20/02/2018 15:13 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hơn một năm qua, tại Việt Nam xuất hiện vài nhà đấu giá nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó có Chọn’s, Lý Thị… hoạt động thường xuyên. Song hành còn có hàng chục phiên đấu giá trên mạng, đấu giá từ thiện, với sức thanh khoản trung bình từ 40% đến 80%/1 phiên. Tổng số tiền giao dịch ước tính cho tất cả các phiên trực tiếp, trực tuyến và từ thiện đã hơn 50 tỷ đồng.
Như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhà đấu giá là thành tố quan trọng bậc nhất để cấu thành nên thị trường nghệ thuật nội địa. Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân và nhà báo - nhà phê bình mỹ thuật Vũ Lâm.
* Theo quan điểm của hai anh, điều gì là được từ các phiên đấu giá nội địa ở Việt Nam?
- Nguyễn Quân: Những năm 1990 - 2000 tôi đã bán rất nhiều tranh, tượng. Những nhà sưu tập đến xưởng hoặc gallery mua nói họ thích tranh của tôi và muốn có nó treo trong nhà. Vài bảo tàng nước ngoài mua thì giải thích: Họ muốn giới thiệu nghệ thuật của tôi cho công chúng. Được cái đó thì họa sĩ nên chấp nhận giá bán thấp hơn giá thị trường một chút.
Cũng có lần Sotheby’s đấu giá tranh tôi, rồi Christie’s mời gửi tranh nhưng tôi không quan tâm, không tham gia, bởi tôi không hiểu họ mua tranh để làm gì. Có thể tôi đã bỏ lỡ một cơ hội, một kênh phát triển nghệ thuật của mình! Một ác cảm rất vu vơ của họa sĩ với sự đấu giá là: Không nhẽ nghệ thuật của mình chỉ là tiền, mua được một bộ salon, vài cái túi xách, đồng hồ, chai nước hoa… hàng hiệu hay sao? Lại thấy, cho đến nay vẫn thấy, ở Christie’s, Sotheby’s… và một số sàn đấu giá đầy rẫy những tranh giả, và tranh xấu cực kỳ… được bán giá trên trời như những sự lừa đảo được hợp thức hóa, thật là sự sỉ nhục văn hóa, sỉ nhục cả các nghệ sĩ chân chính!
Rồi nghĩ lại buôn bán đầu tư tất phải có giả mạo, lừa đảo như quy luật của mọi thị trường. Có quốc gia lừng lẫy về hàng giả, hàng nhái, bản quyền (kể cả nghệ thuật) kia mà kinh tế vẫn lên ầm ầm, đâu có sao. Gần đây tham gia vài cuộc đấu giá ở ta, bán được tranh rồi nghĩ đã bán hàng thì sao lại đòi hỏi người mua phải yêu, hiểu, tôn thờ… Nó cũng giống cái điện thoại, cái quần bò hoặc quả bưởi, kẹo hồ lô… thôi! Tôi nghĩ chính những mâu thuẫn ấy là đặc điểm của thị trường nghệ thuật mà các nhà đấu giá sẽ là một dòng chảy chính.
- Vũ Lâm: Trước khi dự xem cuộc đấu giá của nhà đấu giá Chọn’s, tôi đã từng xem một số cuộc đấu giá từ thiện, đấu giá bán chuyên nghiệp một số bộ sưu tập khác trước đây tại Việt Nam. Nhưng không khí “sắp đặt” của các cuộc đấu giá này khiến cho người ta không cảm thấy bất ngờ, hưng phấn. Điều này giống như xem một trận bóng đá giao hữu, khác với những trận cầu nảy lửa để tranh đoạt thắng thua.
Điều tôi cảm thấy được ở các cuộc đấu giá mới đây là cái không khí thú vị đó, làm mình cũng “máu” lây. Mà một người bạn đi cùng tôi gọi đùa là các cuộc “chọi người”. Giống người chúng ta hay thích xem các động vật khác “chọi” lẫn nhau, nhưng đúng là xem chính chúng ta “chọi” nhau thì mới xúc động tuyệt đỉnh.
Hoạt động đấu giá công khai chỉ là một trong các hoạt động khiến thị trường nghệ thuật nội địa trở nên lành mạnh và có sức thu hút. Đó là cuộc chơi của tiền, một mặt khác của sự khẳng định kinh tế có tính áp đặt từ “cách chơi” của văn hóa phương Tây. Riêng tôi, tôi cũng không cho rằng đó là “thành tố quan trọng bậc nhất để cấu thành nên thị trường nghệ thuật nội địa”. Còn có những cách khác, nhưng ta quá bé và không đủ cứng để tạo một lối chơi khác biệt, thì thà có sớm thì hay hơn là có muộn…
* Còn điều gì là chưa được thưa hai anh?
- Vũ Lâm: Cái gì mới làm cũng có nhiều vấp váp, vụng về và buồn cười. Điều đó có thể thể tất được, trong tình cảnh đời sống thị trường nghệ thuật của chúng ta đi sau thế giới cả trăm năm, cái gì cũng là học chơi mới toe cả. Trước hết thì cứ phải dập khuôn cái đã, sau đó mới có kiểu cách riêng của mình. Chỉ có điều là họ nên thực sự tôn trọng tác giả, thì cả hai bên mới “cùng được hân hạnh”.
- Nguyễn Quân: Đấu giá nghệ thuật vừa là mở một kênh đầu tư, vừa là làm văn hóa, ít nhất là đội lốt, dán nhãn văn hóa. Song phải chăng cần lừa đảo, nhái nhại hoặc gây sốc (như một cuốn sách về họa sĩ khóa kháng chiến vừa rồi) mới thúc đẩy được thị trường? Hoặc điển hình như vụ tranh giả Những bức tranh trở về từ châu Âu của ông Vũ Xuân Chung, kết hợp với ông Jean François Hubert (người Pháp)? Phải chăng việc của các nhà đấu giá là lèo lái sự buôn bán, tạo nguồn hàng và xây dựng cộng đồng khách hàng chứ không thể giải quyết các mâu thuẫn thẩm mỹ-tiền, thật-giả, cao-thấp…?
Thực ra, đấu giá và thị trường nghệ thuật là cái bí ẩn, khó hiểu và hấp dẫn nghệ sĩ nhất. Chỉ vài tác giả bán chạy, làm hàng cho nó thì mới thông thuộc mà thôi. Cho nên, với đấu giá mà đòi hỏi thẩm mỹ cao, sự chính thực, tính minh bạch rất là viển vông.
* Như vậy là việc tìm kiếm sự hoàn chỉnh tuyệt đối hoặc minh bạch hoàn toàn ở các phiên đấu giá là rất khó. Về các cơ chế quản lý và bổ trợ như thuế, hải quan, giám định, định giá, ngân hàng, bảo hiểm… thì cần làm gì?
- Vũ Lâm: Những điều đó hiển nhiên cần thiết, bởi đấu giá thì cũng là một ngành kinh doanh có đăng ký như các ngành kinh doanh khác. Có điều, ở một hệ thống pháp luật hỗ trợ tốt, đồng bộ và nhanh chóng, thì mọi thứ sẽ vận hành tốt hơn, ít rủi ro, và nhiều người cùng được lợi hơn.
- Nguyễn Quân: Thành công lớn nhất của hoạt động đấu giá tranh ở ta mấy năm qua là: Đấu giá là không thể thiếu. Không có đấu giá thì đời sống nghệ thuật bớt vui. Đấu giá đang đi vào trung tâm dư luận. Bất kể thật giả, xấu đẹp thế nào mà giá tranh cứ tăng thì là thành công của cả nhà đấu giá lẫn nghệ sĩ và nhà đầu tư!
Trước thực tế như vậy, ngoài việc cấp phép hoạt động như đã làm, nhà nước cũng nên nhanh chóng nghiên cứu các phương cách hỗ trợ, điều phối và thu thuế.
* Cảm ơn hai anh. Chúc hai anh và gia đình năm mới an khang, hạnh phúc!
Hiền Hòa (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất