Khác với áo “tân thời”, áo ngũ thân (nữ) truyền thống tồn tại từ hàng trăm năm qua có đặc điểm là: ngũ thân (ngũ thể), lập lĩnh (cổ đứng, cao chừng 2cm), khuy cài (5 khuy giống áo ngũ thân nam nhưng nhỏ hơn), tay chẽn (ống tay bó, chẽn ở phần cổ tay) để khoe ra đôi bàn tay búp sen.

Cuộc đua áo dài đến di sản văn hóa phi vật thể thế giới (Kỳ 2): Đừng đánh đồng áo dài truyền thống với 'áo tân thời'

(lienminhbng.org) - Khác với áo “tân thời”, áo ngũ thân (nữ) truyền thống tồn tại từ hàng trăm năm qua có đặc điểm là: ngũ thân (ngũ thể), lập lĩnh (cổ đứng, cao chừng 2cm), khuy cài (5 khuy giống áo ngũ thân nam nhưng nhỏ hơn), tay chẽn (ống tay bó, chẽn ở phần cổ tay) để khoe ra đôi bàn tay búp sen. Cũng có một cách gọi tên khác là “quần chân, áo chít”, được hiểu là quần ống sớ (hai ống rộng, từ 35 – 40cm), áo chẽn tay.

=>>> Cuộc đua áo dài đến di sản văn hóa phi vật thể thế giới Kỳ 1 xem TẠI ĐÂY

Vào thời Lê (hậu) - Trịnh, xã hội Đàng Ngoài thịnh hành loại áo tứ thân dùng cho nữ, áo giao lĩnh (đối lĩnh) dùng cho nam và áo tấc.

Với áo tứ thân của người phụ nữ, hai vạt trước để buông thõng hoặc được thắt nút ở trước rốn cho đỡ lòe xòe, khoe chiếc yếm màu mỡ gà hoặc màu trắng bên trong, không có chiếc khuy cài nào ở vạt cả (hai thân áo trước). Áo giao lĩnh, có cổ cắt vạt chéo sang bên phải, được thắt lại bởi hai sợi dây, một đầu được đính chặt ở đường chéo của thân áo trước, một đầu được đính ở phần lườn phải dưới nách, giữ cho áo bó lại, ôm lấy cơ thể người mặc. Áo tấc là lễ phục bàn lĩnh (viên lĩnh) phổ thông nhất ngày xưa của người Việt, cả ở trong cung lẫn ngoài phố, là bàn lĩnh có cổ đứng, gọi là áo rộng. Áo cũng cắt rộng, xẻ bên, với tay thụng dài bằng gấu, cài khuy phải như áo dài. Áo rộng đi đôi với khăn vấn cho cả nam lẫn nữ, và sau này là khăn xếp cho đàn ông. Áo này rất thông dụng, được mặc trong các lễ yết miếu, từ đường, việc hỷ như cưới xin, cũng như các việc thăm viếng quan trọng.

Chú thích ảnh
Bức ảnh chụp vợ chồng Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu đầu thế kỷ XX. Nguồn: Internet

Năm 1744, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát ra chỉ dụ thay đổi trang phục ở xứ Đàng Trong, tỏ rõ sự “ly khai” với vương quốc Đàng Ngoài, nội dung tạm dịch như sau: “Vào năm 1744, một đạo luật đã được ban hành và người dân Đàng Trong từ bỏ thứ y phục nhơ nhớp của Đàng Ngoài để mặc theo lối y phục mới…”. Lời nói này được dẫn từ cuốn tài liệu mang tên Relation historique de la Cochinchine cực kỳ quan trọng của Jean Koffler, một giáo sỹ Cơ đốc dòng Tên viết, người đã phục vụ ngay trong phủ chúa Nguyễn Phúc Khoát suốt 16 năm, từ 1739 đến 1755, tức là vào thời điểm Võ vương ban hành lệnh cải cách y phục. Sau này, các học giả hàng đầu của Việt Nam như Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương hay Nguyễn Văn Huyên trong Văn minh Việt Nam...đều mượn lời đề cập đến.

Trong lời văn của Jean Koffler có nhắc đến “từ bỏ thứ y phục nhơ nhớp của Đàng Ngoài”, ý nhằm đến chiếc áo tứ thân, váy đụp sắc nâu, chàm, đen mà người phụ nữ thường mặc (trong quá trình mở rộng cương thổ vào phía Nam, tính từ thời chúa Nguyễn Hoàng - 1558, người dân ngoài Bắc đã dần di dân vào Nam, mang theo loại áo tứ thân này) và áo cánh, quần lá tọa (là loại quần ống rộng và thẳng, đũng sâu, cạp quần (lưng quần) to bản mà người đàn ông thường mặc. Khi mặc, người đàn ông buộc dây thắt lưng ra ngoài, rồi thả phần cạp thừa phía trên rủ xuống lòe xòe ra ngoài thắt lưng. Quần chủ yếu có màu nâu, gụ, đen. Theo cảm thức chủ quan, đây là loại trang phục khá luộm thuộm, thùng thình và tùy tiện. Tiếp nữa, Giáo sỹ có nhắc đến “mặc y phục mới trang nhã theo lối người Trung Hoa”. Nghĩa là chúa Võ vương có tham vấn cuốn Tam tài đồ hội - một cuốn từ điển bách khoa thư của nhà Minh, lại dựa theo trang phục các đời trước (Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê) và học hỏi trang phục của người Chăm để chế ra bộ trang phục hợp với bối cảnh mới.Học giảNguyễn Đắc Xuân, nhà Huế học, trong cuốn 700 năm Thuận Hóa, Phú Xuân, Huế, Nxb Trẻ, năm 2009, trang 660 cũng có nhận xét tương tự: “Chúa (Nguyễn Phúc Khoát) dựa theo áo quần của người Trung Hoa và người Chăm chế ra chiếc áo dài và quần hai ống cho dân xứ Đang Trong. Lịch sử chiếc áo dài Việt Nam bắt đầu từ đó”.Việc tham vấn này là một lẽ thường tình của các nước đồng văn thời bấy giờ (Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam…).

Trong Phủ biên tạp lục (1964), NXB Khoa học, trang 368, nhà bác học Lê Quý Đôn chép: “Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xẻ mở. Duy đàn ông muốn mặc áo cổ tròn và hẹp tay cho tiện làm việc thì cũng được…”

Nếu đem so sánh với trang phục thời Lê - Trịnh trước đó như áo tứ thân, bộ áo ngũ thân ra đời rõ ràng là một cuộc cách mạng tiến bộ về trang phục. Nó đã khắc phục được sự “hở hang - khoe yếm” và dài lướt thướt của chiếc áo dài tứ thân dành cho phụ nữ. Với chiếc quần ống sớ (quần hai ống đứng có đáy) thay cho chiếc váy đụp lòe xòe, chạm gót và bất lợi khi đi làm đồng áng và đi làm hàng chợ (kinh doanh buôn bán).

Tinh tế với 5 chiếc khuy

Khác với áo tứ thân và áo giao lĩnh, áo ngũ thân dành cho cả đàn ông và đàn bà được thiết kế với 5 chiếc khuy. Nếu đem so sánh với thời trước đó, đây là một cuộc cách mạng về tạo hình chiếc áo với sự bài trí 5 chiếc khuy, được đính trên hai thân áo trước (vạt cả).

Một chiếc được đính (đơm) ở cổ, một chiếc ở khoảng giữa xương đòn gánh vai phải, 3 chiếc còn lại nằm cách đều ở lườn bên phải người mặc. Lối mặc áo ngũ thân cài khuy bắt đầu xuất hiện (theo sử liệu) dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), lúc triều đình bãi bỏ Bắc thành, bổ nhiệm chức tổng đốc cho tỉnh mới có tên là Hà Nội. Khuy cũng đóng một vai trò, được thay đổi và biến dạng dần theo kiểu của áo. Thường khuy áo phụ nữ nhỏ hơn khuy áo nam giới.Có câu ca dao rằng:“Trăm năm lòng gắn dạ ghi/Dù ai thay nút đổi khuy cũng đừng”.

Thời gian đầu trên áo ngũ thân, khuy được làm bằng vải tết (thắt) lại thành 6 hay 8 múi, hình tròn, to nhỏ tùy mỹ cảm và dùng chung cho cả nam và nữ, ước chừng từ 7 - 10mm. Vải bện khuy được làm từ vải may áo hay vải cùng màu với áo. Nút thắt bằng vải rất khó mở. Trong khi khuy bấm (nút bóp, khuy cài) rất dễ tuột do đó ta thấy áo dài ngày nay đơm khuy bấm phải dùng thêm vài cái khuy thép móc ở nơi eo khuy.

Khuy được đính (đơm) vào áo bằng chân khuy. Bộ khuy chia làm hai phần: Một phần có hạt khuy áo, phần kia là vòng nút để lồng (tròng) hạt khuy áo vào. Chân khuy của hai phần giống nhau từ kích thước đến hình dạng, được may lộn nhỏ như cây tăm, xếp nằm song song với nhau.

Ở thành thị, hạt khuy áo còn là những hạt thủy tinh tròn, màu giống như màu áohay những màu phổ biến như hổ phách, tráng vàng, tráng thủy để giống như những viên ngọc trai. Ở nông thôn, dù áo có khuy, các cô cũng cứ ấp tà áo vào ngực, rồi thắt lưng ra ngoài, chứ không gài (cài) khuy.

Thơ rằng: “Nút vàng tra áo cổ y

Chàng xa, thiếp cách, áo ni giữ hoài”.

Ngoài những chiếc khuy kể trên, những người thợ may còn nghĩ ra nhiều kiểu khuy, được làm từ những chất liệu khác nhau, như sừng, xương, đá quý, đồng, bạc, vàng… tùy theo gu (gout) thẩm mỹ và giàu nghèo trong xã hội.

Chú thích ảnh
Vợ chồng trẻ Uyên Minh - Thanh Luân mặc bộ trang phục áo ngũ thân. Nguồn: Tác giả cung cấp

Đến giai đoạn áo tân thời

Chúng ta vẫn còn đang loay hoay đi tìm cái đã có, bộ trang phục truyền thống đã từng tồn tại suốt mấy trăm năm và còn hiện hữu trong tâm khảm muôn dân yêu trang phục cổ truyền. Nếu chúng ta chỉ định tôn vinh áo dài nữ - và mặc định đó là bộ áo tân thời - thì chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chỉ bảo vệ được cái ngọn mà đáng lẽ phải đi truy tìm nguồn gốc hình thành và phát triển tới mức toàn thiện bộ trang phục áo ngũ thân suốt thời Nguyễn.

Còn nhớ, các họa sỹ Nguyễn Cát Tường, Lê Phổ, sử sách chỉ ghi nhận vào thời điểm những năm 30 của thế kỷ XX, một cuộc canh tân áo dài nữ từ 5 thân biến thành 3 thân, rồi 2 thân chiết eo, cổ thuyền, cổ tròn, cổ lá sen, nhún bèo hay khoét rộng để hở cổ, viền đăng ten,vai áo may bồng hoặc không có tay, lưng để hở đến eo….

Trong khi đó, áo ngũ thân(nam và nữ)truyền thống chứa đựng trong mình câu chuyện đạo lý nhân văn sâu sắc. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trong bài tham luận của mình đã chia sẻ: “Người Huế gọi áo năm thân là áo ngũ thân hay ngũ thể, với ý nghĩa tương truyền rằng năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: Bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu” (cha mẹ mình và cha mẹ người hôn phối), thân trong tượng trưng cho người con. Áo dài có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân - nghĩa - lễ - trí - tín), ngũ luân (quân thần: vua - tôi, phụ tử: cha - con, phu phụ: chồng - vợ, huynh đệ: anh - em, bằng hữu: bạn bè). Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý” (trích trong tài liệu Hội thảo khoa học: Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam, Thừa Thiên Huế, ngày 08/07/2020, tr. 43).

Nhưng ở phương diện tạo hình và kỹ thuật khâu may, tấm thân (vạt) con nằm bên trong tấm vạt cả (hai thân áo trước nối sống với nhau bằng một đường ghép viền theo trục tung từ cổ xuống tận gấu áo) phía phải người mặc, liền vải với 1 tấm vải (vạt) sau, vai liền, suôn, ôm sát vào vai tạo thành một sự cân xứng đăng đối với 2 thân áo bên trái. Khi cài xong 5 khuy, người mặc áo khéo tôn lên nét đẹp nền nã ẩn tàng bên trong, đoan trang, không khơi gợi sự quyến rũ đối với đối phương.

Các nhà thiết kế thời trang áo dài nữ thế kỷ XX có lẽ đã không hiểu về biểu tượng triết lý của thân con thứ 5, cũng như không nắm rõ công năng sử dụng của nó vừa là tạo ra sự cân xứng, vừa là để che đôi bàn chân khi người phụ nữ ngồi trên chiếu hoặc trên ghế (thể hiện nét ý nhị, kín đáo của người phụ nữ Việt truyền thống) nên ban đầu cắt bớt thân thứ 5, chỉ giữ lại từ phần cài khuy trở lên, sau dần dần ráp vai, may theo kiểu raglan những năm 60 mà áo dài của bà Nhu - Trần Lệ Xuân là một điển hình đã biến bộ trang phục áo ngũ thân truyền thống thành 2 thân và đương nhiên tòa thiên nhiên tú lệ của người phụ nữ được bao bọc bởi hai tấm vải đã tạo dịp cho phe khác giới tha hồ tưởng tượng. Thêm nữa, các nhà thiết kế thời trang hiện nay lại còn đi xa hơn bằng những mẫu áo dài quá gót, thêu thùa long, ly, quy, phượng, vành khăn quấn mỗi ngày một dày, màu sắc lòe loẹt, rồi cắt ống tay đến khuỷu... nhìn đến rối con mắt.

Đành rằng, áo dài nữ 2 thân đã đi vào đời sống từ gần một thế kỷ qua và rất được ưa chuộng trong đời sống hiện đại, trở thành hình mẫu của áo dài nữ Việt Nam, nhưng khi nghiên cứu nguồn gốc, lịch sử, giá trị của áo dài nữ, ta không thể bỏ qua chiếc áo ngũ thân nữ thời Nguyễn.

Tóm lại, với mong muốn bộ trang phục “áo dài” trở thành di sản văn hóa phi vật thể, yếu tố lịch sử truyền thống, giá trị thẩm mỹ, giá trị biểu tượng, triết lý, tri thức dân gian kết tinh trong bộ y phục, tính đại chúng cho cả hai giới nam và nữ phải được đồng thời xem xét, hồ chăng bộ hồ sơ mới đủ sức nặng thuyết phục.

(Còn nữa)

Đinh Hồng Cường