20/11/2018 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) – James Joyce nổi tiếng với câu nói qua miệng của nhân vật Stephen trong Ulysses “Hãy để tổ quốc chết cho tôi”. Độc giả thường trào phúng về điều này nhưng phải quay lại đọc Dubliners (Dân Dublin theo bản dịch tiếng Việt mới nhất), mới thấy nỗi niềm thật mới cay đắng làm sao.
James Joyce là một trong số ít nhà văn mà tất cả các tác phẩm của ông đều là kiệt tác, đó là điều ai cũng biết. Trong sự nghiệp luôn nằm trên đỉnh cao của văn chương mọi thời đại, Joyce chỉ để lại có bốn tác phẩm văn xuôi là Dubliners, A Portraits of the Artist as a Young Man, Ulysses và Finnegans wake.
Thế nhưng, kiệt tác văn xuôi đầu tiên của ông là Dubliners, gồm 14 truyện ngắn, viết xong vào năm 1905 phải long đong qua chín năm với 18 lần gửi tới 15 nhà xuất bản, mới được in vào năm 1914.
Đáng lẽ nó cũng được in ngay từ lần đầu nhưng với điều kiện gạt bỏ truyện Two Gallants (Hai tay chơi), kể về hai thanh niên đầy ngao ngán với lối sống dựa vào những đồng vàng moi được của tình nhân cũng chẳng giàu gì. Joyce từ chối bởi “bỏ truyện này ra khỏi sách sẽ thật sự là một thảm họa. Đây là một trong những truyện quan trọng nhất trong sách. Tôi thà hiến tế năm truyện khác (mà tôi có thể nêu tên) hơn là truyện này”.
Thật sự thì bỏ bất cứ truyện nào trong Dân Dublin, nói theo cách của Nabokov, cũng là một tội ác. Bởi đây không phải là một tuyển tập các câu chuyện rời rạc, mà ngược lại, bền chặt như chân với tay. Giống như trong A Portraits of the Artist as a Young Man, các truyện được kể bắt đầu bằng giọng của trẻ nhỏ, rồi lớn dần theo thời gian, với những ngây thơ, chán ngán, trưởng thành và cuối cùng ngộ ra chân lý cuối cùng của cuộc đời. Các truyện cũng đều giống nhau ở khoảnh khắc mặc khải: khi một nhân vật chợt thức tỉnh, tìm thấy đốm sáng giữa hai đêm tối vô cùng để rồi tiến lên thêm một bước trong đời, dù đời sống về cuối có thể cũng chỉ là sự vô nghĩa. Bối cảnh là trong thời kỳ Ireland đang đứng giữa ngã tư về lịch sử và văn hóa, bị xáo trộn bởi nhiều tư tưởng và luồng ảnh hưởng. Tất cả khiến Dân Dublin giống như một bộ tấn trò đời, nhưng thay vì là nước Pháp thì ở đây là Dublin; một đời nhẹ khôn kham ở quy mô một thành phố.
Khi nói tới Joyce, người ta thường nhắc tới nhiều hơn cả về cuốn Ulysses, rằng Ulysses của Joyce và những tác phẩm lập thể của Picasso là gốc rễ của Chủ nghĩa hiện đại, nhưng không phải vì vậy mà các tác phẩm trước đó của họ kém giá trị hơn.
Sự nghiệp của Picasso ban đầu nổi tiếng được biết tới với thời kỳ xanh và thời kỳ hồng, còn với Joyce đó là Chamber Music cùng Dân Dublin. Các tác phẩm đầu được coi như tiền thân của những tác phẩm mang tính cách mạng về sau. Ví dụ, ở Picasso, ông ám ảnh với việc miêu tả những người diễn xiếc, còn ở Joyce mào đầu về vấn đề đồng tính và tính dục trong Dân Dubliners. Dù không quá khác biệt so với truyền thống khi đó, nhưng họ cũng đã đặt hết tâm huyết và một lần nữa, gieo mầm cho tương lai. Bức Boy with a pipe trong thời kỳ hồng của Picasso là một trong những bức đáng giá nhất sự nghiệp của ông còn chính Joyce ban đầu định để Ulysses như một phần của Dân Dublin.
Có thể nói, Dân Dublin là cổng vào hợp lý cho ai muốn tiến sâu trong thánh địa của James Joyce, một trong những nhà văn lớn nhất lịch sử nhân loại. Dân Dublin tuy dễ đọc nhưng không phải tác phẩm dễ hiểu. Cũng như các tác phẩm khác của Joyce, nó yêu cầu người đọc một sự chú tâm cao cùng kiến thức nền phong phú. Dịch giả Thiên Lương trong bản dịch mới cũng đã tối thiểu các chú thích để người đọc chịu khó tự tìm tòi.
Tại Việt Nam, đây là bản dịch thứ hai, đều do Công ty Cổ phần Sách Bách Việt hợp tác xuất bản. Bản dịch trước của dịch giả Vũ Mai Trang.
Thư Vĩ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất