01/12/2021 11:01 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Dịch giả Thúy Toàn kể: “Năm 12 tuổi (năm 1950), tôi xa gia đình vào học trường Thiếu sinh quân Việt Nam được phiên chế vào Đại đội 3, do nhạc sĩ Phạm Tuyên là Đại đội trưởng.
Trong một buổi học, thầy Tuyên dạy chúng bài tùy bút của Ilia Ehrenburg: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Ấn tượng về Liên Xô, nhân dân Nga, đất nước Nga, tiếng Nga in sâu từ đó”.
Từ đó Thúy Toàn theo miết tiếng Nga! Thiếu sinh quân Thúy Toàn trở thành du học sinh môn ngữ văn Nga, tại Đại học Lenin danh tiếng. Tốt nghiệp về nước, từ 1961 đến nay, khai thác, truyền bá ngữ văn Nga là công việc hằng ngày của ông. Trang sách giáo khoa Ngữ văn 11 chương trình hiện hành, với bài thơ Tôi yêu em của Puskin mà ông chuyển ngữ, chính là 1 trong những kết quả của việc khai thác, truyền bá này.
Dịch giả đã thành đồng tác giả
“Tôi yêu em: Đến nay chừng có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/ Nhưng không để em bận lòng thêm nữa/ Hay hồn em phải gợn bóng u hoài/ Tôi yêu em âm thầm không hy vọng/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen/ Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm/ Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.
Nên chăng, giảng bày nay, cần bám sát các chú thích bên lề SGK của người biên soạn, để tự tin dẫn học sinh đọc hiểu bài thơ theo hướng - trong quá trình chuyển ngữ, dịch giả đã thành đồng tác giả với người viết. Nguyên bản không hề có danh từ “lửa”, nhưng lại có động từ “tắt” (chỉ sự kết thúc theo nghĩa bóng). Chính động từ nay là cơ sở để dịch giả thêm vào bài thơ hình ảnh ẩn dụ “ngọn lửa tình”. Với hình ảnh này bài thơ lung linh hơn, ấm áp hơn. Thông điệp “… nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha” dễ đến với học sinh hơn.
Cách giảng này càng thuyết phục nếu dẫn ra bộc bạch của Thúy Toàn: “Hồi đó, tôi 17, 18 tuổi, đang học tiếng Nga, ở Nga và có cảm tình với một cô nàng… Tôi dịch Tôi yêu em bằng cả tấm lòng mình. Tôi cảm thấy mình đơn phương trong tình yêu. Nhưng tôi có tự trọng của tôi. Chính Puskin giáo dục cho tôi sự tự trọng ấy, dạy cho tôi sự kiêu hãnh ấy”.
“Lửa tình” sáng tạo theo hướng cháy bùng cảm xúc chứ không lạnh lùng duy lý đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới bạn đọc Việt Nam. Cái đẹp bập bùng sáng tạo ấy có thể nhìn thấy trong bản dịch lục bát bài thơ của Puskin, mà một thầy giáo đưa ra sau tiết dạy:
“Lửa tình dễ tắt được đâu/ Yêu em tôi chịu đớn đau một mình/ Tôi yêu ngập ngập, ngừng ngừng/ Tôi ghen lặng lặng, thầm thầm vậy thôi/ Chân thành tha thiết em ơi/ Cho tôi xin gửi một lời cầu mong/ Rằng ai được kết tơ lòng/ Sẽ trao em trọn lửa nồng tim tôi” (Nguyễn Tam Lược, chuyển ngữ).
Về về bài thơ của Puskin, trong sách Văn học Nga - Xô Viết trong trường phổ thông, tác giả Trần Thị Quỳnh Nga nhận định: “Sự kết hợp hài hòa giữa nội dung nhân văn cao cả, nỗi buôn cao cả và vẻ đẹp bình dị, tinh tế của hình thức thể hiện đã tạo nên sức hấp dẫn bất tử của Tôi yêu em, một bài thơ không bao giờ vắng bóng trong những tập thơ tình nổi tiếng thế giới”.
Bài thơ kinh điển ấy qua bản dịch của Thúy Toàn lại đang là thời sự văn học khi trên báo Văn nghệ TP.HCM ngày 11/11/2021, tác giả Boristo Nguyễn có ý kiến “Bản dịch của Thúy Toàn là một tuyệt phẩm… nhưng nếu đứng từ yêu cầu dịch phải thể hiện đúng với tinh thần và ngữ nghĩa của bài thơ thì có chỗ có thể vẫn cần phải xem lại”.
Theo Boristo Nguyễn, ở câu kết bài, Puskin khẳng định: “Lấy đâu người như tôi đã yêu em” chứ không phải mong muốn: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Nêu vấn đề cần tiếp tục tranh luận như thế, cũng là cơ hội mở rộng tầm nhìn khoa học cho học sinh.
Dịch văn học là một lao động nhọc nhằn, nghiêm túc
Dịch giả Thúy Toàn là 1 trong những người tiên phong, đưa văn hóa, văn học Nga vào Việt Nam.
Ông kể: “Năm 1962, khi Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện tập thơ kỷ niệm 45 năm Cách mạng tháng 10 Nga, tôi được nhà thơ Xuân Diệu tham khảo ý kiến, tôi giới thiệu với ông bài Hết rồi của Puskin. Không có văn bản tiếng Pháp, Xuân Diệu nhờ tôi dịch nghĩa từ tiếng Nga. Công việc này giúp tôi học được cách làm việc nghiêm túc, kỳ công, sòng phẳng của Xuân Diệu trong dịch thuật. Ông cầm bản dịch nghĩa mà tôi đã gửi, tới tận nhà tôi, để nghe tôi đọc bài thơ bằng tiếng Nga. Tôi cố hết sức mình thể hiện nỗi buồn tan vỡ trong nguyên bản. Rồi Xuân Diệu mới dịch và không quên ghi tên tôi trong bản dịch rất thành công của mình:
“Hết rồi - tình đã vỡ tan/ Anh hôn lần chót đôi bàn chân em/ Những lời chua xót thốt lên/Anh nghe lời đáp của em: - Hết rồi// Anh không còn tự dối thôi/ Nỗi sầu anh chẳng trọn đời dõi em/ Chuyện tàn có thể anh quên/ Tình yêu không thể đáp đền cho anh// Trẻ trung hồn lại đẹp xinh/ Mai em được biết bao tình mến yêu”.
Trong danh mục 60 ấn phẩm của Thúy Toàn, có tới 10 quyển bàn về dịch thuật. Ông đưa ra nguyên tắc: “Lúc nào tôi cũng dịch sát nghĩa. Khi yêu thích một bài thơ nào đó thì tôi tra từ điển kỹ càng, đọc để hiểu thật chính xác, chứ không làng màng, qua loa”.
Nhưng ông không cố chấp trong công việc: “Có những cái đã tạm được rồi, thì thôi để đấy, dịch lại làm gì. Như Đợi anh về bản Việt ngữ của Tố Hữu, có xa nguyên bản thì nó cũng đã đi vào tâm hồn người Việt rồi. Tuy xa nguyên bản mà lại gần, vì nó phản ánh tâm hồn của người Việt…”.
Nhìn toàn cảnh công việc dịch thuật, Thúy Toàn thấy: “… bức tranh dịch văn học có những thay đổi khá rõ, có nhiều dấu hiệu đáng mừng, đáng cho ta hy vọng, không đến nỗi phải bi quan. Bình tĩnh nhìn kỹ, ta thấy sách dịch có giá trị và được dịch tốt trong những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều, có chiều hướng đi lên rõ ràng… Thế hệ dịch giả trẻ ở ta càng ngày càng đông, có nhiều người có trình độ học vấn cao, được đào tạo đến nơi đến chốn và không kém phần nhiệt tình… nhưng hình như các bạn trẻ, vì giỏi nên hay chủ quan, không thực sự coi công việc dịch văn học là một lao động nhọc nhằn, nghiêm túc…”.
Được Tổng thống Nga gắn huân chương
Ngày 23/5/2015, nhân kỷ niệm lần thứ 65 ngày thành lập Hội Hữu nghị Việt - Xô (cũ) và là ngày truyền thống của Hội Hữu nghị Việt - Nga hiện nay, Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam do dịch gia Thúy Toàn bỏ kinh phí cá nhân thực hiện, đã mở cửa tại quê hương Phù Lưu, Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh của ông. Thúy Toàn ghi thêm một địa chỉ văn hóa và vùng chợ Giàu đã thành thơ, thành nhạc, vùng đất của nhiều danh sĩ, nhà văn Kim Lân, nhà báo Hoàng Tích Chu, họa sĩ Hoàng Tích Chù, bác sĩ y khoa Hoàng Thụy Ba, thi sĩ Hoàng Hưng…
Hàng nghìn hiện vật được Thúy Toàn sưu tầm trong hơn nửa thế kỷ say mê văn học, văn hóa Nga được trưng bày. Có ghi chép về vua Hàm Nghi của nữ văn sĩ Nga Tachinna Sepkina Cupernic khi bà gặp nhà vua Việt Nam đang sống lưu đày ở Algerie vào năm 1902.
Có văn bản bài báo học giả Phan Khôi viết về Puskin, từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, in ở tạp chí Sông Hương ngày13/3/1937 với quan điểm bênh vực chính quyền Xô Viết trong việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc: “Mặc những lời dèm pha của bọn phản động hồi chính phủ Sô Viết mới lên cầm quyền, Pouchkine (tức Puskin – TT&VH) ngày nay vẫn là người được toàn thể dân Nga sùng bái nhất. Sau cuộc cách mạng, họ vẫn biết thưởng thức thi ca như thường, chứ không như lời chúng phao vu: Hễ cách mạng lắm thì 2 tai hóa ù, không còn nghe những giọng réo rắt của thi nhân được nữa. Ngày lễ bách chu niên Pouchkine vừa rồi tại Nga thực là câu đáp hùng hồn cho lời dèm pha ấy”.
Đặc biệt, có cả bản in một lời rao vặt, về việc mở lớp dạy tiếng Nga đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 12/1945, chỉ vài tháng sau khi nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Gần hơn, nhưng cũng đã thành lịch sử, trong nhà lưu niệm con giữ được tờ chương trình giới thiệu buổi diễn vở opera Yevgeny Onegin của nhạc sĩ vĩ đại người Nga Tchaikovsky dựa theo truyện thơ cùng tên của Puskin do các đạo diễn Liên Xô dàn dựng ở nhà Hát Lớn Hà Nội vào thập kỷ 1960 với vai nam chính thuộc về ca sĩ Quý Dương.
Với những đóng góp không mệt mỏi trong việc bắc cầu giao lưu văn hóa Nga - Việt, vào ngày 4/11/2010, dịch giả Thúy Toàn đã được đích thân Tổng thống Nga Dmitry Anatolyevich Medvedev gắn Huân chương Hữu nghị, tại Cung điện Kremli trên Quảng trường Đỏ.
Vài nét về Thúy Toàn Dịch giả Thúy Toàn tên thật là Hoàng Thúy Toàn sinh năm 1938. Năm 1961 ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn ĐH sư phạm Moscow mang tên Lenin. Ông từng dạy tiếng Nga, từng là Phó Giám đốc kiêm Phó Tổng biên tập NXB Văn học, từng là Chủ tịch Hội đồng dịch thuật, Hội Nhà văn Việt Nam. Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982, là tác giả của 60 tác phẩm dịch thuật, biên soạn, sáng tác. Hiện ông cư ngụ tại Hà Nội. |
(Còn tiếp)
Lý Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất