06/12/2019 09:35 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Kết thúc nhiệm kỳ đại sứ Pháp tại Việt Nam (2012 - 2016), ông Jean Noel Poirier, hay thường được gọi với cái tên thuần Việt là Lê Giáng Sinh, tập trung dành tâm huyết cho các dự án xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Hà Nội, cùng với đó là ấp ủ những dự án phim về Hà Nội.
Trước đó, sau 4 năm ròng, ông cùng anh trai - đạo diễn Louis Marcel Poirier thực hiện bộ phim Hà Nội của tôi (Mon Hanoi) ra mắt khán giả Việt Nam nhân dịp giải phóng Thủ đô tháng 10/2017.
Hà Nội của tôi cũng là tác phẩm duy nhất của người nước ngoài được trao giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” của Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) năm 2018 ở hạng mục Tác phẩm.
Ở mùa trao giải ấy, Jean Noel Poirier đang bận nhiều công việc ở quê hương (Pháp) nên không thể đến dự lễ trao giải. Dẫu vậy, sau khi nhận được tin từ BTC về việc tác phẩm đầu tay của ông và anh trai được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái, ông đã tự quay một video gửi phát tại lễ trao giải.
Trong video này, ngoài bày tỏ sự xúc động về giải thưởng, Jean Noel Poirier cũng nói khá nhiều về Hà Nội - nơi luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt trong trái tim ông. Và còn nhớ, cuối video, Jean Noel Poirier tiết lộ về việc sẽ cùng với anh trai của mình làm tiếp một bộ phim thứ hai về Hà Nội và hy vọng, người xem sẽ thấy thú vị, yêu mến Hà Nội hơn, như ông đã và đang dành tình yêu cho mảnh đất này.
Trong lần gặp lại phóng viên Thể thao & Văn hóa trong một sự kiện ra mắt sách tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), ngài cựu đại sứ vẫn nhắc lại lời hứa của mình về việc tiếp tục làm phim về Hà Nội. Ngoài ra, ông còn ấp ủ làm một bộ phim tài liệu về Việt Nam với rất nhiều tư liệu quý.
* "Vì tình yêu Hà Nội" hay vì cái gì mà khiến ngài phải quay lại mảnh đất này?
- Không. Tôi không quay lại mà là tôi trở về nhà. Tôi có nhà và ở Hà Nội lâu rồi, anh không biết đấy thôi! (cười)
* Chắc hẳn Hà Nội phải có gì đó đặc biệt, khiến ngài yêu lắm thì mới bỏ Paris?
- Có rất nhiều lý do. Lý do quan trọng có thể nói tóm tắt là tôi ở Hà Nội nhưng luôn có cảm giác như là ở nhà. Hàng ngày tôi tiếp xúc với người Việt, thấy cuộc sống xung quanh giữa tôi và họ rất vui, rất dễ chịu và gần gũi như những người thân của tôi vậy. Ngoài ra, tôi cũng rất thích và muốn tìm hiểu, khám phá về văn hóa Việt nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng.
* Gia đình, người thân của phản ứng ra sao khi ngài quyết định sống tại Hà Nội?
- Vợ tôi hiện đang làm đại sứ tại Campuchia và không có vấn đề gì. Mẹ tôi thì đã già và bà cũng đang bệnh, sức khỏe không tốt.
Khi tôi nói chuyện với mẹ tôi, bà có hỏi lý do thì tôi chỉ nói con có nhiệm vụ đặc biệt phải quay lại đó (Việt Nam). Mẹ tôi không nói gì thêm.
* Ở Hà Nội, công việc chính của ngài bây giờ là gì?
- Tôi mở một công ty tư vấn cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam!
* Còn những dự định về phim ảnh như Ngài nói?
- Về nghệ thuật,tôi có sẽthực hiện một dự án phim tài liệu về lịch sử - xã hội Việt Nam thế kỷ 20, trong đó làm sống lại những thước phim của cố Tổng đốc Võ Chuẩn, với tên gọi Le Mandarin Dans l’Ombre (tạm dịch: Góc khuất của vị Tổng đốc).
Còn về phim chiếu rạp, tôi định phối hợp với một công ty sản xuất phim của Việt Nam làm một bộ phim về Hà Nội. Cụ thể hơn là phim về một gia đình Hà Nội gốc nhiều thế hệ, kể chuyện về gia đình ấy thông qua các giai đoạn lịch sử.
* Vai trò của ngài trong dự án phim chiếu rạp là gì?
- Tôi là người viết kịch bản và đạo diễn (cười).
* Khi nào thì công chúng sẽ được xem 2 bộ phim kể trên của ngài?
- (Cười). Chưa biết nữa. Hiện chúng tôi vẫn đang tìm nguồn tài trợ để đầu tư cho các dự án, đặc biệt là đầu tư về các vấn đề kỹ thuật của phim tài liệu.
* Ngài còn nhớ giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội không? Nếu được đưa ra một ý tưởng, việc làm để Hà Nội tốt đẹp hơn ngài có ý tưởng, việc làm gì?
- Đương nhiên tôi rất thích giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội mà tôi đã được nhận. Giải thưởng này rất hay và ý nghĩa, đặc biệt là với những người từ... xa đến Hà Nội như tôi.
Tôi nhận được cúp và bằng khen của BTC giải thưởng. Hai thứ này tôi đều giữ ở phòng làm việc của tôi. Bằng khen tôi treo trên tường trang trọng, còn chiếc cúp tôi để trên bàn. Thật vui khi hàng ngày tôi đều được nhìn thấy "thành tích vì tình yêu Hà Nội" của mình.
Hà Nội đang quá tải về giao thông, các nhà máy và đó chính là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Vì thế, vấn đề này đòi hỏi chính sách dài hạn để thay đổi và hoàn thiện.
Xin cảm ơn ngài về cuộc trò chuyện!
Vài nét về những thước phim tư liệu của Tổng đốc Võ Chuẩn Tổng thời lượng gồm 140 phút, quay bằng phim 8mmđược cụ Võ Chuẩn quay gần như với tư cách đạo diễn khi còn làm Tổng đốc ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Huế, dưới thời vua Bảo Đại, trong khoảng thời gian 1930-1939. Trong phim có rất nhiều hình ảnh quý như các cảnh quay về lễ hội đâm trâu cùng vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, lễ Phật đản, sản xuất gốm, học sinh đi nghỉ mát cho đến những hình ảnh về quân đội thời ấy... Vào năm 1964, bà Minh Đức Hoài Trinh (một trong 3 người con gái của Tổng đốc Võ Chuẩn) mang số phim này sang Pháp. Sau đó bà Minh Đức Hoài Trinh gửi nhà báo người Anh David Willey lưu giữ ở Vatican và nhà báo đã chuyển lại di sản này cho đại diện gia đình họ Võ tại Mỹ vào năm 2017. Phim tư liệu này sau đó được chuyển về Việt Nam cho những hậu duệ của cụ Võ Chuẩn giữ và đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình - chắt ngoại (đời thứ tư) của cụ Võ Chuẩn (hiện là Giám đốc Công ty BHD) dự định cùng với cựu đại sứ Pháp Jean Noel Poirier làm sống lại di sản đó bằng một bộ phim tài liệu Le Mandarin Dans l’Ombre (tạm dịch: Góc khuất của vị Tổng đốc). |
Phạm Huy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất