29/10/2019 08:39 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Du lịch Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sức bật cho nền kinh tế trong nước đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, muốn phát huy được tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt, cần tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” từ cơ chế chính sách cho đến quy hoạch, cách thức xúc tiến quảng bá… Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế và du lịch tại hội thảo Đột phá kinh tế từ du lịch do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 28.10.
Số liệu vừa công bố của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho thấy, Việt Nam đã vượt qua Indonesia, vươn lên đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia và Singapore. Thực tế những năm gần đây cũng cho thấy, du lịch Việt Nam gần như “chiếm sóng” hầu hết ở các giải thưởng về du lịch tầm cỡ châu lục. Các nhà phát triển du lịch trong nước cũng bội thu nhiều giải thưởng về sản phẩm và thương hiệu.
Theo các chuyên gia, lực lượng doanh nghiệp du lịch trong nước ngày càng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, các địa phương xuất hiện nhiều khu du lịch trọng điểm, tạo được thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, nhiều cơ chế chính sách còn bó buộc khiến các điểm đến tiềm năng chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng. Một số dự án du lịch vấp phải sự phản đối của dư luận vì lo ngại về môi trường khiến nhà đầu tư dễ rơi vào rủi ro. Bên cạnh đó, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tuy có tăng qua các năm nhưng chi tiêu thấp do chưa có ngành công nghiệp giải trí để du khách rút hầu bao…
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, du lịch mang lại lợi ích phát triển kinh tế xã hội cho cộng đồng khá rõ ràng. Tuy nhiên để du lịch trở thành ngãnh kinh tế mũi nhọn thì cần có chính sách pháp luật thông thoáng, cách tiếp cận rõ ràng hơn nhằm định hình được nguyên tắc chiến lược giữa phát triển toàn diện và bền vững. Việt Nam có nhiều tiềm năng để làm du lịch đẳng cấp cao, nhưng muốn làm được thì đòi hỏi chính sách, pháp lý phải minh bạch, định hình rõ chiến lược. Phát triển du lịch cần làm theo hướng khác biệt và đặc sắc, tạo đẳng cấp riêng. Không nên chạy theo số lượng du khách mà nên chú trọng vào dịch vụ đẳng cấp để buộc du khách không rút hầu bao không được, tức là bàn cách làm sao cho du khách tăng chi tiêu.
Cũng theo ông Thiên, trong bối cảnh hiện nay, cần làm rõ khái niệm kinh tế mũi nhọn để có sự ưu tiên chính sách rõ ràng, thông thoáng, tạo động lực cho ngành kinh tế mũi nhọn cất cánh. Không thể nói mũi nhọn mà lại thiếu chính sách ưu đãi, nguồn lực đầu tư thì èo uột… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, hầu hết các địa phương đều biết rằng nếu có một dự án du lịch trên địa bàn sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương đó, thế nhưng chưa mạnh dạn xây dựng chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư.
Theo ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, cần sớm ban hành bộ tiêu chí về phát triển bền vững để áp vào những dự án du lịch một cách rõ ràng. Đối với các dự án du lịch tác động nhiều vào tài nguyên văn hóa, môi trường… thì phải hết sức phải minh bạch. Đây cũng là cách tiếp cận chung của quốc tế để giảm phát sinh xung đột trong quá trình triển khai các dự án du lịch. Phân tích nguyên nhân khiến du lịch nước nhà phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng, hiện có nhiều “điểm ngẽn” phải sớm tháo gỡ cho du lịch tăng tốc, đó là điểm ngẽn về hạ tầng du lịch, chính sách thị thực, xúc tiến quảng bá, nguồn nhân lực du lịch, chính sách liên kết phát triển du lịch. Việt Nam đã xác định những địa bàn trọng điểm về du lịch nhưng lại thiếu chính sách ưu đãi trong thu hút nguồn lực đầu tư; hay như chính sách nuôi dưỡng nguồn tài nguyên di sản văn hóa cũng chưa được các địa phương chú trọng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ, nhận thấy tiềm năng phát triển của du lịch, ngày càng có nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia phát triển hạ tầng du lịch, thâm chí có doanh nghiệp chọn phát triển bất động sản du lịch là phân khúc chủ đạo đã thúc đẩy gia tăng đáng kể cơ sở lưu trú và điểm đến. Tuy nhiên về lâu dài, cần có hành lang pháp lý minh bạch nhằm tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư, cụ thể là hoàn thiện tính pháp lý cho mô hình bất động sản lưu trú condotel.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực trạng chỉ số chi tiêu của du khách đang có xu hướng giảm dần, tổng số việc làm trong ngành du lịch cũng không ổn định, chất lượng phát triển du lịch nước ta vẫn còn thua nhiều nước trong khu vực… Vì vậy, trước hết phải tính toán lại quy hoạch phát triển du lịch, không có quy hoạch sẽ không làm được. "Trong đó, quy hoạch du lịch không thể thiếu phát triển kinh tế đêm, muốn đột phá kinh tế từ du lịch thì bản thân du lịch phải đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế", ông Kỳ nhấn mạnh.
Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất