14/01/2021 19:20 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Khoảng 170 hiện vật sẽ được PI Auction House đưa lên sàn đấu giá vào ngày 16/1, được tổ chức cùng lúc tại Hà Nội và TP.HCM, với tên gọi Arts du Asian - PI03. Đấu giá nghệ thuật là một lĩnh vực còn khá mới tại Việt Nam, nên hẳn nhiên còn nhiều lấn cấn, thị phi.
Sau các phiên chủ yếu đấu các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, đa số là tranh, phiên Arts du Asian - PI03 này giới thiệu thêm những hiện vật sưu tập, cổ vật giá trị văn hóa, kỹ nghệ được làm từ nhiều loại chất liệu như gỗ, đồng, gốm, sứ… Giám đốc điều hành PI Auction House Nguyễn Đô Sơn trao đổi với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Sau 3 phiên đấu giá, thuận lợi và khó khăn của PI là gì?
- Chúng tôi luôn nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ thị trường cũng như những lời động viên, ủng hộ và đóng góp ý kiến chân thành từ những anh em làm chuyên môn. Đó là thuận lợi và động lực để PI cố gắng phát triển.
Khởi nghiệp trong một lĩnh vực khá gai góc và còn rất mới mẻ ở Việt Nam, con đường suốt 3 năm qua mà chúng tôi đi không hề bằng phẳng. Tuy nhiên toàn bộ anh em PI luôn tâm niệm rằng chỉ cần thực sự say mê và hết mình cố gắng thì những thử thách rồi cũng sẽ vượt qua. Với chúng tôi: Không có khái niệm về những khó khăn, mà chỉ có những thử thách trước mắt buộc sẽ phải chinh phục thành công.
* Việc kiểm định hiện vật trước khi cho lên sàn đấu giá sẽ phải trải qua các bước như thế nào?
- Trên thế giới, mỗi nhà đấu giá thường chuyên về một nhóm chủng loại hiện vật. Họ luôn có cho mình những chuyên gia tương ứng cùng với quy trình tuyển chọn hiện vật. Những điều này luôn là bí mật kinh doanh riêng của mỗi đơn vị. Nhưng tại Việt Nam chưa có nhiều các nhà đấu giá nghệ thuật được tổ chức hoạt động chuyên nghiệp. Quy trình kiểm định một tác phẩm hội họa trước khi đưa ra đấu giá vẫn chưa có một quy chuẩn ngành nào được phổ biến và thực hiện.
Riêng với PI Auction House, ngay từ những ngày đầu chúng tôi đã ý thức và hoàn thiện cho mình một bộ quy trình với các tiêu chí và thang điểm đánh giá rõ ràng trong việc này. Tuy là bí mật kinh doanh nhưng chúng tôi sẵn sàng chia sẻ ở đây những đầu mục chính được thực hiện với một tác phẩm hội họa trước khi đưa ra một phiên đấu. Đó là: 1) Thẩm định giá, ước định giá trị thương mại của hiện vật xem có phù hợp hay không?; 2) Thẩm định tác phẩm; 3) Trưng bày công khai, lắng nghe ý kiến từ các nhà chuyên môn và cộng đồng.
Ở nước ta, mọi người thường chỉ quan tâm đến vấn đề thật/ giả của tác phẩm, trong đó ý kiến từ phía thân nhân tác giả luôn được coi là có tính quyết định. Đứng từ góc độ làm chuyên môn, PI xin chia sẻ rằng ý kiến của người đại diện quyền nhân thân cho tác giả hay ý kiến của các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật cũng chỉ là một tiêu chí để xác định trong quy trình thẩm định tác phẩm.
Tôi có thể khái quát ở đây một số bước trong quy trình thẩm định một tác phẩm hội hoạ: 1) Phân tích trực quan: Đánh giá dựa trên bộ tiêu bản, logic về chất liệu, vật liệu cấu thành…; 2) Thẩm định nguồn gốc xuất xứ tác phẩm; 3) Thẩm định dựa trên hiểu biết về phong cách và thói quen tác giả; 4) Nghe ý kiến của tổ tư vấn và tham khảo ý kiến thân nhân, người đại diện quyền tác giả, những người có hiểu biết về tác giả…; 5) Phân tích nghiệp vụ tác phẩm bằng các thiết bị khoa học công nghệ: Sử dụng ảnh chụp dưới tia cực tím (UV), tiêu bản dưới kính hiển vi phóng đại, ảnh chụp X-quang, phương pháp quang phổ…
* Trong quá trình thực hiện các phiên đấu giá, bên anh có bao giờ nhận được phản hồi về mạo danh tranh hoặc hiện vật không? Các bước xử lý sẽ như thế nào?
- Trải qua 3 năm hoạt động với khoảng hơn 2.000 hiện vật được giới thiệu trong các phiên đấu giá, chúng tôi tự hào rằng chưa có bất kỳ một tác phẩm hội họa nào sau khi đấu giá mà vướng phải những ý kiến trái chiều từ khách hàng, những người yêu nghệ thuật và cộng động chuyên gia trong giới.
Suốt quá trình tổ chức các phiên đấu giá PI Auction House có nhận được dưới 10 trường hợp có ý kiến phản hồi về tranh chuẩn bị đưa vào phiên đấu giá. Về cơ bản PI Auction House sẽ xử lý bằng quy trình như sau: 1) Lắng nghe các phân tích, đánh giá và thông tin từ các ý kiến phản biện; 2) Độc lập thực hiện lại toàn bộ quy trình thẩm định tác phẩm; 3) Nâng thêm 10% về yêu cầu điểm số trong thang thước đo đánh giá; 3) Đưa ra quyết định về việc hiện vật có đưa tham gia phiên đấu giá hay không. Minh bạch thông tin và công khai trả lời các chất vấn từ những bên có liên quan; 4) Chịu trách nhiệm, khắc phục hậu quả đối với quyền lợi các bên liên quan nếu có.
* Khái niệm phiên đấu chuẩn quốc tế mà PI đưa ra nên được hiểu thế nào?
- Đó là những thiết lập tiêu chuẩn chung do một tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hoặc tổ chức quốc tế có hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn đã công bố. Đôi khi với một số ngành nghề, nó chỉ là những quy chuẩn căn bản ngành mà thông lệ các tổ chức trong ngành đó tôn trọng thực hiện. Việc hiểu chính xác và áp dụng các quy chuẩn quốc tế sẽ giúp sản phẩm có khả năng tương thích được mở rộng sang các cộng đồng, quốc gia khác mà vẫn đảm bảo được các quy định kỹ thuật cơ bản.
* Từ kinh nghiệm đã có của PI, anh đánh giá thế nào về tương lai, cơ hội của thị trường mỹ thuật Việt Nam ở khía cạnh đấu giá, thương mại?
- Ở góc độ thương mại nói chung và đấu giá nói riêng thì thị trường mỹ thuật Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Chúng ta mới đang ở chân dốc của thị trường mỹ thuật, mới đang dần hình thành thị trường thứ cấp, trong tương lai sẽ có rất nhiều những cơ hội lớn mở ra, những nhân tố giúp cho thị trường phát triển bùng nổ sẽ dần xuất hiện. Vậy nên để có thể nắm bắt những cơ hội thì trong giai đoạn sắp tới chúng ta cần nỗ lực hơn nữa nhằm xây dựng một thị trường mỹ thuật Việt Nam phát triển bền vững.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất