Nguyễn Thị Kim Hòa - Người biết 'gõ cửa trái tim'

31/03/2021 19:59 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nguyễn Thị Kim Hòa, người Ninh Thuận, được những soạn giả Tiếng Việt 2 bộ Chân trời sáng tạo đặt viết mới 2 bài tập đọc. Sách đã được bộ Giáo Dục & Đào tạo phê duyệt và đưa bản mẫu lên mạng lấy ý kiến đóng góp của công luận, trước khi đưa vào sử dụng trong năm học mới 2021-2022.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Nhật Ánh - một danh tiếng bền vững…

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Nhật Ánh - một danh tiếng bền vững…

Kề từ năm học mới 2021-2022 ở cả cấp tiểu học và trung học cơ sở, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều có bài trong giáo khoa.

Trong các sách giáo khoa năm nay có nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, trong đó có Nguyễn Thị Kim Hòa (1984).

Chỉ một bài tập đọc mà phải sửa chữa nhiều lần

Tác giả Nguyện Thị Kim Hòa tâm sự: “Một ngày đẹp trời, anh Truyen Bui Thanh gọi mình: Hòa ơi. Bọn anh cần một đoạn văn cho sách giáo khoa lớp 2... Nghĩ bụng, lớp 2 thôi mà, gì chứ "đoạn văn", với mình, dễ như ăn kẹo! Bắt tay vào làm, mới sơ khởi, đã hoảng hồn nhận ra kẹo này hổng phải kẹo thường! Kẹo này là kẹo... "sửa. Không nhớ nổi thay bao nhiêu văn bản, đổi bao nhiêu lần từ, câu, tên bài. Chỉ nhớ có lần đã gào lên với chị chủ biên: Em thấy sao mà khổ hơn viết tiểu thuyết! Giờ. Đã có thể thở phào. Thở, vì lướt qua cả 2 tập sách Tiếng Việt 2 đã thấy những cái tên quen - những bạn bè, anh chị mình luôn trân trọng cả con người và tác phẩm. Thở, còn vì 2 bài mình lên trang cũng... không đến nỗi nào”.

Chú thích ảnh
Tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa

Nguyễn Thị Kim Hòa đã “thay bao nhiêu văn bản, đổi bao nhiêu lần từ, câu, tên bài” kể cả đổi tên mình thành An Hòa để có bài tập đọc tên là Bạn mới:

“Năm học mới, Kim có 2 người bạn mới. Bạn thứ nhất là Sa Li, cô bé có làn da màu mật ong. Mắt Sa Li rất to, mi dày rợp. Bạn mặc chiếc áo dài màu hồng phấn, nhưng không xẻ tà như áo dài của cô giáo. Trên áo có đến 2 dải lụa trang trí hoa văn thật nổi bật: 1 dải thắt ngang lưng, 1 dải chéo qua vai. Cô giáo nói chiếc áo dài này là trang phục truyền thống của dân tộc Chăm. Bạn thứ 2 là Vừ, người Tày, vừa theo gia đình chuyển vào từ một tỉnh miền núi phía Bắc. Vừ có vóc dáng khỏe mạnh, nước da đỏ hồng, mắt hơi xếch. Áo Vừ mặc không rực rỡ như Sa Li mà chỉ đậm một màu chàm. Trước ngực áo có điểm hàng khuy vải xinh xinh. Kim thích thú chuyện trò với 2 người bạn mới, mỗi bạn giúp Kim biết thêm bao điều thú vị”.

2 người bạn, người nào cũng đẹp. Đẹp nước da, đẹp cặp mắt, đẹp vóc dáng, đẹp trang phục… Những câu chữ đẹp trong bài văn hay tả người, của trò Kim. Kim cùng Sa Li, Vừ, và cô giáo thân ái bên nhau như người 1 nhà. Với những người bạn, mái trường như mái nhà chung của các dân tộc 1 đất nước thống nhất. Cái đẹp lớn lao ấy được gửi gắm trong câu chuyện giản dị chỉ 167 âm tiết của An Hòa - Nguyễn Thị Kim Hòa.

Bằng cách đặt hàng, với những yêu cầu cụ thể, kỹ lưỡng, như đã làm với tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa, những người làm giáo khoa có được những văn bản thật mới. Mới tới mức văn bản ấy chưa hề được “thử lửa” trước khi vào giáo khoa, như các trích đoạn, (hay nguyên bản) các tác phẩm văn học đã ra đời trước sách giáo khoa vài năm, vài mươi năm hay lâu hơn nữa. Vì thế, bản thân người được đặt hàng phải là tác giả đã qua thử thách, đã là thương hiệu!

Chú thích ảnh
Bài “Bạn mới” trong sách “Tiếng Việt 2”, bộ “Chân trời sáng tạo” của Kim Hòa (An Hòa)

Viết bằng tay trái mà “9 năm 15 đầu sách”!

Nguyễn Thị Kim Hòa là tác giả như thế. Nói như một bạn văn cùng trang lứa với Hòa, tác giả Văn Thành Lê, thì cô là người “9 năm 15 đầu sách”. Để có được con số ấy, Kim Hòa phải “bò ra sàn để viết văn trên giấy bằng tay trái. Cột sống yếu khiến Hòa không thể nằm nệm cũng như ngồi quá lâu gò mình bên bàn. Vậy là, trong khi bạn bè nằm nệm và gõ laptop rào rào thì Hòa dùng cả đầu và sức để vật nhau với chữ. Vậy nên văn chương với Hòa, nặng nhọc theo mọi nghĩa, lao động trí óc và cả lao động chân tay”.

Với cường độ lao động như thế, chỉ trong 1 cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội (2013 - 2014), có tới 5 truyện dự thi của Nguyễn Thi Kim Hòa vượt qua vòng sơ khảo, ra mắt bạn đọc trên trang in, và 3 trong 5 truyện ấy, tạo thành bộ 3 truyện được chấm giải Nhất (Hương thôn dã, Đỉnh khói, Thôi mùa cỏ cháy)! Cùng với điểm cao là những khen ngợi của thanh viên ban giảm khảo.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú nhận xét: “Dù là viết về lịch sử, về chiến tranh hay đề tài xã hội, dù đến với văn chương bằng cảm hứng nào đi nữa, Nguyễn Thị Kim Hòa đều cho thấy nhựa sống chảy tràn trên từng trang viết, đủ sức lay động, đánh thức những mỹ cảm sâu xa nơi trái tim người đọc”.

Chú thích ảnh
Bài “Út Tin” của Nguyễn Thị Kim Hòa trong sách “Tiếng Việt 2”

Với nhà văn Nguyễn Bình Phương thì: “Ở chùm truyện ngắn đoạt giải Nhất của Nguyễn Thị Kim Hòa, mỗi truyện có 1 lối khai thác và cách đề cập tới thân phận con người riêng, sâu sắc mà cũng rất dữ dội. Đó là tác giả có kỹ thuật viết rất tốt, nhuần nhuyễn, không khiên cưỡng. Với những điều ấy, tôi nghĩ Ban chung khảo có căn cứ để hy vọng đây là tác giả có nội lực đi bền bỉ để tiến tới một sự nghiệp chứ không chỉ là một cây bút trẻ của thời của đoạn”.

Sự bền bỉ đã có từ trước ngày Kim Hòa thành thủ khoa văn chương. Năm 2 tuổi, một trận sốt đã khiến tay phải của Hòa bị liệt, không thể cầm nắm hay làm việc nặng. Cũng may 3 ngón của bàn tay trái còn có thể cầm bút. Lên 6, Kim Hòa vẫn chăm chỉ tới trường và học giỏi để tốt nghiệp PTTH, được vào thẳng Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM, đủ học vấn về quê Phan Rang, mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà, vừa dạy vừa viết văn.

Số phận khắc nghiệt đẩy người cầm bút tay trái phải vượt lên chính mình, tích lũy tài năng để có thể biến khuyết tật thành đề tài “sở trường”. Nguyễn Thị Kim Hòa viết tác phẩm đầu tay, truyện dài Tay chị tay em in ở NXB Kim Đồng năm 2011 kể chuyện đôi tay mình.

Nhân vật cô gái trong truyện được người ông khuyên nhủ: “Con hãy kể cho bạn ấy nghe về đôi bàn tay con và những việc con muốn làm bằng bàn tay bị bệnh mà không làm được. Và con hãy nói với bạn ấy rằng mọi bàn tay trên đời này đều rất đáng yêu. Có bàn tay viết chữ đẹp, lại có bàn tay bắn bi giỏi, có bàn tay giỏi giơ lên phát biểu, cũng có bàn tay giỏi đưa em. Chẳng nên ghét bàn tay vì nó làm không được 1 điều trong số đó, mà phải yêu nó, phải an ủi nó để nó cố gắng hơn”. Sau 2 năm ra mắt, Tay chị tay em được NXB Kim Đồng tái bản và đưa vào dự án sách hỗ trợ cho trẻ em miền núi với hơn 2 vạn bản in.

Hóa giải những bất hạnh bằng phép màu văn chương

Các tác giả biên soạn giáo khoa đặt niềm tin vào Nguyễn Thị Kim Hòa vì, ngoài giải Nhất truyện ngắn của một tạp chí có uy tín về truyện ngắn trong nước, nhà văn trẻ của chúng ta còn được giải Nhất truyện ngắn trong một cuộc thi có yếu tố quốc tế. Đó là giải Nhất dành cho Hoàng tử Rơm. Nguyễn Thị Kim Hòa tham dự cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức năm 2015 có chủ đề Gõ cửa trái tim. Truyện Hoàng tử Rơm còn được dùng làm tên chung cho một tập sách gồm 10 truyện cũng được giải Nhất, trong dự án văn học dài hơi Việt Nam - Đan Mạch này.

Truyện này xét về đề tài, cũng là “sở trường” của Nguyễn Thị Kim Hòa, người biết cách hóa giải những bất hạnh bằng các phép màu văn chương.

Đây là câu chuyện “hoàng tử 9 tuổi của tôi không biết nói, biết cười”. Chị của hoàng tử - người kể chuyện, quyết đi tìm tiếng nói và nụ cười cho em mình. Cô làm đủ cách, từ thọc lét đến vẽ râu lên mặt làm mèo để chọc em, làm người đánh xe ngựa để cùng em phiêu lưu trên một ghế xích đu… đều không thành công, chỉ đến khi, người chị tìm cho em mình một cô bạn, con Tí, đứa bé vừa mất mẹ, và “có một đám mây luôn theo con Tí khi nó đi đến bất kỳ đâu.

Nó gọi đám mây là Mây Mẹ. Ngày nào nó cũng kiếm một cành cây trèo lên để được nhìn rõ mẹ hơn, gần mẹ hơn. Hèn chi mà nó có thể trèo cây nhanh thoăn thoắt. Nó thèm vòng tay mẹ, thèm lại được chơi những trò đã chơi cùng với mẹ.

Sinh thời, mẹ Tí thường làm ngựa cho Tí cưỡi chơi, “Hèn chi nhìn thấy chị em tôi chơi hoàng tử cưỡi ngựa, nó nhịn không được cứ lén tới xem, rồi ức lên bày trò chọc phá”. Chọc phá chỉ là cách làm tăng kịch tính cho hành trình, con Tí đến với thằng Rơm, công chúa đến với hoàng tử, cùng tiếng nói và nụ cười quà tặng khi “Hoàng tử đang cưỡi ngựa. Hoàng tử đã tự trèo được lên xích đu. Vẫn vịn 2 tay lên đầu chú ngựa trắng như thường lệ. Nhưng thật không tin nổi nữa. Hoàng tử đang ngước lên, đang nhìn về phía chúng tôi. Và cứ như một phép màu, một nụ cười đang dần bung ra trên môi hoàng tử. Một nụ cười rạng rỡ, sáng bừng”.

Nhờ cậy một nhà văn từng có 2 giải Nhất danh giá, viết mới 2 bài tập đọc cho học sinh lớp 2 là nhờ cậy tích cực của nhóm biên soạn giáo khoa. Và thật vui, khi Nguyễn Thị Kim Hòa và nhóm làm sách đang hoàn tất văn bản giáo khoa, thì nhà văn tuổi 8X trong bút danh Văn Hiến, lại thêm một giải Nhất nữa, từ cuộc thi viết tản văn Thương nhớ miền Trung do báo Thanh niên tổ chức!

Vài nét về Nguyễn Thị Kim Hòa

Thời học sinh Nguyễn Thị Kim Hòa liên tục 12 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi và đạt giải Khuyến khích kỳ thi giỏi Văn cấp quốc gia, năm học 2001 - 2002. Đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại TP.HCM. Hiện viết văn và dạy tiếng Anh tại nhà riêng bên bờ sông Dinh, tỉnh Ninh Thuận.

Lê Trần Ngọc Lý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm