15/07/2020 19:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Khánh Vinh từng được giải Nhất cuộc thi viết cho tuổi hồng (năm 1992) với bài Tia nắng hạt mưa, giải Nhất giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2008) với bài Cổ tích viết trên cát, giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức (2011) với bài Lời ru, giải Nhất (hạng A) giải thường niên của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM (2017) với bài A cappella ngợi ca TP.HCM…
Mở sách giáo khoa âm nhạc các cấp học, mới hay tầm “phủ sóng” của ca khúc Khánh Vinh vào nhà trường học thật đáng nể.
Nhiều bài hát được đưa vào SGK
Bài Ai dậy sớm với các câu: “Ai dậy sớm bước ra nhà, cau ra hoa, đang chờ đón/ Ai dậy sớm đi ra đồng, cả hừng đông đang chờ đón” (phổ thơ Võ Quảng) được dạy ở lớp 2.
Bài Vườn Xuân với các câu: “Hãy nhớ ơn người trồng cây người gieo hạt/ Hãy chăm cho đất nước mình luôn xanh tươi hoa trái” (phổ thơ Trần Quốc Toàn) được dạy ở lớp 5.
Bài Tia nắng hạt mưa với các câu: “Hình như trong từng tia nắng, có nét tinh nghịch bạn trai/ Hình như trong từng hạt mưa, có nụ cười duyên bạn gái” (phổ thơ Lệ Bình) được dạy ở lớp 6.
Bài Mẹ yêu cô yêu với các câu: “Mặt trời lăn rồi mọc/ trên đôi chân lon ton” (phổ thơ Trần Quốc Toàn) thường được chọn làm tiết mục ca múa cho các cháu mầm mon vào mỗi dịp phụ nữ quốc tế 8/3.
Nhạc của Khánh Vinh còn tìm tới các đại học khi ca khúc Một chân trời mới thường được dùng làm bài hát khai mạc mỗi năm; thành nhạc hiệu của cuộc thi Robocon. Ca khúc có đoạn: “… Một chân trời mới đang chờ chúng ta/ Chân trời rộng lớn đang vẫy gọi ta/ Chân trời khoa học mở ra trước mắt/ Gọi niềm mê say, gọi lòng khao khát”.
Trong mối quan hệ giữa giáo dục và âm nhạc, Khánh Vinh không chỉ ngồi đợi những người làm chương trình, làm sách, đưa tác phẩm của mình vào giáo khoa, ông còn chủ động đến với học sinh bằng “nhạc sống”. Ông tham gia viết nhạc cho kịch múa thiếu nhi Con vịt xấu xí theo tác phẩm lừng danh của văn hào Đan Mạch Andersen rồi dàn dựng cho thiếu nhi thành phố Cần Thơ và trình chiếu trên VTV. Cũng trên sóng VTV, ông là người tổ chức, biên tập, chỉ huy dàn nhạc, ca cảnh thiếu nhi Khăn đỏ lúa vàng của thiếu nhi tỉnh Đồng Tháp, khi ca sĩ Phương Thảo còn là một đội viên khăn quàng đỏ của đội ca múa thiếu nhi này.
Nhạc sĩ Khánh Vinh viết nhiều cho tuổi học sinh và thời gian đã sàng lọc được cái nhiều, để giữ lấy những cái hay. Ngoài những giải Nhất kể trên, ca khúc Tia nắng hạt mưa đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban khoa giáo của Đài truyền hình Việt Nam, Ban âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đưa vào danh sách 50 ca khúc thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20.
Người lính có trái tim nghệ sĩ
Nhạc sĩ Khánh Vinh sinh 1954, lúc đất nước chia cắt. Gánh nặng chiến tranh đè lên vai, khiến cậu bé Khánh Vinh, người làng nghề sơn mài mỹ nghệ Sơn Đồng, vùng ven Hà Nội, dù rất yêu âm nhạc, rất muốn diễn tả những làn điệu chèo mà mẹ hát hằng ngày, mình đã thuộc nằm lòng, cũng không thể lên tỉnh ghi tên học nhạc. Khánh Vinh tự làm sáo trúc, đàn bầu để chơi nhạc! Học hết phổ thông, anh trở thành người lính, chứ không thành một nhạc sinh.
Anh bộ đội Khánh Vinh chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam bộ từ năm 1973. Chính nhịp điệu chiến trường, cao trào bom đạn, là vốn sống, là gợi hứng để người lính có trái tim nghệ sĩ ấy sáng tác Hành khúc đoàn trung dũng (tức trung đoàn 24, một đơn vị anh hùng).
Ngày 30/4/1975 Khánh Vinh cùng đồng đội đánh chiếm Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, ngay ngày hôm sau anh lính trẻ ấy đã hoàn thành ca khúc Cánh hướng Nam (phổ thơ Trần Mạnh Phú) với các câu như: “Chúng tôi đi, như mũi mác/ Về thành đô với ước mơ thắm sắc cờ...”. Chính những ca khúc này giúp anh bộ đội Khánh Vinh thành người lính văn nghệ, để sau 1975, anh cởi áo lính, học ngữ văn tại Đại học Cần Thơ, học sáng tác tại Nhạc viện TP.HCM, thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp.
Ở vị trí Trưởng ban văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam ở Cần Thơ, rồi Trưởng ban văn nghệ đài Truyền hình Việt Nam ở TP.HCM, với năng lực chuyên môn được đào tạo bài bản, cùng tinh thần cống hiến của một cựu chiến binh, sáng tác của Khánh Vinh luôn đáp ứng những đòi hỏi nóng hổi của cuộc sống. Ông viết nhạc cho nhiều ca cảnh thiếu nhi phát trong chương trình Bông hoa nhỏ, nhiều ca cảnh trong số này được Huy chương vàng, Huy chương bạc tại các liên hoan truyền hình toàn quốc. Có thể kể như Thương cây, Lời trúc lời tre, Những con gà đất nhặt hạt thóc vàng, Vỗ cánh ghe ngo… Ca cảnh Cổ tích viết trên cát còn được giải Nhất, giải thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng năm 2008, như đã đề cập.
Khánh Vinh còn là người viết nhạc phim. Ông là tác giả âm nhạc các phim truyền hình như Nàng Hương (đạo diễn: Lê Văn Duy), Ba lần và một lần (đạo diễn: Trần Vịnh), Vòng hoa chăm-pây (đạo diễn: Huy Thành), Hồn biển (đạo diễn: Trần Vịnh)… Ca khúc viết cho phim Về đất Thăng Long (dài 80 tập, đạo diễn: Trần Ngọc Phong) có tựa là Âm vang từ dòng sông, với hơi nhạc ả đào và lời ca đậm chất thơ: “Trong xanh trong xanh in mây trời, in bóng núi uy nghi điệp trùng/ Ơ ơ dòng Hoàng Long uốn lượn dáng rồng bay/ Ôm ấp quê hương bao đời nay, như tấm gương soi bao thăng trầm ngàn năm/ Nghe lao xao tiếng ngàn lau, tiếng gió thổi từ dòng sông/ Gió lung lay bóng nguyệt/ Nghe đâu đây tiếng gươm khua, tiếng trống trận còn âm vang/ Vút lên trời xanh tiếng sáo diều vi vu, lướt trên luống cày đồng lúa, lướt trên mái tranh nghèo bờ tre... ước mơ thanh bình vút cao”.
Nhạc Khánh Vinh từ sau 1975 thường là những “ước mơ thanh bình vút cao” như vậy. Nhưng vốn là một người lính, những ám ảnh về cuộc chiến còn mãi trong ông. Vào năm 2011, khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam, nhớ lại hình ảnh những bộ xương cây “tạc bia căm thù vào trời xanh căm giận” ở những cánh rừng trụi lá vì chất diệt cỏ da cam mà ông đã thấy trên đường hành quân, Khánh Vinh viết ca khúc Lời ru (thơ Trương Tuyết Mai) gửi dự thi và đoạt giải Nhất.
Khánh Vinh còn một số ca khúc được giải khác như Tình yêu của em (1990), Hỡi Nurisa (1996), Huyền thoại Lang Bian (1998), Lời tỏ tình năm mới (2006)… Ông đã xuất bản nhiều tập ca khúc, tiêu biểu có Bông hoa xanh (1995), tập ca khúc thiếu nhi Tia nắng hạt mưa (1995). Ông đã được trao Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Huy chương Vì sự nghiệp Truyền hình Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - nghệ thuật Việt Nam...
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất