19/02/2020 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi của nhà văn Tạ Duy Anh, tác giả Bước qua lời nguyền, đã gắn liền với bao thế hệ bạn đọc, đặc biệt là những độc giả nhỏ tuổi. Từ khi được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 6 cho đến nay, truyện ngắn này vẫn là một bài học giáo dục nhân cách giàu ý nghĩa cho trẻ nhỏ.
Không phải ngẫu nhiên mà Bức tranh của em gái tôi lại ẩn sâu một bài học có giá trị soi chiếu vào tâm hồn trẻ thơ để chúng nhận ra cái xấu mà tránh xa khi tâm hồn chưa bị vẩn đục.
Gọi tên được căn bệnh đố kỵ
Truyện ngắn ra đời được cộng hưởng bởi nhiều yếu tố, theo nhà văn Tạ Duy Anh đó là sự quan sát, sự trải nghiệm từ chính đời mình kết hợp với sự mong muốn “ngay từ bé, trẻ con phải khắc phục, chữa và tránh xa tật đố kỵ”.
Đọc Bức tranh của em gái tôi rõ ràng không chỉ bản thân những đứa trẻ, mà kể cả những người đã trưởng thành cũng sẽ tìm được bản ngã tâm tính của mình trong đó. Ai trong cuộc đời này ít nhiều chẳng đố kỵ đôi lần. Thế nhưng, cái sự đố kỵ của nhân vật người anh trong truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi là thứ đố kỵ trong sáng của tâm hồn trẻ thơ, chưa bị vẩn đục giống như những đố kỵ, toan tính khác ngoài đời.
Chính từ “thứ độ kỵ trong sáng” này mà truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi giống như một lời “cảnh báo cho những tâm hồn ngây thơ, vô cùng trong trắng có một loại bệnh đố kỵ đang ẩn nấp, nếu để nhoi lên thì cực kỳ nguy hiểm. Hãy làm cho nó nhỏ dần và tiêu đi” - nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ.
Mỗi loại bệnh đều có loại thuốc chữa trị riêng. Đối với bệnh đố kỵ ở trẻ nhỏ cũng vậy, liều thuốc hữu hiệu nhất đó chính là tình yêu thương và lòng bao dung. Điều này được nhà văn Tạ Duy Anh hữu hình hóa qua nhân vật em gái Kiều Phương. Chính sự tài năng, lòng nhân hậu, sự khoan dung của cô em gái đã khiến người anh phải tự nhận ra rằng: “Không phải con đâu, đây là tâm hồn và nhân hậu của em con đấy” trong phần kết truyện khi nhìn ngắm bức tranh mà em gái đã vẽ mình.
Với những giá trị giáo dục mang lại, không khó để giải thích vì sao tác phẩm này lại được chọn in trong Sách giáo khoa. Đối với riêng tác giả, “tác phẩm ở trong SGK, thứ nhất đã là một sự công nhận, sự khẳng định chuẩn mực về mặt đạo đức. Thứ hai là có một lượng bạn đọc nhất định. Tư tưởng, khao khát của người viết được truyền lại, nhân bản thì không nhà văn nào là không vui mừng, xúc động. Mỗi tác giả sẽ cảm thấy mình hoạt động cũng có ích. Sao lại không coi đó là một hạnh phúc to lớn, một hạnh phúc thật chứ không phải là cố để vui, không gì có thể sánh bằng, cho tiền cũng không bằng” - nhà văn Tạ Duy Anh bộc bạch.
Rõ ràng, bằng một lối viết dung dị, mộc mạc, gần gũi với tâm lý trẻ nhỏ nhưng lại có sự ám ảnh kỳ lạ, truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi đã thành công trong việc gọi tên được căn bệnh đố kỵ mà trước nay vẫn lờ mờ trong nhận thức của mỗi đứa trẻ. Đó là lý do vì sao truyện ngắn này lại đánh trúng được tâm lý và nhận được sự đồng cảm nhanh chóng đến thế từ các độc giả nhỏ tuổi.
Nhìn rộng ra từ câu chuyện trong Bức tranh của em gái tôi, nó còn là một định hướng giáo dục nhân cách cho trẻ nhỏ. “Giáo dục có nhiều cách, giáo dục cưỡng bức không ăn thua đâu, phải mang đến sự đồng cảm. Với trẻ con phải nhẹ nhàng, tinh tế và bao dung. Mình phải bao dung, xã hội phải bao dung với trẻ. Với một đứa trẻ mắc căn bệnh nào đó, chỉ có thể chữa khỏi cho nó bằng sự yêu thương” - nhà văn Tạ Duy Anh tâm niệm.
Cá tính mạnh mẽ trong sáng tác
Tạ Duy Anh là một nhà văn có cá tính mạnh trên văn đàn. Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tạ Duy Anh không thiếu những trang viết hiện thực không chỉ dừng lại ở thói đố kỵ đơn giản như truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi.
Thế giới của sáng tạo văn chương là không giới hạn. Thế nhưng, mẫu số chung cho những người cầm bút chân chính đó là làm đẹp cho cuộc đời. Mỗi người có những cách khác nhau để làm điều đó, nhưng nhà văn phải thể hiện được qua tác phẩm của mình. Có nhà văn sẽ giỏi ca ngợi nhưng nhà văn Tạ Duy Anh không thế. Trong sáng tác, nhà văn quan niệm: “Hiện thực có tốt đẹp, có nhơ nhuốc. Nếu không tìm, không đủ bản lĩnh, không đủ sự chú ý để chuyên sâu đi tìm những viên kim cương lấp lánh đang ẩn sâu đâu đó thì phải gạt bớt đi những bẩn thỉu để những cái tốt đẹp khác mới có cơ hội ngoi lên.
Chekhov - nhà văn đại diện vĩ đại của chủ nghĩa hiện thực phê phán văn học Nga từng viết rằng: “Nếu không có giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ”.
Hiếm có một nhà văn nào lại có được cho mình cá tính mạnh mẽ trong sáng tác như ở nhà văn Tạ Duy Anh. Đúng là người viết có lương tâm sẽ hoàn toàn tự tin với những sáng tạo của mình mang đến cho độc giả, giúp họ làm phong phú thêm đời sống văn chương, nhận thức được cái xấu xa mà tránh, làm đẹp cuộc đời bằng việc loại bỏ cái ác.
Bởi vậy mà đối với tác phẩm của mình, nhà văn Tạ Duy Anh tâm niệm rằng: Tác phẩm phải tự vật lộn với thời gian để sống với độc giả, còn nếu không được thì coi như mình phí thời gian để viết ra cuốn sách để họ ngắm nghía một thời gian rồi quên đi. Một tác phẩm nó cũng giống như con người, có số phận, có thân phận, có đời sống riêng của nó, cũng ra đời và sống, rồi lụi bại.
Xúc động “Bức tranh của em gái tôi” Bức tranh của em gái tôi là một truyện ngắn giản dị, trong sáng, gần gũi nhưng vô cùng ấn tượng và có sức ám ảnh lạ lùng. Toàn bộ câu chuyện do người anh - nhân vật “tôi” kể lại. Người anh có một cô em gái tên Kiều Phương, có biệt danh là Mèo. Là một cô bé vô cùng hiếu động, Kiều Phương lại có tài vẽ tranh. Chính nhờ tài năng của mình mà Kiều Phương luôn được quan tâm, chiều chuộng và thu hút sự chú ý của mọi người. Điều đó khiến người anh luôn cảm thấy tức tối. Người anh không những không yêu quý em Mèo mà thậm chí chỉ cần một lỗi nhỏ của Mèo là có thể gắt um lên. Sau này, Kiều Phương được đi dự trại vẽ tranh quốc tế và được giải cao nhất. Người anh cảm thấy vô cùng khó chịu trước thành công ấy của em mình nên khi Kiều Phương từ trại vẽ trở về thì bị ông anh “viện cớ đang dở việc đẩy nhẹ nó ra”. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra khi người anh phát hiện bức tranh được giải của Kiều Phương chính là bức vẽ chân dung mình với cái tên Anh trai tôi. |
Hỏi đáp Hiện tại - Quá khứ - Tương lai Khát vọng rất mạnh mẽ là phải viết tiếp * Ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình? - Cuộc sống của cá nhân mình thì đương nhiên phải hài lòng vì được sống, được sinh ra. Nhưng với sự phát triển của xã hội, nhà văn không bao giờ được phép hài lòng, không được phép mãn nguyện về sự tiến bộ xung quanh mình. Nếu anh hài lòng, anh không còn là nhà văn nữa, anh phải đòi hỏi hơn, luôn luôn phải đòi hỏi sự tiến bộ cao hơn. Nhiều người bảo: được thế này là tốt rồi, nhưng không. Tốt rồi, nhưng phải tốt hơn, thì mới là nhà văn. Nhà văn không được phép dừng lại, anh luôn phải nhằm đến một mục tiêu xa hơn, mà anh muốn nhắm đến mục tiêu cao hơn thì anh phải nghĩ về nó. * Nếu có cơ hội quay lại thời kỳ đỉnh cao, ông sẽ làm gì? - Tôi làm gì biết thời kỳ đỉnh cao của mình ở đâu mà quay lại. Bây giờ tôi đang sung sức, tôi không biết khi nào mình xuống sức, khi nào không viết được nữa. Tôi đang thấy mình có khát vọng rất mạnh mẽ là phải viết tiếp, và đúng thật, bây giờ tôi vẫn đang viết, viết rất khỏe. Vì thế, tôi không bao giờ muốn dùng từ đỉnh cao, mình làm được gì thì làm. Tự nhận là đỉnh có khi là đáy cũng nên. |
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất