08/12/2020 19:32 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sau gần 3 tháng tập luyện, vở diễn Cây gậy thần của Liên đoàn Xiếc VN và Nhà hát Cải lương VN đã chính thức có buổi ra mắt tại Rạp xiếc TƯ vào tối 6/12. Đây là vở diễn được dư luận quan tâm ngay từ khi khởi công bởi ý tưởng đặc biệt: Kết hợp 2 loại hình biểu diễn cải lương và xiếc trên sân khấu.
Gắn với huyền tích Tiên Dung - Chử Đồng Tử, nội dung của Cây gậy thần không quá xa lạ với phần đông khán giả. Thế nhưng, điểm hấp dẫn của vở diễn nằm ở cách thể hiện mới lạ, khi 2 đạo diễn cải lương (NSND Triệu Trung Kiên) và xiếc (NSND Tống Toàn Thắng) cùng phối hợp để tạo nên một không gian sân khấu hoành tráng, nhiều tầng bậc. Song song hoặc nối tiếp nhau, các cảnh diễn liên tục hoán đổi giữa bối cảnh triều đình Lạc Vương, cảnh tái hiện cuộc sống của người dân làng Chử Xá hay cảnh tòa lâu đài nguy nga mọc lên giữa đầm Dạ Trạch.
Và trên nền sân khấu ấy, nhờ kết hợp các kỹ xảo đặc trưng của nghệ thuật xiếc, cũng như sự xuất hiện của một số diễn viên xiếc chuyên nghiệp, hàng loạt cảnh diễn trong vở lại trở thành những điểm nhấn độc đáo. Chẳng hạn, ở cảnh Chữ Đồng Tử và Tiên Dung gặp gỡ, khán giả đã ồ lên thích thu khi cặp nhân vật chính này vừa ca cải lương vừa bước lên đu dây và được kéo lên không gian vòm của rạp. Hoặc, ở cảnh Chử Đồng Tử vượt biển trên chiếc thuyền độc mộc, con thuyền được “treo” lơ lửng giữa không trung, trong khi dàn thủy quái vây quanh (do các diễn viên xiếc thể hiện) lại không ngừng tìm cách đu lên thuyền...
Không chỉ có những pha treo người, nhào lộn, giữ thăng bằng... điển hình của nghệ thuật xiếc, khán giả của Cây gậy thần còn được chứng kiến các màn biểu diễn cách điệu từ ảo thuật, tung hứng và cả... xiếc thú – khi khá nhiều dê, trâu, lợn cũng được lên sân khấu trong những cảnh sinh hoạt đặc thù của dân làng. Và, để phù hợp với tiết tấu của vở diễn, toàn bộ các bài vọng cổ của cải lương được hòa âm phối khí trên nền nhạc jazz khá vui tươi và sôi động.
Như chia sẻ của đồng đạo diễn NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, ở thời điểm khởi công, những người làm vở cũng khá bỡ ngỡ và lo lắng khi 2 loại hình nghệ thuật trong Cây gậy thần có những đặc trưng khác hẳn nhau: Cải lương thiên về chậm rãi, sâu lắng trong khi xiếc lại có nhịp điệu nhanh và trực diện.
“Cá nhân tôi vô cùng khâm phục các bạn diễn viên cải lương khi thấy họ vừa đu trên dây như diễn viên xiếc, vừa diễn, vừa hát - anh nói - “Thật sự, chúng tôi đã phải cố gắng vượt lên chính mình để khắc phục những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Từ sự kết hợp này diễn viên của cả 2 loại hình đều phải có sự tương tác và học tập về kỹ thuật biểu diễn của nghệ thuật bạn”.
Theo dự kiến, Cây gậy thần sẽ được biểu diễn cố định vào các ngày cuối tuần tại rạp Xiếc Trung ương trong thời gian từ giữa tháng 12 tới Tết Nguyên đán.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất