03/07/2018 14:05 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Mùa Hè năm nay, ngoài rạp lại có thêm một bộ phim về đề tài bóng đá thất bại nặng nề. ''11 niềm hy vọng'' của đạo diễn Robie Trường đã không đáp ứng được bất cứ sự kỳ vọng nào của khán giả.
Đây là năm thứ hai liên tiếp điện ảnh Việt chứng kiến một bộ phim “ngã ngựa” ở đề tài này (năm ngoái là phim ''Sút'' của đạo diễn Việt Max).
Vì sao các cường quốc bóng đá lại ít mặn mà với phim về bóng đá?
Bóng đá là môn thể thao vua thu hút hàng tỷ người hâm mộ trên khắp hành tinh. Nhưng có một điều vô cùng dễ nhận thấy, đó là qua bao năm tháng, cho dù nền điện ảnh thế giới đã phát triển một cách thần tốc từ cả trăm năm nay, nhưng phim về bóng đá vẫn là của hiếm đối với người hâm mộ túc cầu.
Ngay cả ở những nơi bóng đá được tôn làm quốc giáo như Brazil, Argentina… hay những nước có nền bóng đá hùng mạnh và giàu có ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Italy…, họ cũng hiếm khi làm phim về bóng đá.
Nghịch lý là đa số những bộ phim mang chủ đề bóng đá - mặc dù không nhiều, đều đến từ Mỹ, nơi mà bóng đá còn xếp sau nhiều môn thể thao khác, và thậm chí, họ gọi bóng đá là “soccer” chứ không phải “football” như phần còn lại của thế giới (ở Mỹ, football là môn bóng đá kiểu Mỹ, tức bóng bầu dục).
Tuy nhiên, Mỹ lại là một cường quốc dày dặn kinh nghiệm làm phim thể thao, nên dù phim bóng đá “made in USA” hầu hết bị chê bai về nội dung và cảm xúc, nhưng sự kịch tính và sống động thì ít có phim bóng đá nào của các nước khác sánh bằng.
Vậy nguyên do gì khiến các cường quốc bóng đá giàu có lại ít mặn mà với phim về bóng đá? Có thể lý giải rằng: số đông người hâm mộ bóng đá (từ sân cỏ cho đến truyền hình) sẽ không đến rạp để xem một bộ phim về bóng đá. Quốc gia nào càng yêu bóng đá thì càng không ra rạp, bởi ở đó, người ta không thể biểu lộ cảm xúc thật của mình, không thể hò reo, la hét, cổ vũ, khua chiêng gióng trống, phất cờ hay nhún nhảy… Mà thiếu không khí ấy thì còn gì là bóng đá?
Điện ảnh dù gì cũng chỉ là sự dàn dựng. Để có thể tái hiện nguyên vẹn bầu không khí của một trận túc cầu thực sự, với bất kể đạo diễn nào - dù tài ba đến đâu, cũng là điều gần như bất khả thi.
Làm phim bóng đá ở Việt Nam: đừng liều lĩnh!
Những người làm phim về bóng đá ở Việt Nam đều thể hiện tình yêu vô điều kiện của mình với môn thể thao vua, nhưng họ quên không nhìn vào thực tế rằng ở Việt Nam, làm phim thể thao rất tốn kém mà lại không có khán giả. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng: trong cả chục triệu người đổ ra đường hòa mình cùng bóng đá, chẳng lẽ không có lấy vài triệu hoặc vài trăm ngàn người đến rạp xem phim?
Mỗi môn thể thao đều có một đặc thù riêng, và phim về bóng đá càng phải chịu những phán xét khắt khe hơn bất cứ phim thể thao nào bởi môn thể thao này quá đại chúng. Hơn nữa, rành bóng đá và quay một bộ phim bóng đá là hai chuyện hoàn toàn khác biệt. Điện ảnh Việt vẫn còn yếu kém và lạc hậu toàn diện so với thế giới, làm một bộ phim về bóng đá vào lúc này chẳng khác nào… “điếc không sợ súng”!
Trên hết, chúng ta không có đủ tiền để làm phim thể thao cho ra trò. Không có tiền nên không thể có các thiết bị chuyên dụng đặc biệt để quay phim thể thao, không thể thuê các chuyên viên thể thao lão luyện với vai trò cố vấn, không thể làm kỹ xảo cho tinh tế… và cuối cùng, dẫn đến không đủ tài lực để tạo ra một kịch bản có sức thuyết phục, xem phim chỉ thấy toàn những chi tiết phi thực tế cùng lời thoại sáo rỗng.
Tình yêu với bóng đá của cả một dân tộc là thứ tinh thần không thể đo đếm, nhưng thất bại của một bộ phim về bóng đá lại hoàn toàn tính được khi nhìn vào doanh thu phòng vé, số ghế trống trong mỗi suất chiếu phim. Đó là chưa nói, mất mát lớn nhất ở đây không chỉ là tiền, mà còn là lòng tin của khán giả vào phim thể thao của nước nhà.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất