, nêu cao bản lĩnh cách mạng và tinh thần trách nhiệm trước sự phát triển chung của phong trào cách mạng.
Những ngày chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của dân tộc, dù bị ốm nặng, Người vẫn suy nghĩ, trăn trở về tương lai cách mạng và khẳng định quyết tâm: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trên cương vị người đứng đầu Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn dân bắt tay xây dựng xã hội mới, Hồ Chí Minh nêu rõ tiêu chí của nước độc lập là tự do, hạnh phúc của nhân dân, bởi “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” và “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì”. Người chú trọng nhắc nhở những người cán bộ, đảng viên được giao nắm giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền phải ghi nhớ quyền hành và lực lượng là ở nơi nhân dân; Chính phủ là công bộc của nhân dân; phải trung thành, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết và trước hết; phải gắn bó mật thiết với nhân dân và chăm lo, phụng sự cho lợi ích của nhân dân, coi lợi ích chính đáng của nhân dân chính là tiêu chuẩn của chân lý; đồng thời phải hết sức phòng tránh bị suy thoái trong điều kiện Đảng cầm quyền, không bị trở thành những vị “quan cách mạng” đặc quyền, đặc lợi. Được tôn vinh là người “công dân số một” của chính thể dân chủ mới, vị lãnh tụ của Đảng và dân tộc, nhưng trên cương vị đỉnh cao quyền lực như vậy, Người vẫn giữ nếp sống thanh bạch, giản dị, gần gũi với thiên nhiên, vẫn thể hiện nhất quán sự khiêm tốn trước nhân dân, tin yêu nhân dân, tôn trọng và gắn bó mật thiết với nhân dân. Người khẳng định tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào; cương vị Chủ tịch nước của Người là việc phải gánh, phải gắng sức làm, là tuân theo sự ủy thác của đồng bào, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra mặt trận. Người bộc bạch chân thành trước quốc dân đồng bào: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. ... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”.
Để khắc phục ảnh hưởng nghiêm trọng của nạn đói năm Ất Dậu 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương một trong những biện pháp cấp bách là vận động đồng bào sẻ cơm nhường áo, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong đồng bào toàn quốc thực hiện 10 ngày nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn ăn 3 bữa để xây dựng những hũ gạo cứu đói, cứu trợ những đồng bào nghèo đang lúc giáp hạt. Là Chủ tịch nước, song Người vẫn thực hành nêu gương nhịn ăn. Có lần vào bữa nhịn ăn theo kế hoạch, Người lại được mời dự chiêu đãi ngoại giao. Hôm sau, Người nhịn ăn bù lại.
Hơn 20 năm trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước, lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, xây dựng đời sống mới, Hồ Chí Minh luôn thực hiện đặt việc công, việc chung lên trên hết (dĩ công vi thượng), lấy mong muốn, nguyện vọng của nhân dân làm mong muốn, nguyện vọng của mình (Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm). Người luôn trăn trở làm sao để nước nhà được hoàn toàn độc lập, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà; tất cả mọi người dân đều có cuộc sống ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc; làm sao để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đạo đức, là văn minh, phòng chống hữu hiệu nguy cơ suy thoái của một đảng cầm quyền; Nhà nước thực sự là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, ... Người không giành cho mình những đặc quyền, đặc lợi và từ chối nhận những danh hiệu cao quý khi công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà còn chưa hoàn thành. Chưa đầy hai tháng trước khi qua đời, trong buổi tiếp và trả lời phỏng vấn nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên báo Granma (Cuba), Người nói: “Tôi yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như yêu đồng bào ở miền Nam. Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
Trong bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “để lại mấy lời”, nhưng không phải để nói về cá nhân theo như lẽ thông thường của con người, mà trước hết chính là để “đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. Đó là những trăn trở, lo nghĩ cho đất nước, Đảng, dân tộc, cho những người đang sống và các thế hệ tương lai. “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”, tất cả là vì dân tộc, vì nhân dân, vì Đảng, không có một chút gì của riêng Người. Người chính là hiện thân trọn vẹn nhất, mẫu mực nhất hình ảnh của một người cách mạng suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất