06/11/2017 07:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sáng 5/11 tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm “Dịch sách văn học Nga hôm qua và hôm nay”, với hai diễn giả là dịch giả Phạm Ngọc Thạch và dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng. Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi nhờ sự tham gia nhiệt tình đến từ cả khán giả và diễn giả.
Đây là một sự kiện thuộc Tuần lễ sách Nga tại TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 8/11/2017.
Cùng nhau nhìn lại một hành trình
Trong phần dẫn nhập, hai diễn giả chỉ khuôn hẹp chủ đề trong “những nhà văn viết bằng tiếng Nga”. Bởi theo dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng thì nói đến các nhà văn Nga mà viết bằng ngôn ngữ khác thì sẽ rất rộng lớn, làm loãng vấn đề. Trong khi đó có nhiều nhà văn thời kỳ Liên bang Xô Viết không phải là người Nga, nhưng vẫn dùng tiếng Nga để viết và thành công, cũng như có ảnh hưởng đến bạn đọc nước ta thời kỳ này.
Tại buổi tọa đàm, dịch giả Phạm Ngọc Thạch cho biết, tác phẩm văn học Nga đầu tiên được dịch sang tiếng Việt là vào khoảng năm 1920 nhưng thông qua bản dịch tiếng Pháp. Và tác phẩm văn học Nga đầu tiên mà ông được đọc đó là Giữa chốn ba quân của thi hào Pushkin từ năm 1951, nhưng cũng từ bản dịch Pháp ngữ sang tiếng Việt.
Cũng theo ông Thạch, trước năm 1975, tại Việt Nam hình thành hai dòng dịch thuật tác phẩm văn học Nga: miền Bắc dịch các tác phẩm trực tiếp bằng tiếng Nga, còn miền Nam dịch thông qua tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
Đối tượng dịch của hai trường phái này cũng khác nhau: miền Bắc chủ yếu dịch các tác phẩm văn học Xô Viết, miền Nam dịch các tác phẩm kinh điển như của Dostoievsky, Lev Tolstoy… và các tác giả thời danh như Aleksandr Solzhenitsyn, Boris Pasternak…
Sau khi đất nước thống nhất, văn học Nga thời Xô Viết được dịch và quảng bá rầm rộ khắp cả nước. Các dịch phẩm văn học Nga được ấn hành hầu hết bởi Nhà xuất bản Cầu Vồng ở Liên Xô, rồi nhập về Việt Nam. Các ấn bản này thường được các họa sĩ vẽ bìa và thiết kế riêng cho độc giả Việt Nam.
Một khán giả hỏi về lịch sử dịch thuật tại Việt Nam sau 1975 với các tác giả như Boris Pasternak, Aleksandr Solzhenitsyn, M.Bulgakov… những nhà văn lừng lẫy thế giới, viết với thái độ phản kháng. Vấn đề này được Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng “những nhà văn có yếu tố chính trị này là thứ yếu của nền văn học Nga quá lớn”. Còn Phạm Ngọc Thạch cho biết, từ sau thời kỳ M.Gorbachyov thì họ mới được nhìn nhận và in lại ở Nga. Lúc này những nhà văn ấy mới được dịch và giới thiệu tại Việt Nam.
Riêng với trường hợp M.Bulgacov thì chỉ có dịch giả Đoàn Tử Huyến dịch, với các tác phẩm như Nghệ nhân và Margarita, Trái tim chó, Những quả trứng định mệnh…
Ngay một số tác giả kinh điển thế kỷ 19 như Dostoievsky cũng không được khuyến khích xuất hiện thời Liên bang Xô Viết. Dịch giả Cao Xuân Hạo dịch Tội ác và hình phạt từ năm 1962, nhưng mãi tới năm 1982 mới được xuất bản tại Việt Nam.
Vấn đề của hôm nay
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nói rằng ông gần như là thế hệ cuối cùng sống với văn học Nga, theo nghĩa dịch thuật. Ông cho rằng có thể khi thế hệ ông hay Phạm Ngọc Thạch ngừng làm việc thì khó còn ai dịch văn học Nga sang tiếng Việt nữa.
Ông Đăng cũng nói thêm, do những biến động lịch sử, từ sau năm 1991, thật đáng tiếc khi độc giả Việt đã không còn quan tâm tới văn học Nga nói chung, và văn học thời kỳ Liên Xô nói riêng. “Bỏ qua tính chính trị và thời cuộc, văn học Nga là nền văn học lớn và thú vị, xứng đáng được các bạn trẻ quan tâm, tìm hiểu”.
Dịch giả Phạm Ngọc Thạch thì cho rằng việc bạn đọc hôm nay ít quan tâm đến văn học Nga không phải do họ, mà do chính sách của nhà nước không còn tập trung quảng bá như trước. Hơn nữa, do định hướng của giới làm sách và kinh doanh sách không còn chú trọng văn học Nga, đôi khi độc giả muốn đọc cũng không biết mua sách ở đâu. Ngay tác phẩm Tuần đêm của một nhà văn tiêu biểu đương thời như Sergei Vasilievich Lukyanenko, khi dịch sang tiếng Việt cũng không thấy bán ở các nhà sách.
Khi đề cập đến vấn đề dịch văn học Nga đương đại thì cả hai dịch giả đều than phiền rằng đang là một khoảng trống, bởi chưa có dịch giả Việt Nam nào theo dõi. Theo Phạm Ngọc Thạch thì văn học Nga đương đại có nhiều tác giả và tác phẩm lớn, đang được các nền văn học khác săn đón để dịch thuật. Việt Nam không có người theo dõi và dịch thuật.
Ngày nay nhìn tổng thể về văn học Nga, vẫn là nhìn qua các tác phẩm kinh điển được tái bản, còn văn học đương đại thì gần như vắng bóng. Chia sẻ bên lề, dịch giả Phạm Ngọc Thạch cho biết sắp tới ông vẫn chỉ dịch lại những tác phẩm của Dostoievsky, chứ không phải đương đại, do khó tìm nơi đầu tư, xuất bản.
Buổi tọa đàm tuy kéo dài, nhưng rất nhiều câu hỏi và thắc mắc vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Hai dịch giả nói đại ý rằng hai cánh bướm thì không thể làm nên mùa Xuân, nên phải chấp nhận im lặng trước những câu hỏi nằm ngoài khả năng và thẩm quyền của bản thân.
Tiểu Mục Đồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất