Đạo diễn Ken Ochiai: Tôi đang nóng lòng khai phá tiềm năng Kaity Nguyễn

30/06/2018 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày 27/6 tại TP.HCM, đạo diễn Ken Ochiai và ê-kíp phim Hồn papa da con gái đã chính thức ra mắt. Liệu phim này với truyện cổ dân gian Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Việt Nam có liên đới gì không?

Đây là phim chiếu rạp thứ hai của Ken Ochiai tại Việt Nam (phim đầu tiên là Vệ sĩ Sài Gòn, công chiếu cuối năm 2016), phim có sự tham gia của nhiều tên tuổi như Thái Hòa, Kaity Nguyễn, Kathy Uyên, Vân Trang, Huy Khánh, Chí Tài, NSƯT Thành Lộc, NSND Hồng Vân, Tuyền Mập, Tùng Leo, Lê Bình… Phim sẽ bấm máy vào ngày 2/7, dự kiến công chiếu tại Việt Nam vào ngày 28/12/2018.

Ken Ochiai có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

Chú thích ảnh
Đạo diễn Ken Ochiai

* Việt Nam có truyện cổ “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” nói về chuyện chuyển đổi hồn và xác. Truyện này từng được Lưu Quang Vũ chuyển thể kịch nói cùng tên trong các năm 1981-1984; Nguyễn Quang Dũng chuyển thể thành phim cùng tên trong năm 2006. Anh có biết điều này khi làm “Hồn papa da con gái” không?

- Thật sự tôi không biết, vì phim của tôi được chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng Nhật Bản, của tác giả Takahisa Igarashi, có tên Papa To Musume No Nanokakan (7 ngày của cha và con gái). Phim này cũng từng được chuyển thể thành truyền hình tại Hàn Quốc với tên gọi Daddy You, Daughter Me. Phim kể về đời sống của hai cha con sau khi mẹ mất, để hiểu nhau hơn, họ phải “đổi hồn” cho nhau. Vai người cha tên là Hải (do Thái Hòa đóng) và cô con gái tên là Châu (do Kaity Nguyễn đóng).

Nhưng khi nghe câu hỏi này, tôi thật sự bất ngờ về sự trùng hợp, nó chứng tỏ có những suy nghĩ, những ý tưởng giống nhau ở các nước. Trong truyện cổ và truyện hiện đại cũng vậy, có nhiều mô-típ giống nhau trên khắp thế giới, trong đó có mô-típ hoán đổi hồn xác này.

* Anh có ngại khi bị cho rằng mình trùng ý tưởng kịch bản không?

- Không. Thật sự thì những tứ truyện khác biệt sẽ không có nhiều trên thế giới, nên khi viết thường chỉ khác nhau và hơn nhau là ở cách triển khai nhân vật, chi tiết câu chuyện. Đa số các nền điện ảnh, trong đó có Hollywood, thường không bảo hộ cho các ý tưởng ngắn, vì thực tế các ý tưởng, các tứ truyện thường có mẫu số chung khá lớn, nên chỉ bảo hộ cho các kịch bản hoàn chỉnh. Tuy nhiên, xin nhắc lại, tôi rất thú vị về điều này, nó sẽ giúp cho phim gần gũi hơn với khán giả Việt Nam.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Ken Ochiai (thứ hai từ phải sang trái) và dàn diễn viên của phim “Hồn papa da con gái”

* Anh từng chia sẻ lý do chính để đến Việt Nam làm phim thứ hai là do diễn viên Thái Hòa. Vì sao vậy?

- Vì anh ấy là diễn viên rất tài năng và tầm cỡ, thật lâu mới có được một người như vậy, tôi thích nắm bắt cơ hội này. Sau phim Vệ sĩ Sài Gòn, tôi và anh ấy cũng thường xuyên liên lạc để trao đổi về công việc, về ý tưởng phim ảnh. Khi tình cờ xem lại Daddy You, Daughter Me, tôi nghĩ ngay đến Thái Hòa cho vai người cha. Sau đó chính Thái Hòa đã mời Charlie Nguyễn vào vai trò nhà sản xuất và đề xuất tôi mời Kaity Nguyễn ướm vai cô con gái. Tôi đang rất nóng lòng và tự tin muốn cùng Kaity Nguyễn khai phá tiềm năng to lớn còn ẩn bên trong cô ấy.

Thêm một lý do nữa thôi thúc tôi chuyển thể câu chuyện này lên màn ảnh rộng chính là sự thiếu thốn tình cảm gia đình trong tôi từ tấm bé. Tôi sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, từ nhỏ đến khi trưởng thành, tôi rất thấu hiểu những nỗi khó khăn mà bố mẹ đã trải qua. Giờ đây, khi nhắc lại bộ truyện đó, một cảm xúc rất mạnh về gia đình hiện lên. Tôi muốn truyền tải thông điệp rất ý nghĩa được lồng trong câu chuyện hoán đổi thân xác này.

* Trong một cuộc trò chuyện trước đây, anh từng nói: “Nếu có thể, trong tương lai tôi muốn được hợp tác với anh Charlie Nguyễn và anh Phan Gia Nhật Linh. Muốn làm việc cùng với vua hài Hoài Linh và ca sĩ Miu Lê”. Vậy sao trong phim này anh không mời Hoài Linh và Miu Lê đóng vai cha con?

- Ước mơ là vậy, nhưng phim ảnh còn là cơ duyên và may mắn nữa, không phải muốn là được. Tôi vẫn nuôi mơ ước này, biết đâu trong tương lai Hoài Linh và Miu Lê sẽ cùng có mặt trong một phim khác.

* Trước hai phim vừa đề cập, về phim ảnh, anh có làm gì liên quan đến Việt Nam không?

- Với Việt Nam thì chưa, nhưng với người Việt thì có. Trong phim ngắn Lucky Lotus, tôi đề cập đến một người gốc Việt sống tại Los Angles, Mỹ. Để hiểu hơn về tính cách và văn hóa Việt, tôi phải tìm hiểu, rồi thích lúc nào không hay, đặc biệt là ẩm thực. Nên khi gặp Kim Lý vào năm 2015, anh ấy rủ tôi qua Việt Nam làm phim, tôi đã không chút chần chừ.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Muốn gắn bó thường xuyên với điện ảnh Việt Nam

Ken Ochiai sinh năm 1983 Tokyo (Nhật Bản), là nhà sáng lập Photosynth Entertainment tại Mỹ, đã thực hiện hơn 20 phim ngắn. Anh đã đoạt gần 20 giải thưởng tại các liên hoan phim ngắn ở Mỹ và quốc tế. Sau Vệ sĩ Sài GònHồn papa da con gái, Ken Ochiai cho biết anh muốn gắn bó thường xuyên với điện ảnh Việt Nam.

Điểm gương mặt 'hot' tại Cánh diều 2017: Kaity Nguyễn 'hái sen' rồi có 'giật diều'?

Điểm gương mặt 'hot' tại Cánh diều 2017: Kaity Nguyễn 'hái sen' rồi có 'giật diều'?

Tại Cánh diều 2017, có nhiều ứng viên sáng giá cho giải Nữ diễn viên chính xuất sắc, trong khi đó, giải Nam diễn viên chính xuất sắc lại có ít gương mặt nổi bật.

Hồng Hồng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm