02/10/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Như một sự tình cờ, những phát minh về vaccine phòng Covid-19 thời gian qua có sự đóng góp của khá nhiều nữ khoa học gia. Trong đó, Katalin Karikó (Hungary) và Özlem Türeci (Đức) cùng liên minh phát triển các loại nhãn hiệu vaccine như Moderna, Pfizer, còn Sarah Gilbert (Anh) thì là mẹ đẻ của nhãn AstraZeneca.
Để tri ân ơn cứu mạng bản thân và đồng loại, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng vừa tạc tượng 3 nữ khoa học gia mà ông gọi lại là “sơ tổ” - theo nghĩa "vị tổ đầu tiên" (sơ khai, sơ khởi) của vaccine phòng Covid-19.
1. Ba nữ khoa học gia này và nhiều cộng sự đã có công lớn trong việc nghiên cứu, phát minh, điều chế, sản xuất 3 loại vắc-xin phòng Covid-19 được phê duyệt đầu tiên ở châu Âu và ở Mỹ, tính đến ngày 8/1/2021. Đó là tozinameran (ComirnatyTM) của BioNTech/Pfizer (trước đây gọi là BNT162b2), quen gọi là Pfizer; mRNA-1273 của Moderna, quen gọi là Moderna; và ChAdOx1 nCoV-19 của Đại học Oxford/AstraZeneca, quen gọi AstraZeneca.
“Tôi muốn gọi 3 khoa học gia này là sơ tổ, theo nghĩa người gần như đầu tiên có công phát minh, khai sáng ra một phương pháp, một cách thức cứu người hiệu quả” - Phạm Văn Hạng cho biết.
Điêu khắc gia này cho biết thêm: Trước đây ông từng tạc tượng các bác sĩ Việt Nam như Phạm Biểu Tâm, Nguyễn Khắc Viện, Trương Thìn, Dương Cẩm Chương… Nhưng nhờ được gặp và trò chuyện với các nhân vật nhiều lần, hiểu được tính tình và các quan niệm về nhân sinh của họ, công việc này có những thuận lợi nhất định khi ông đã quen việc thể hiện phong thái của một bác sĩ.
Nhưng việc tạc tượng 3 khoa học gia chế vaccine này thì khác hẳn. Trước đại dịch Covid-19, ông chưa biết họ là ai, không có trao đổi gì, nên bây giờ chỉ biết nhìn hình trên mạng, rồi cảm nhận theo ý riêng. Điều này cũng khác với việc ông tạc tượng bác sĩ Yersin (1863-1943), người đồng phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch (sau được đặt tên là Yersinia pestis) và thuốc điều trị; cũng như phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên, Đà Lạt. Bởi lẽ Yersin đã mất từ lâu, nên khi tạc tượng, bên cạnh sử liệu, ông khá tự do trong sự tưởng tượng và sáng tạo.
“Tôi lên mạng xem lại những hình ảnh từ lúc trẻ trung cho đến lúc xế bóng của ba nhà khoa học này, tìm kiếm cảm xúc để tạo tác những đường nét cơ bản nhất, nhằm biểu thị hồn cốt. Tôi chọn phong cách tả thực, vì họ là những nhà khoa học trong lĩnh vực chính xác, chuẩn mực. Tôi cũng tạc họ trong phong thái thường nhật, gần gũi, chứ không quá trang trọng, bề thế, vì tôi thấy họ khá giản dị, khiêm tốn, bao dung” - Phạm Văn Hạng chia sẻ.
Ông cho biết thêm: “Thật sự thì khi làm thì tôi có cảm giác như đang tạc tượng những người thân quen, có lẽ do sự ngưỡng mộ công đức vô lượng của họ. Mục đích đầu tiên và duy nhất khi tạc tượng là chỉ muốn bày tỏ tấm lòng của người thụ ơn, nên làm hết cảm xúc, còn đẹp xấu thế nào thì người xem tượng tự thẩm định và đánh giá riêng”.
2. Điêu khắc là bộ môn nặng nhọc, nhưng ở tuổi 80, Phạm Văn Hạng (sinh năm 1942 tại Nam Ô, Đà Nẵng) vẫn đầy cảm hứng, phác thảo, sáng tạo liên tục. Bên cạnh phác thảo nhiều tượng và tượng đài, ba tượng khoa học gia vaccine này được làm trong gần 2 tháng giãn cách gần đây. Ông nói: “Đất sét dự trữ đã hết, mà lúc này kiếm khó quá, nên cứ làm từng bức và từng bước. Tượng đất nung xem như đã hoàn chỉnh một chất liệu, nhưng nếu lúc này mà có thêm đá, hoặc có thể đi đến xưởng đúc đồng được, tôi sẽ chuyển thể thêm chất liệu cho đá hoặc đồng luôn”.
Tính cách của Phạm Văn Hạng là vậy, ông tự gọi mình là kẻ lao lực, còn bạn bè thì thấy ở ông sự mẫn cảm với thời thế, gặp nhân vật tạo được sự xúc động, kính trọng, biết ơn là ông liền phác thảo, nén đất sắt, đổ khuôn thạch cao… Hàng trăm tượng văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học, nhà phát minh… mà ông đã làm suốt 50 năm qua đều có được cảm xúc như vậy.
Trong đời tư, Phạm Văn Hạng cực kỳ quý thời gian và bạn bè, rất đúng giờ, ví dụ hẹn gặp 6h30 thì 6h20 ông đã có mặt. Ông thường đi ngủ sớm, 3-4 giờ sáng đã thức dậy làm việc, 5h30 là đã ra khỏi nhà, đến trưa là đã qua được 4-5 cuộc hẹn cà phê, gặp gỡ, thăm viếng bạn bè. Có khi hôm nay ông ở Sài Gòn, khuya lên xe, sáng mai đã là Đà Lạt, sáng ngày kia đã là Đà Nẵng. Trong một tuần ông duy chuyển qua vài ba tỉnh thành, Sài Gòn đi Hà Nội, Quảng Ninh, rồi về Đà Lạt là rất thường thấy. Điều này giúp ông có được sự quảng giao và nhiều bạn bè, giữ được nhiệt huyết, sự trẻ trung trong công việc.
Phạm Văn Hạng khẳng định việc tạc tượng mới là bước đầu tiên, tiếp theo ông sẽ tìm cách chia sẻ lòng biết ơn này đến với 3 khoa học gia này và công chúng. Ông nói: “Sau khi dịch tạm ổn và 3 tác phẩm này đã hoàn chỉnh nhất có thể, tôi sẽ suy tư cách tri ân ba nhà khoa học này sao cho trang trọng, hợp lý. Có thể là một trưng bày ấm cúng các tượng bác sĩ và ba sơ tổ này, hoặc sẽ hiến tặng cho những không gian phù hợp. Tôi cũng nghĩ đến việc đúc ba phiên bản đồng để tặng cho ba sơ tổ, dù biết việc này rất khó mà như ý. Bởi, những người này rất khiêm tốn, những quà tặng như thế này chưa chắc họ nhận”.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất