06/02/2019 07:18 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tết xưa đối với cả nước thiêng lắm vì thời đó rất ít lễ hội. Người Hà Nội đón Tết theo cách riêng của mình: Chuẩn bị đón Tết từ đầu năm.
Chuẩn bị đón Tết vất vả công phu lắm: Tết đến sau lưng/Ông vải thì mừng, con cháu thì lo...
Lo củi từ... đầu năm
Thời đó, từ đầu năm các gia đình Hà Nội phải đi thu vác những củi gộc, nhiều mấu không dùng được việc gì gọi là “đầu trâu mặt ngựa” cất một chỗ để dành ngày Tết nấu bánh chưng. Nhiều gia đình không tích lũy đủ củi phải về quê cách hơn 20km chở củi hoặc các gốc tre bằng xe đạp mang về Hà Nội.
Có lần bố tôi về quê chở toàn củi sung đem nấu bánh chưng khói mù mịt khắp phố như hun chuột mà lửa không bốc lên được. Năm đó bánh chưng bị sượng, mùng bốn Tết phải đem nấu lại.
Trung tâm ngày Tết diễn ra quanh nồi bánh chưng. Những nhà phố cổ Hà Nội, cửa lui vào khỏi vỉa hè khoảng 2m thành nơi nấu bánh chưng Tết lý tưởng: ngoài đường gió rét thổi hun hút, mưa Xuân phơi phới bay, phía trong nồi bánh chưng bốc hơi nghi ngút. Xung quanh bếp lửa hồng ấm cúng cả gia đình tập hợp trông bánh, chơi Tết. Trẻ con thì xúm nhau chơi tam cúc ăn tiền nhưng chỉ đủ vui. Ngày thườngtrò cờ bạc này tuyệt đối cấm. Người có tuổi tập trung chơi chắn say mê. Tiếng pháo nổ đì đẹt mùi diêm sinh, mùi củi lửa, mùi bánh chưng thành hương vị Tết huyền bí của phố xưa.
Thưở ấy thiếu chất dinh dưỡng nên người gầy lắm, thanh niên 25 tuổi chỉ nặng 40kg là bình thường. Võ sĩ Dậu nổi tiếng Hà Nội chỉ nặng có 42kg. Võ sĩ Bùi Trần Tý là công nhân nhà máy điện Yên Phụ, lừng danh nhất Hà Nội làm rung chuyển bao nhiêu sàn đấu cũng chỉ nặng 45kg. Người nào bụng to như chửa, mặt béo phì là loại quý tộc, loại này thường chỉ được nhìn thấy ở mấy ông quan Tây và bà đầm già.
Chính vì quá gầy lại thiếu ăn, bụng đói cật rét nên rất thích được ngồi trông nồi bánh chưng để sưởi ấm.Sưởi ấm kiểu này thì nửa trước ấm hơi rát, sau lưng vẫn lạnh chứ không ấm đếu toàn thân như điều hòa ngày nay.
Thú tắm Tất niên của thanh niên, ông già
Xung quanh nồi bánh chưng đặt ké những ấm, xoong, chậu, nồi niêu đựng đầy nước đun nóng dùng để tắm- ngày tắm cuối cùng trong năm gọi là tắm Tất niên.
Thời ấy mùa rét rất kinh sợ phải tắm vì không có nhà tắm kín, phải tắm ở giữa sân bằng nước lạnh. Cho nên nhiều người có đến cả tuần mới tắm một lần. Những chiếc may ô cáu ghét đen sì có giặt xà phòng cũng không sạch. Ngày xưa chỉ dùng loại xà phòng con cóc cứng như gỗ rất ít bọt, chứ đâu có loại bột giặtnhư ngày nay. Nhiều chiếc may ô sau khi tắm giặt không sạch đành chỉ đem vứt đi.
Tắm Tất niên coi là rất xa xỉ vì thời ấycả phố chỉ có một vòi nước. Ngày Tết vòi chảy như đái rắt. Muốn có nước tắm phải chuẩn bị thức mấy đêm mới lấy đủ nước dùng. Máy nước là nơi xảy ra không biết bao trận đánh chửi nhau khốc liệt vì tranh giành trước sau. Máy nước nào cũng có một hai tên đầu gấu, mặt rất bặm trợn, hắn không cần xếp hàng, thậm chí hắn còn lấy hộ nước cho cả mấy cô sen để ra oai. Dân hận và sợ.
Nước tắm còn được cho thêm vào mớ rau mùi già trĩu hạt vừa là loại nước thơm duy nhất vừa là thảo dược chống cảm lạnh.
Ngày Tết được tắm nước ấm thoải mái nên ghét cũng bở ra, bong ra khỏi người. Chỉ kỳ nhẹ ghét đã rời ra như đàn giun vê lại thành viên bi, bóp nát trong bàn tay rồi di vào người thấy thú thú cũng hơi ghê ghê.
Nước tắm lênh láng trên sân gạch, ghét nổi lềnh bềnh khắp sân trôi ra miệng cống rồi mất hút. Chúng tôi hay nói đùa: “ngày Tết này chắc chắn cống sẽ tắc vì ghét của mọi người lấp đầy”. Bóc được lớp ghét trên người sao mà sảng khoái thế, sướng như được cô tiên mát xa một trận đã đời.
Tắm Tất niên cho các cụ già phải thật tuyệt kỹ. Bế các cụ lên tuy nhẹ như đứa trẻ con nhưng phải nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa đặt vào ghế ngồi ở giữa sân, rồi từ từ tưới nước ấm cho các cụ từ chân lên đầu. Sau đó dùng khăn mặt thô kỳ cọ cho cụ, rồi lấy bàn chải chải sạch ghét ở kẽ chân, kẽ tay,mép dưới nếp da sần sùi.
Cọ xong dùng hòn đá kỳ khắp toàn thân một cách điệu nghệ. Hòn đá kỳ này thường dùng từ đời cụ kỵ đến con cháu tính có đến cả trên trăm năm. Lúc đầu hòn đá to bằng nắm tay sau vẹt đi chỉ còn bằng chiếc lưỡi lợn. Chỗ nào cọ nhiều mặt đá lõm hẳn xuống, chỗ tay cầm in rõ hình ngón tay. Kỳ xong dùng xà phòng con cóc xoa khắp người các cụ. Chú ý nếu xà phòng dính bụi cát ta không rửa sạch sẽ làm xây xát da các cụ đến rớm cả máu.
Cuối cùng mới tắm tráng bằng nước mùi già thơm. Tắm xong trông các cụ khác hẳn. Hồn cụ phơi phới như tiên - nói hơi phải tội: Trẻ con chỉ thấy các cụ hao hao như phù thủy trong cổ tích.
Cắt tóc đón Tết
Khoảng 20 Tết Hà Nội bắt đầu cắt tóc ăn Tết.
Ngày xưa rất hiếm hiệu cắt tóc, chỉ có cắt tóc vỉa hè là chính. Nhà nào vào loại khá giả sẽ có thợ cắt tóc đến tận nhà, nhà giàu thì cắt tóc ở cửa hiệu. Một số rất ít thiếu nữ sang trọng đi hiệu uốn tóc gọi là phi-dê. Thời ấy có lời bài hát: “Tóc em dài sao em không búi, cứ phi-dê cho tốn tiền anh”.
Thợ cắt tóc đến nhà trang bị cũng rất đơn giản: Một cái hòm gỗ đựng đồ nghề xách tay độ 2kg, một chiếc gương nhỏ để khách cầm tay. Chiếc tông đơ của ông phó cạo nhiều khi bị cùn, nhay tóc đau điếng. Trẻ con sợ nhất ông phó cạo liếc dao vào miếng da rồi cạo mặt. Mỗi lần cạo xong nhiều chỗ bị sứt sẹo rớm máu vì trẻ con không ngồi yên cứ ngọ ngoậy lung tung, phải nhờ bố mẹ quát, ông phó cạo luôn mồm dỗ: “Yên một tí sắp xong rồi, Tết tha hồ đi chơi” thì trẻ em mới chịu ngồi yên.
Quần áo Tết chỉ được mặc 3 ngày
Đầu tháng 10 là cả nước nao nức chuẩn bị đón Tết. Cuối tháng 11 mẹ tôi đã phải đưa chúng tôi đi mua quần áo Tết. Quần áo Tết chỉ được mặc 3 ngày. Sau 3 ngày Tết là cất đi để sang năm mới được dùng. Vì vậy, nên phải sắm quần áo rộng thùng thình. Trẻ em 5 tuổi phải mua bộ quần áo của đứa 8 tuổi. Năm đầu mặc bộ quần áo này cứ bước đi là các em vấp ngã. Thật tội. Nhưng cứ mặc quần áo mới là sướng lắm rồi, nên dù có ngã cũng quên cả đau.
Mỗi năm gia đình chỉ mua 1 bộ quần áo Tết rồi cứ luân phiên dùng đời anh cả cho đến đời em út. Nhà tôi có 10 anhem thì đứa út sẽ được mặc bộ quần áo của anh cả, nhưng vì quần áo chỉ mặc có 3 ngày Tết, cho nên trong 10 năm cũng chỉ sử dụng có 30 ngày, nên quần áo vẫn mới.
Thời xưa quần áo dăm chục năm chỉ một kiểu nên không bao giờ sợ lỗi mốt cả. Quần áo Tết được xếp cẩn thận trong hòm, bảo quản bằng băng phiến nên rất tốt và thơm. Nếu gia đình nào không cần dùng quần áo nữa sẽ để lại cho họ hàng.
Ngẫm lại Tết xưa Hà Nội, tuy nghèo mà sao đầm ấm thế, vui thế!
Nguyễn Bảo Sinh (nhà thơ dân gian)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất