06/12/2017 13:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Việc định vị lại thương hiệu phim truyện truyền hình và sự chuyên nghiệp hơn trong khâu sản xuất khiến những bộ phim gần đây của VFC như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Thương nhớ ở ai... được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Trong buổi họp báo giới thiệu bộ phim mới Cả một đời ân oán của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã có những chia sẻ, phần nào giải mã sức hút của một số phim truyền hình gần đây do VFC sản xuất.
Phim truyền hình Việt “gây bão”
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC chia sẻ: “Năm 2017, VFC đặt kỳ vọng mang đến nhiều bộ phim hay cho công chúng. Chúng tôi tự tin giới thiệu đến khán giả Cả một đời ân oán - một dự án phim rất đặc biệt, bởi bộ phim ra mắt cuối 2017 kéo dài tới đầu năm 2018, đánh dấu sự nỗ lực của VFC trong khâu sản xuất với sự đầu tư về thiết bị làm phim, áp dụng kỹ thuật thu thanh đồng bộ và quy tụ một dàn diễn viên tài năng”.
Từ việc ra mắt bộ phim cuối cùng của năm 2017, nhìn lại thời gian gần đây, VFC đã làm rất tốt mảng phim truyền hình với những tác phẩm “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ như Người phán xử (đạo diễn: Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng) và Sống chung với mẹ chồng (đạo diễn: Vũ Trường Khoa). Trong đó, phim Người phán xử Việt hóa rất thành công kịch bản của Israel, mô tả giới xã hội đen mang màu sắc Việt Nam. Còn Sống chung với mẹ chồng thu hút khán giả bởi cách khai thác những mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu khi sống cùng nhau.
Hiện nay, dù không phát sóng khung “giờ vàng VTV” nhưng Thương nhớ ở ai đang được đánh giá là một trong những phim nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Bắt đầu lên sóng khung giờ phim của Rubic 8 từ ngày 4/11 (vào 14h30 thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần), Thương nhớ ở ai ban đầu không kỳ vọng sẽ nhận tạo nên sự thu hút khán giả quá lớn. Tuy nhiên, theo thống kê của VTV, mỗi video tập phim Thương nhớ ở ai đã phát sóng thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lượt xem của khán giả. Các trích đoạn phim đăng trên fanpage của bộ phim nhận được sự hưởng ứng, bàn luận của đông đảo người hâm mộ và giới truyền thông. Nhiều người so sánh: Hóng phim Thương nhớ ở ai hơn cả Người phán xử”.
Công thức tạo sức hút
Lý giải sự thành công của hàng loạt các phim truyền hình thời gian gần đây, báo giới đặt vấn đề, liệu có phải là do VFC mua được kịch bản phim nước ngoài, vừa hay lại bớt rủi ro và mạo hiểm? ĐD Đỗ Thanh Hải cho biết: “Thực tế thì không phải bất kỳ bộ phim nào mua bản quyền kịch bản nước ngoài đều “hot” như Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng. Chúng tôi vẫn thành công với một số bộ phim đặt hàng trực tiếp tác giả trong nước như Thương nhớ ở ai, Zippo, mù tạt và em...
Mỗi năm có nhiều hội chợ phim ảnh và truyền hình được tổ chức tại Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Pháp, Mỹ, Trung Quốc đại lục… Ở đó, các hãng sản xuất họ công khai bán kịch bản phim hoặc các format truyền hình… Có hàng nghìn fomat nhưng lựa chọn như thế nào là ở mình. Lựa chọn kịch bản nào phản ánh tiêu chí, xu hướng của nhà sản xuất, nhưng cũng cần có thêm sự may mắn thì bộ phim mới thành công. Tôi cho rằng, việc lựa chọn kịch bản để Việt hóa rất quan trọng và mạo hiểm”.
Nếu so sánh về kinh phí, ông Hải cho hay, không có mẫu số chung nào cho một kịch bản phim, đôi khi, kịch bản mua từ nước ngoài không mất nhiều tiền như kịch bản trong nước. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chuyển đổi kịch bản nước ngoài mất rất nhiều thời gian, chẳng hạn phim Người phán xử mất 3 năm làm lại kịch bản, còn Cả một đời ân oán là 4 năm. Nếu là kịch bản của tác giả trong nước, viết xong có thể làm phim ngay lập tức.
“Phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề là chúng ta chưa đào tạo kịch bản phim truyền hình chuyên nghiệp nên kịch bản hay chưa có nhiều, luôn trong tình trạng thiếu thốn. Trong trường Điện ảnh hiện mới chỉ có đào tạo viết kịch bản biên kịch điện ảnh là những kịch bản ngắn. Phim truyền hình dài tập có điểm khác, phải làm sao để kéo khán giả ngồi xem phim trong... vài tháng. Nếu như Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc... họ chỉ làm khoảng 10 - 16 tập, nhưng với khán giả Việt Nam số lượng như vậy không đủ. Chúng tôi phải để ý tới câu chuyện, cách thức triển khai ra sao và điều này phụ thuộc vào thực tế, kinh nghiệm của những người làm phim”.
Sau tất cả, Giám đốc VFC quan niệm rằng, kịch bản phim dù mua bản quyền nước ngoài hay trong nước không quá quan trọng, quan trọng là phải đón nhận những xu hướng của khán giả, tiếp cận với những thế hệ khán giả mới thì phim mới được đông đảo công chúng đón nhận và yêu mến.
“Việt hóa” phù hợp với văn hóa Việt Nam Cả một đời ân oán tiếp tục là bộ phim được mua kịch bản và chuyển thể từ bộ phim nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc) có tựa để là Cô dâu bạc triệu. Tuy nhiên, cũng giống như những bộ phim “hot” trước đó của VFC là Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, kịch bản Cả một đời ân oán sẽ có những thay đổi để phù hợp hơn với văn hóa Việt Nam. Bộ phim Cả một đời ân oán gồm 70 tập, chia làm hai phần, phần 1 (32 tập) dự kiến lên sóng từ ngày 13/12 ngay khi phim Ghét thì yêu thôi kết thúc. |
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất