03/05/2013 08:25 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sáng ngày 2/5 vừa qua, tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, buổi tọa đàm Một số vấn đề về đạo diễn trẻ sân khấu hiện nay trong khuôn khổ cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 (Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức) đã diễn ra sôi nổi với sự tham dự của đông đảo tác giả, đạo diễn trẻ, những người làm nghề lâu năm và phóng viên báo đài.
Cảnh trong vở Đỏ cam vàng, lục lam tím với “nghi án” có sự can thiệp quá sâu của cố vấn nghệ thuật |
Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu này là cơ hội giúp tìm kiếm những tài năng mới cho lĩnh vực sân khấu nước nhà. Các nhà quản lý rất cần nghe những ý kiến của lực lượng đạo diễn trẻ về quan niệm làm nghề, tâm tư nguyện vọng, những khó khăn thách thức lẫn nhiều vấn đề về mặt học thuật, sáng tạo.
Tuy nhiên, buổi tọa đàm lại “nóng” lên bởi những vấn đề “nhạy cảm” muôn thuở, luôn xuất hiện ở bất cứ cuộc thi, liên hoan, hội diễn nào: Sự công bằng. Mà nổi cộm nhất ở cuộc thi này là: Thầy thi hay trò thi?
Huỳnh Tuấn Anh, đại diện Công ty TNHH Quảng cáo truyền thông Dương Bản đã bỏ vốn đầu tư cho vở cải lương Gió hoàng cung tham gia cuộc thi, đặt vấn đề thẳng thắn về sự hiện diện của chức danh “cố vấn nghệ thuật” khi có nhiều tác phẩm: “bàn tay cố vấn nghệ thuật quá rõ nét và thực sự rất khó để phân biệt được chỗ nào là của cố vấn, chỗ nào là sáng tạo của chính đạo diễn trẻ”.
Đồng ý kiến, phóng viên Thảo Vân (báo Phụ nữ TP.HCM) không những đặt câu hỏi về dấu ấn người thầy quá đậm nét trong các tác phẩm dự thi mà còn chất vấn cả công tác đào tạo ở trường lớp các đạo diễn tương lai đã được học gì mà lại quá thiếu sự sáng tạo. Ngược lại, không phủ nhận ảnh hưởng của người hướng dẫn nhưng các đạo diễn đều khẳng định nỗ lực sáng tạo của mình. Đạo diễn Thanh Nga (dự thi với vở Duyên lạ hồn hoang) bức xúc: “Gần đây có bài báo Thầy “chuốt",trò thi đã thực sự làm ảnh hưởng đến tâm lý của đạo diễn dự thi, thậm chí có người đã muốn bỏ cuộc. Đó chỉ là ý kiến chủ quan của một nhà báo. Và đó đã phủ định mồ hôi, công sức của đạo diễn, người làm nghề. Tôi cho đó là sự xúc phạm đến danh dự và lòng tự trọng nghề nghiệp của chúng tôi”.
Đạo diễn Lịch Sử (đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau) chia sẻ: “Vở dự thi của tôi cũng bị dư luận không hay về việc “núp bóng” thầy nhưng thực sự đã đi thi đạo diễn thì bản thân các đạo diễn phải tự làm hết, làm bằng những gì thầy đã truyền đạt, bằng những gì mình đã học hỏi được. Tôi nghĩ dấu ấn của thầy ở đây nếu có chỉ là những kiến thức, kinh nghiệm chứ thầy không làm cho chúng tôi. Tôi hy vọng qua cuộc thi này những tác phẩm nào đoạt giải, được đánh giá cao sẽ được giúp đỡ bằng phương thức nào đó để đến được với khán giả, đạo diễn được giới thiệu bản thân mình nhiều hơn. Chứ bản thân chúng tôi những người làm nghề ở vùng đất xa xôi quả thật chịu rất nhiều thiệt thòi”…
Ý kiến của đạo diễn Lịch Sử về một sự hỗ trợ “hậu thi cử” có lẽ cũng là mong mỏi của các đạo diễn dự thi cũng như có mặt tại cuộc tọa đàm. Đáng tiếc vấn đề thiết thực đó cũng như những ý kiến về học thuật rất cần thiết để các đạo diễn trẻ bổ sung kiến thức, kinh nghiệm làm nghề đã “chìm nghỉm” giữa những cơn bức xúc, nhưng nỗi nghi kỵ mơ hồ, soi mói lẫn nhau đến mức một thành viên ban giám khảo phải trấn an: “Các bạn an tâm. Các thầy can thiệp vào tác phẩm của trò đến đâu, chỗ nào của thầy, chỗ nào của trò chúng tôi nhìn vào đều biết chứ. Hiện nay vẫn chưa có kết quả nhưng có cảm giác các bạn đã nghi ngờ và áp đặt những ý không hay cho chúng tôi rồi. Như vậy liệu có công bằng?”…
NGỌC TUYẾT
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất