16/11/2020 19:17 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đạo diễn - NSƯT Mai Hiền được khán giả biết đến với các tác phẩm Người phán xử, Sinh tử… Anh vừa trở lại với Hồ sơ cá sấu - bộ phim thuộc thể loại tâm lý, hình sự. Phim được VTV3 phát vào 21h40 thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần (vừa phát tập 1 ngày 13/11).
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với đạo diễn Mai Hiền về tác phẩm mới này.
Các diễn viên chính “lột xác”
* Xem một số trích đoạn đầu tiên của “Hồ sơ cá sấu”, khán giả cảm nhận có những điểm giống “Người phán xử”, anh nghĩ sao với nhận xét đó?
- 2 phim khác nhau nhiều chứ, cả về câu chuyện và kết cấu. Người phán xử là kịch bản mua bản quyền, Hồ sơ cá sấu là kịch bản mới hoàn toàn. Hồ sơ cá sấu là phim tâm lý hình sự, Người phán xử thiên về hình sự hành động.
Có chăng các bạn có cảm giác như vậy bởi xem trích đoạn phim có sự kịch tính, đó là những cảnh gay cấn, hấp dẫn nhất mà ê-kíp muốn giới thiệu.
* Phim quy tụ dàn diễn viên là những tên tuổi “hot”, có năng lực diễn xuất, nhưng lại quen mặt với khán giả truyền hình. Anh có áp lực về chuyện để họ khác biệt so với những phim trước?
- Quan điểm của tôi là diễn viên phải đóng được nhiều dạng vai khác nhau, nhiều màu sắc khác nhau. Khi mình không khai thác được để nhân vật khác biệt so với phim trước thì đó là thiếu sót và tôi coi đó là một điểm trừ.
Với Hồ sơ cá sấu, tôi nghĩ khá nhiều diễn viên trong phim này đã phát huy năng lực diễn xuất, họ luôn cầu tiến, làm mới mình. Mạnh Trường là một ví dụ, khán giả xem sẽ thấy hình ảnh hoàn toàn khác. Mà không chỉ mình Mạnh Trường, mọi người đều muốn thay đổi mình và khá thành công.
* Ngoài Mạnh Trường, diễn viên nào mà anh cho là có sự “lột xác” vượt bậc trong phim mới?
- Rõ ràng nhất là sự thay đổi của 2 nhân vật chính, trước giờ Mạnh Trường hay đóng những vai hiền. Phim này tôi đưa Mạnh Trường vào vai xù xì, gai góc, ẩn chứa những điều bí ẩn khiến khán giả liên tưởng và cho rằng anh ta là người xấu. Mạnh Trường đã lột xác hoàn toàn tạo nên một hình ảnh mới khá thú vị.
Với Kiều Anh vốn không phải diễn viên chuyên nghiệp, thường đóng vai có số phận éo le, bất hạnh. 3 năm rồi mới xuất hiện nhưng Kiều Anh đã cố gắng vượt bậc và chắc chắn vai này sẽ để lại dấu ấn.
Nguyệt trong phim thuộc tuýp phụ nữ độc lập, ích kỷ, xử lý chuyện tình cảm, công việc bằng lý trí, cũng bởi thế mà cô ấy đã phải đối diện với rất nhiều biến cố đòi hỏi diễn xuất hoàn toàn khác.
Tôi muốn người đóng vai Nguyệt có vẻ ngoài đa đoan, chịu sự ảnh hưởng của thời gian và áp lực cuộc sống chứ không muốn nhân vật đẹp theo cách thông thường. Kiều Anh có thể xuất hiện với hình ảnh đẹp hơn, nhưng đó không phải nhân vật Nguyệt của tôi. Tôi tin khán giả sẽ đồng cảm với cô Nguyệt trong phim.
* Những phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc hấp dẫn thời gian gần đây thường hay sử dụng phương pháp đảo ngược thời gian xảy ra vụ việc để tăng sự lắt léo, kịch tính và để khán giả được suy đoán. Anh có làm như vậy với “Hồ sơ cá sấu”?
- Quan điểm của tôi dù làm gì thì cũng phải phù hợp, kể cả những cách cổ điển nhất mà phù hợp thì vẫn hiệu quả hơn những điều mới mẻ, hiện đại.
Nếu khán giả để ý thời gian gần đây, phim của chúng tôi không hẳn là khai thác đề tài, câu chuyện mới lạ, hay những mẫu nhân vật mới lạ, mà có lẽ là cách truyền tải câu chuyện hoàn toàn mới.
Cách dẫn dắt câu chuyện trong phim của VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam) có thể đã mang một luồng gió mới đến với khán giả.
Ít ra là mình đã khai thác một cách đời sống hơn, sâu sắc hơn. Khán giả chờ đợi những tác phẩm ấy bởi họ bị cuốn theo cách kể chuyện trong phim, thấy được hình ảnh của mình trong đó và khán giả khó đoán định được diễn biến. Phim hình sự hấp dẫn một phần cũng vì điều đó.
* Anh kỳ vọng ra sao ở “Hồ sơ cá sấu”?
- Tôi không kỳ vọng gì cả, tôi nhận nhiệm vụ và hoàn thành nó. Tuy nhiên, mỗi người có một thang điểm khác nhau về hoàn thành nhiệm vụ theo ngôn ngữ hành chính. Với tôi thì mỗi phim như một cuộc chơi, mình cố gắng chơi hết sức, trúng hay trượt thì còn do khán giả cảm nhận (cười).
Cái gì khó tôi lại thấy hấp dẫn
* Kịch bản như thế nào sẽ thuyết phục được anh, để anh quyết định làm phim?
- Ví dụ như kịch bản Hồ sơ cá sấu , tôi đọc đề cương rồi nhận ngay vì nó chứa đựng những yếu tố cần và đủ để tạo nên một câu chuyện hấp dẫn. Tôi nhận cũng vì biết tác giả là người tôi đã từng cộng tác trong những dự án thành công trước đó.
Thứ hai nữa là mối quan tâm của tôi với phim hình sự từ trước đến nay có thể nói là cái duyên, mà cũng có lẽ do tôi muốn tự làm khó mình. Cái gì khó thì tôi lại thấy hấp dẫn.
Thú thật là nhiều khi ra hiện trường mình cũng lắm lúc phải “đập đầu vào tường”. Chúng ta không phải vĩ nhân và không phải lúc nào cũng tìm được phương pháp giải quyết tối ưu. Hơn nữa điều kiện làm phim truyền hình, đặc biệt với đề tài phim hình sự là khá khó khăn.
* Theo anh, kịch bản phim thể loại hình sự Việt Nam hiện nay đã đủ hấp dẫn chưa?
- Nói thật, hiện giờ chúng tôi chưa có được những kịch bản mà vừa đọc là đạo diễn có thể thốt lên ngạc nhiên: Sao nó hay quá vậy? Tuy lực lượng viết kịch bản của chúng tôi đang cộng tác khá hùng hậu, phát triển nội dung đa dạng về đề tài, phong phú về nội dung. Nhưng yêu cầu cho phim truyền hình thời điểm hiện tại tương đối cao. Kịch bản nhiều nhưng số lượng đưa vào sản xuất không cao do phải điều chỉnh và cập nhật mất nhiều thời gian hơn những năm trước.
Tất nhiên, chúng tôi luôn cố gắng giữ chất lượng nội dung, mỗi phim đều cố gắng không bước dài thì cũng phải có bước ngắn. Cá nhân tôi hiểu vai trò của mình nên không coi điều đó là khó khăn mà cần cố gắng nhiều hơn nữa để vượt qua thách thức, đáp ứng yêu cầu chuyên môn.
Tiếp theo là mong mỏi của khán giả. Lúc này khán giả được tôn trọng, đề cao hơn lúc nào hết và họ hoàn toàn có nhu cầu, yêu cầu và mong đợi những sản phẩm mang dấu ấn của ngày hôm nay, những sản phẩm tốt hơn, hiện đại hơn, hay hơn. Khán giả hãy tin rằng chúng tôi vẫn đang cố gắng từng ngày, từng ngày một.
* Để có nhiều bộ phim “bom tấn” như “Người phán xử”, “Về nhà đi con”, theo anh đội ngũ sản xuất phim truyền hình còn thiếu gì?
- Chúng tôi luôn trả lời câu hỏi này bằng những sản phẩm, từ 2015 đến giờ, năm nào VFC cũng có phim để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Phim Việt hiện phát sóng VTV1 từ thứ Hai đến thứ Sáu, kênh VTV3 cũng vậy. Là đơn vị sản xuất chính phim truyền hình nên số lượng công việc của chúng tôi hiện giờ lớn.
Chúng tôi luôn cố gắng để giữ được chất lượng cũng như thương hiệu phim VFC. Cá nhân tôi từ 2015 có Người phán xử, Sinh tử và giờ là Hồ sơ cá sấu - những dự án ít nhiều được khán giả quan tâm. Giá như một ngày có 48 giờ thì chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa (cười).
* Năm 2020 vẫn chưa thực sự có “bom tấn” truyền hình, theo anh vì sao vậy?
- Dịch Covid-19 khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn, không chỉ ngành truyền hình. Để có phim phát sóng không bị đứt đoạn, giữ được chất lượng thì cả tập thể phải tính toán, cân nhắc… Nhưng không phải vì thế mà sự đầu tư của chúng tôi bị giảm đi, ngược lại một số dự án được tập trung nguồn lực, sắp xếp khoa học, tiết kiệm sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Khi mọi việc sớm cân bằng trở lại rồi thì tôi tin là sẽ rất sớm thôi, 2021 sẽ có nhiều tác phẩm mà mọi người nói là “bom tấn”. Hơn nữa, giờ mới tháng 11, khán giả hãy cứ chờ đợi thêm một chút nữa (cười).
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Tiểu Phong (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất