Diễn viên Hoàng Vân Anh: Bây giờ, nổi tiếng với sân khấu rất khó khăn

07/02/2016 14:21 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Dù kết thúc có vẻ có hậu, nhưng nước mắt từ bi kịch ái tình Lan và Điệp không vì thế mà vơi đi. Diễn viên trẻ Hoàng Vân Anh - người có khá nhiều vai diễn ấn tượng tại sân khấu Hoàng Thái Thanh - một lần nữa nhận được sự tin tưởng của đạo diễn khó tính để vào vai nặng nhất: Lan.

Trong 6-7 năm tại Kịch Hoàng Thái Thanh, nữ diễn viên này đã tham gia khoảng 20 vở, và đã có vai ấn tượng trong các vở kịch: Chuyện bây giờ mới kể, Tục lụy, Trần gian phải có tình yêu, Đèn không hắt bóng, Oan tình ai thấu, Không cần đàn ông, Lạc giữa phố người, Tái sinh, Bao giờ sông cạn… Cô có cuộc trò chuyện cùng Thể thao & Văn hóa.

* Lan đã là một vai diễn - một hình ảnh kinh điển trên sân khấu Việt Nam, thật khó để làm mới, vậy thì khi nhận vai này bạn có cảm thấy quá căng thẳng không?

- Tôi không bị căng thẳng hay áp lực vì hình tượng nhân vật quá nổi tiếng, do dạng vai đào thương này bản thân cũng đã diễn nhiều lần. Cái khó nhất là làm sao tìm ra những nét mới trong cách diễn để tạo dấu ấn, bởi dù muốn dù không, khán giả sẽ so sánh. Nhưng thật lòng thì tôi không sợ chuyện so sánh, vì mình còn trẻ mà được giao vai lớn đã là hạnh phúc rồi, chỉ sợ mình không vượt qua chính mình, không tiến bộ mà thôi.


Diễn viên Hoàng Vân Anh. Ảnh: TL

Khi được giao vai lớn trên sân khấu, tôi mừng lắm, nhưng cũng chỉ được một chút thôi, sau đó ám ảnh hoài chuyện phải diễn thế nào cho mới mẻ. Tôi thuộc tuýp diễn viên rất chậm chạp, cái gì cũng có ít hơn người ta, nên cách duy nhất là phải tập trung nhiều hơn.

* Trước đây sân khấu chỉ cần 1-2 vai hay là diễn viên trẻ sẽ nổi tiếng, bây giờ bạn đã có 3-4 vai ấn tượng rồi nhưng tên tuổi vẫn còn khá khiêm tốn, bạn có buồn không?

- Nói không buồn thì không thật lòng, nhưng phải nói buồn vui lẫn lộn thì mới đúng. Sân khấu bây giờ không còn sức hút như trước, người thích thì vẫn cứ đi xem một vở nhiều lần, người thờ ơ thì một lần cũng không đi, nên nổi tiếng với sân khấu khó khăn lắm. Nhiều vở diễn thành công nhiều suất nhưng xoay đi ngoảnh lại cũng chừng đó khán giả.

Đó là nhìn xuôi, còn nhìn ngược, tôi thấy mình quá may mắn vì được thầy cô (NSƯT Thành Hội và Ái Như - PV) dìu dắt, giao cho những vai ngày càng nặng ký hơn, đó là cách rất khoa học để mình phát triển nghề nghiệp. Sân khấu bây giờ đất chật người đông, nhiều anh chị và đồng nghiệp có thanh sắc hơn hẳn tôi mà lại thiếu vai để thể hiện. Một, hai năm gần đây tôi không muốn so đo chuyện buồn vui nữa, chỉ cố làm sao diễn tập trung nhất có thể.

* Dù bạn nói mình hơi kém về sắc vóc, nhưng nếu chịu khó “lăn lộn” trong giới showbiz, nương theo tin lá cải, giật gân thì chắc cũng có thêm những tiếng tăm này kia. Vì sao bạn không làm?

- Tôi không hề chê bai những điều ấy nhưng tự thấy mình không phù hợp, mỗi lần đến các sự kiện lùm xùm là cứ thấy mình thừa thải. Điều này có lẽ do cá tính, vốn hơi nhút nhát từ nhỏ, một phần đến từ môi trường làm việc khắt khe tại Kịch Hoàng Thái Thanh, nó đã thành nếp.

Với lại, nếu cần một người bạn đi xem phim hoặc nói chuyện, tôi có thể được ai đó chọn lựa, chứ còn xét ở khía cạnh quyến rũ, khêu gợi thì rõ ràng có muốn tôi cũng khó làm được. Muốn thật sự thành công và tạo ấn tượng trong showbiz, tôi tự thấy mình không có cửa.

Ngay với phim truyền hình cũng vậy, tôi đã đóng cả chục phim, nhưng vì vóc dáng, nên chẳng có vai nào theo hướng quyến rũ, khêu gợi, thời trang, se sua… Tự biết giới hạn của mình để bình yên với những gì mình sẽ được giao.

Sân khấu rối như canh hẹ!

Sân khấu rối như canh hẹ!

Tuy nói chung là “các sân khấu” tại TP.HCM, nhưng thực ra chỉ còn các sân khấu kịch nói, nơi đa phần do tư nhân (hay gọi mỹ miều hơn: xã hội hóa) điều phối, thuê mặt bằng, nên hoàn toàn khó ổn định.


* Với suy nghĩ như vậy, bạn hình dung thế nào về con đường diễn viên của mình?

- Cách đây 2-3 năm tôi cũng “mau với chứ, vội vàng lên với chứ”, nhưng do thể trạng và cá tính, nên chẳng cái nào ra cái nào. Bây giờ, tháng nào tập kịch thì tôi sẽ không đi phim, nên mỗi năm chỉ đóng 2-3 phim truyền hình để có thu nhập căn bản, còn lại dồn hết tâm sức cho kịch.

Tôi tin rằng độ tuổi chín nghề với một diễn viên kịch là 35 đến 45 tuổi, nên bản thân phải chuẩn bị để đi đến đó. Khi đến đó, tôi có thể vẫn không nổi tiếng, nhưng chắc chắn mình phải là mình, khi nhận vai là phải nhập vai.

Vở kịch Lan và Điệp (KB: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, ĐD: NSƯT Thành Hội) vừa công diễn tại Kịch Hoàng Thái Thanh có cái nhìn phản biện với tiểu thuyết kinh điển Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan. Hai chi tiết phản biện rõ nhất là Điệp không hề bị gài bẫy ép duyên cùng Thúy Liễu, còn Lan thì lấy chồng Tây thay vì đi tu.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm