20/04/2020 19:01 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sự phát triển vượt bậc của truyện tranh Nhật Bản (manga) và truyện tranh Mỹ (comic) trên toàn thế giới đã khiến cho rất nhiều người nghĩ rằng truyện tranh chỉ xuất hiện ở hai quốc gia này. Trên thực tế, nền công nghiệp truyện tranh đã tồn tại và đạt được thành tựu ở rất nhiều quốc gia khác. Nếu coi Mỹ và Nhật là hai “nền văn hóa kiến tạo” nên manga, thì Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Bỉ... chính là những đất nước chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hai nền văn hóa này.
Trong bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu truyện tranh Hàn Quốc, với một lịch sử khá sóng gió, nhưng giờ đây trở thành công cụ quảng bá văn hóa.
Lịch sử sóng gió của “manhwa”
Truyện tranh Hàn Quốc, còn được gọi là manhwa, xuất hiện muộn hơn đôi chút so với truyện tranh của Nhật Bản. Những bức tranh châm biếm kèm theo lời thoại xuất hiện trên báo chí ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19, đến thế kỷ 20 đã du nhập vào bán đảo Triều Tiên trong suốt thời gian bị quân Nhật chiếm đóng.
Năm 1909, ấn bản đầu tiên của báo Daehan Minbo có minh họa của họa sĩ Lee Do Young trên trang nhất. Đến năm 1925, học tập báo chí Nhật Bản, tờ Dong-A Ilbo bắt đầu đăng một loạt truyện tranh 4 dải của họa sĩ Ahn Suk-Joo. Đặc biệt, trước cơ hội mới này, chủ báo Chosun Ilbo đã tuyển mộ họa sĩ Kim Dong-Sung vào năm 1924.
Đứng trước xung đột ngày càng gay gắt với quân Nhật, đặc biệt là để phản ứng lại những cuộc đàn áp tự do báo chí thời bấy giờ, các họa sĩ xứ Kim chi đã chọn cách sáng tác truyện tranh châm biếm: Vừa có thể đả kích chính trị, lại vừa có thể gây cười. Từ đây, những tác phẩm truyện tranh châm biếm chính trị xuất hiện tràn lan trên báo chí. Những tác phẩm nổi tiếng thời kỳ này có thể kể đến A Day Of A Dummy và Adventure Of A Boaster của Ahn Suk-Joo. Thông qua loạt truyện của mình, ông đã khắc họa được những bất công mà người dân trên bán đảo Triều Tiên phải chịu đựng, đồng thời kêu gọi giải phóng đất nước khỏi quân đội Nhật.
Mặc dù được người dân nhiệt liệt ủng hộ, song những tác phẩm truyện tranh châm biếm bị quân đội Nhật Bản cấm đoán vào cuối những năm 1920. Trước tình hình đó, thay vì sáng tác châm biếm, tác giả Ahn Suk-Joo đã giới thiệu tác phẩm ManMoon ManWha. Cấu trúc tác phẩm bao gồm một hình minh họa và một đoạn văn ngắn bàn về chính trị - xã hội. Những bài thuộc tác phẩm này được in trong Chosun Ilbo từ năm 1928 cho đến giữa những năm 1930. Bên cạnh Ahn Suk Joo, thời kỳ này còn nổi tên những tên tuổi như Kim Kyu Taek, Roh Soo Hyun, Lee Sang Beom... Các tác phẩm của họ đã đưa truyện tranh Hàn Quốc đi qua những tháng ngày vừa châm biếm, vừa bình luận xã hội.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, quân đội Hoa Kỳ thiết lập ảnh hưởng ở Hàn Quốc. Đây là thời kỳ mà một loạt các tác phẩm truyện tranh xuất hiện vừa là món ăn tinh thần an ủi những đứa trẻ vừa bước ra khỏi chiến tranh bằng những cuộc phiêu lưu tưởng tượng, những câu chuyện tình cảm hoặc những mẩu chuyện vui; vừa là mảnh đất màu mỡ để nền văn hóa truyện tranh Mỹ du nhập. Thời kỳ này cũng có sự phân biệt rõ ràng giữa truyện tranh đóng thành quyển mỏng, gọi là “Ddakji Manwha” hay “Ddegi Manwha” và truyện tranh trên báo chí nặng tính chính trị.
Đến những năm 1950-1960, ở Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện cửa hàng cho thuê truyện tranh - “Manhwabang” - đưa truyện tranh đến gần hơn với độc giả.
Tuy nhiên, dưới thời Park Chung Hee, từ sau năm 1961, truyện tranh quay về với sự kiểm duyệt. Theo cuốn The rough guide to manga của tác giả Jason S. Yadao thì một trong những trường hợp kiểm duyệt khắt khe nhất là cấm các cô gái và chàng trai được miêu tả cùng nhau trong một khung truyện tranh.
Đến công cụ quảng bá văn hóa
Từ những năm 1980, với sự thay đổi trong xã hội, một loạt bộ truyện tranh như GongPoEui WaeInGuDan (tạm dịch: Đội bóng chày khủng khiếp) của Lee Hyun Se hay MooDang GeoMi của Huh Young Man gây tiếng vang lớn trong xã hội.
Truyện tranh Hàn Quốc bắt đầu mở rộng sang văn hóa thị giác mới và trở nên phong phú về hình thức bên ngoài. Với sự ra mắt của tờ báo HanGyeoRae ShinMoon vào năm 1988, Park Jae -Dong, họa sĩ chính, đã trở thành một trong những nghệ sĩ tích cực nhất trong thập niên này. Trong khi đó, truyện tranh thiếu nữ cũng tái xuất vào thập niên 1980 dưới hình thức mới. Các tác giả Kim Dong Wha, Han Seung Won và Hwang Mi Na được độc giả yêu thích với những câu chuyện lãng mạn đời thường và những chuyện tình lãng mạn dựa trên các sự kiện lịch sử.
Một thập niên phát triển tự do từ những năm 1980 đến những năm 1990 đã giúp truyện tranh Hàn Quốc có được thành tựu nhất định, sẵn sàng cho hành trình đưa văn hóa Hàn Quốc vươn ra thế giới với Làn sóng Hàn Quốc (hallyu). Bắt đầu từ phim ảnh và âm nhạc, văn hóa Hàn Quốc được đón nhận rộng rãi ở Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ, Nhật...
Theo chân 2 loại hình giải trí phổ biến ấy, truyện tranh Hàn Quốc cũng xuất khẩu ra nước ngoài, mà nổi tiếng nhất, đặc biệt nhất phải kể đến bộ truyện tranh Full House (Ngôi nhà hạnh phúc) của tác giả Won Soo Yeon. Hiện nay, có thể độc giả không biết đến bộ truyện Full House, nhưng chắc hẳn ai cũng biết đến bộ phim truyền hình Ngôi nhà hạnh phúc có nam tài tử Bi Rain và nữ minh tinh Song Hye Kyo diễn vai chính. Bộ phim chính là chuyển thể tác phẩm cùng tên của Won Soo Yeon.
Ở Việt Nam, Làn sóng Hàn Quốc cùng truyện tranh Hàn Quốc đã xuất hiện đúng vào thời điểm thuận lợi nhất: Ngay từ những năm 2000. Chính trong thời điểm này, các nhà xuất bản (NXB) chính thống như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ đã mua bản quyền và xuất bản rất nhiều đầu truyện tranh Hàn Quốc. Điển hình có thể kể đến Diêm đế (Ra In Soo, Kim Jae Hwan), Ragnarok (Lee Myung Jin), Ám hành ngự sử (Youn In Wan, Yang Kyung Il.), Full House, Công chúa xứ hoa (Han Seung Won), Hoàng cung (Park So Hee), CIEL câu chuyện mùa thu cuối cùng (Rhim Ju Yeon)...
Điểm đặc biệt ở những bộ truyện mới này chính là đề tài đa dạng, nét vẽ đã có sự trau chuốt, sử dụng nhiều kỹ thuật hơn so với những bộ truyện tranh thời kỳ trước. Các tác giả truyện tranh Hàn Quốc không chỉ học hỏi kỹ thuật vẽ truyện của Nhật Bản, mà còn tiếp thu tất cả những yếu tố văn hóa ngoại lai như thần thoại Bắc Âu, lịch sử châu Âu, văn hóa Trung Hoa... để làm phong phú, sinh động hơn cho nội dung truyện của mình. Việc “mượn” yếu tố văn hóa để sáng tác cũng giúp cho những bộ truyện Hàn Quốc dễ dàng được đón nhận hơn ở các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ…
Bên cạnh những bộ truyện tình cảm đời thường, bộ truyện Hoàng cung cũng đã gây tiếng vang lớn tại châu Á khi kể lại một câu chuyện lãng mạn giữa cô gái thường dân và thái tử cao quý. Bộ truyện cũng đã được dựng thành phim truyền hình vào năm 2006, không chỉ đưa người xem vào một thế giới lãng mạn dành cho thiếu nữ, mà còn góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của Hàn Quốc đến với đông đảo người xem.
Ngoài những bộ truyện được mua bản quyền và xuất bản, thời kỳ này, ở Việt Nam cũng xuất hiện những bộ truyện được in lậu như Điên vì yêu, Sức thanh xuân của Hwang Mi Ri, Cô nàng ngổ ngáo, Lãng tử của Han Yu Rang... Mặc dù những bộ truyện lậu có chất lượng thấp, không quá đặc biệt, nhưng việc được độc giả trẻ lúc bầy giờ đón nhận lại góp phần phổ biến truyện tranh Hàn Quốc tại Việt Nam, đồng thời phần nào cho thấy sức mạnh của Làn sóng Hàn Quốc ảnh hưởng tới các nước đồng văn như thế nào.
Cho đến nay, truyện tranh Hàn Quốc tuy không nổi bật như truyện tranh Nhật Bản hay truyện tranh Mỹ, nhưng bản thân nó đã hoàn thành đúng vai trò của mình: Góp phần quảng bá văn hóa Hàn Quốc trên toàn thế giới. Các tác giả truyện tranh Hàn Quốc chính thống đã rất khôn ngoan khi chọn nước đi tinh tế này, bởi việc dựa vào Làn sóng Hàn Quốc và những cơ hội chuyển thể tác phẩm đã khiến cho truyện tranh của họ nổi tiếng hơn, phổ biến hơn, dễ dàng đến với công chúng hơn.
Thời kỳ 2000 - 2010 dường như là thời kỳ huy hoàng nhất của truyện tranh Hàn Quốc. Bởi suốt từ những năm 2010 đến nay, truyện tranh Hàn Quốc lại chưa xuất hiện thêm tác phẩm nào nổi bật. Những bộ truyện đơn giản trên các webtoons chỉ có thể thỏa mãn được những độc giả dễ tính, còn các độc giả khó tính hơn đều đang mong chờ đến một ngày, những bộ truyện tranh nghiêm túc với nội dung lớp lang, sâu sắc xuất hiện. Để khi nhắc đến truyện tranh Hàn Quốc, người ta không chỉ dừng lại ở những cái tên đã quá quen thuộc như Hoàng cung, Công chúa xứ hoa hay Ám hành ngự sử.
Có thể độc giả không biết đến bộ truyện tranh Full House, nhưng chắc hẳn ai cũng biết đến bộ phim truyền hình Ngôi nhà hạnh phúc có nam tài tử Bi Rain và nữ minh tinh Song Hye Kyo diễn vai chính. Bộ phim chính là chuyển thể tác phẩm cùng tên của Won Soo Yeon. |
(Còn nữa)
Nguyễn Hoàng Dương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất