03/09/2017 07:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hơn 13 năm qua (từ 2004), giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, một “thương hiệu” của báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam), đã đồng hành cùng đời sống âm nhạc một chặng đường nhiều biến động. Đường càng dài thử thách càng lớn: thực tiễn đời sống âm nhạc thử thách bản lĩnh của nhà tổ chức giải thưởng…
Trong rất nhiều giải thưởng âm nhạc hiện nay, Âm nhạc Cống hiến được mọi người kỳ vọng sẽ là một Grammy của Việt Nam trong tương lai.
Sự ra đời của Âm nhạc Cống hiến như một tất yếu
Chỉ cách đây hơn 10 năm - thời điểm mà giải Âm nhạc Cống hiến ra đời - đời sống âm nhạc khác khá nhiều so với những năm gần đây. Từ lĩnh vực sáng tác, sân khấu biểu diễn, ca sĩ nhạc sĩ mang một tâm cảm khác. Phương thức để tiếp cận nhằm thưởng thức âm nhạc của công chúng cũng khác nhiều.
Nhiều nhạc sĩ sáng tác chú tâm vào những ca khúc mang cá tính, những dự án âm nhạc mang tính khám phá. Ca sĩ phấn đấu với những dự án album, liveshow để khẳng định đẳng cấp của mình. Báo Thể thao & Văn hóa có truyền thống mạnh về mảng âm nhạc với những bài viết nhận định, phê bình chất lượng và cả những nỗ lực đấu tranh bền bỉ cho giá trị đích thực của âm nhạc trước vấn nạn… hát nhép.
Với những chuyên mục âm nhạc như: Nghe (giới thiệu, nhận định album), Sân khấu biểu diễn (liveshow, chương trình âm nhạc), Vấn đề âm nhạc, Mỗi tuần một chân dung…, Thể thao & Văn hóa như người bạn đồng hành với các nghệ sĩ, chia sẻ những thành quả nghệ thuật và chia sẻ cả những gian nan vất vả của các nghệ sĩ.
Là một đơn vị báo chí, để góp phần thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc đại chúng Việt Nam, Thể thao & Văn hóa đã chọn một hình thức tôn vinh những người đã có những tâm huyết với con đường sáng tạo nghệ thuật: lập giải Âm nhạc Cống hiến (2004). Cùng với sự góp sức của nhiều báo, đài, Âm nhạc Cống hiến đã động viên và cổ vũ để nghệ sĩ hăng hái dấn thân vào con đường sáng tạo.
Ngoài ra, giải Âm nhạc Cống hiến còn làm được điều đáng quý là với “mắt xanh” của mình, giải đã phát hiện và đồng hành với những tài năng trẻ, mà không ít trong số đó đã trở thành những nghệ sĩ nòng cốt cho đời sống âm nhạc trong mỗi giai đoạn nhất định.
Với tiêu chí xuyên suốt từ khi ra đời cho đến nay: “Có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng”, Âm nhạc Cống hiến đã trở thành một giải thưởng uy tín và các ca sĩ, nhạc sĩ, hầu như ai cũng mong muốn ít nhất một lần được nhận chiếc cup danh giá của giải thưởng.
Khi hình thành, giải Âm nhạc Cống hiến chỉ với 4 hạng mục: Album của năm, Chương trình của năm, Nhạc sĩ của năm và Ca sĩ của năm - 4 lĩnh vực căn bản của đời sống âm nhạc. Theo sự phát triển của thực tiễn, giải thưởng tiếp tục mở thêm các hạng mục mới, cho đến nay có tổng cộng 9 hạng mục, gần như bao trùm các hoạt động của âm nhạc đại chúng.
Giải Cống hiến thời “âm nhạc công nghệ”
Nói đến cụm từ “âm nhạc công nghệ” bài viết này muốn nói đến 2 khía cạnh: phương thức tiếp cận âm nhạc để thưởng thức với sự phổ cập của internet và sáng tác ca khúc mang tính “công nghệ” khi dựa trên những phần hòa âm được thu sẵn (mà nhiều người thường gọi là beat nhạc), những cấu trúc hợp âm có sẵn.
Trước hết sự phổ cập của việc nghe nhạc trên mạng internet kéo theo việc vi phạm bản quyền ca khúc làm cho nhạc sĩ, ca sĩ “mất trắng” tài sản khi sản xuất những dự án album. Mặc khác sự phổ cập của smartphone, iPad đã giúp người nghe nhạc tiếp cận với tác phẩm âm nhạc một cách nhanh chóng, thuận tiện, khiến phương thức nghe nhạc bằng CD không thể cạnh tranh. Những điều này là cản trở lớn khiến số lượng CD giảm sút nghiêm trọng.
Mặc khác, thực tế cho thấy, ca sĩ trẻ chỉ cần một vài single hoặc MV tung lên mạng, nếu nhận được “triệu view” thì sẽ nổi tiếng, bởi thành công trên môi trường internet được tính bằng view. Việc dễ dàng tiếp cận với số đông công chúng và với đặc thù của Việt Nam chúng ta hiện nay, số đông công chúng chỉ thích những bài nhạc dễ nghe theo “gu” thẩm mỹ của họ, một thẩm mỹ mà giới âm nhạc đang cố gắng để nâng cao. Điều này đã xảy ra một nghịch lý: muốn được nổi tiếng thì tác phẩm âm nhạc phải “chiều lòng” công chúng chứ không phải những khám phá, thể nghiệm nghệ thuật. Người nghệ sĩ bị công chúng định hướng, chứ không phải nghệ sĩ định hướng cho công chúng.
Từ thực tế đó mà thị trường nhan nhản những bài hát thiếu cá tính và ca sĩ thể hiện cũng không đòi hỏi đẳng cấp nghệ thuật cao. Một số lớn các nhạc sĩ sáng tác “tử tế” đã đạt nhiều thành tựu gần như án binh bất động, nhường sân cho một lớp trẻ mà đa số sáng tác theo trào lưu “âm nhạc công nghệ”.
Rất nhiều bài hát “nổi tiếng” được sáng tác theo phương thức “âm nhạc công nghệ” như đã nói trên, phương thức sáng tác mà một nhạc sĩ chuyên nghiệp gọi là “ốc mượn hồn”. Vì vậy mà các bài hát “triệu view” làm mưa làm gió trên mạng lắm khi như trò chơi ú tim, bởi “đùng một cái” nó dính nghi án đạo nhạc, nếu được chủ nhân bài hát bị “đạo” công bố “trùng hợp ngẫu nhiên” thì tránh được búa rìu dư luận nhưng giá trị sáng tạo thì gần như là zero.
Âm nhạc đại chúng chủ yếu là ca khúc, một nền ca khúc “mạnh” chỉ có thể hình thành khi có những nhạc sĩ tài ba, và một nền ca khúc mạnh cũng mới hy vọng sản sinh ra những diva. Nhưng nền ca khúc như đã nói ở trên thì làm sao có diva, làm sao tìm được những nhạc sĩ có những tìm tòi sáng tạo góp phần vào sự phát triển của âm nhạc, làm sao có những chương trình âm nhạc đẳng cấp, những MV có giá trị?
Tất cả những điều đó cũng đặt ra một thách thức cho giải Âm nhạc Cống hiến. Giờ đây giải thưởng không phải đãi cát tìm vàng mà là đãi cát tìm… kim cương.
Tuy nhiên, nếu giải thưởng kiên trì, “cực đoan” với tiêu chí của mình, những viên kim cương tìm được trong bối cảnh hiện nay lại càng có giá trị hơn nữa…
Tùng Dương “vô địch” Cống hiến Năm 2017 là lần thứ 12 tổ chức giải Âm nhạc Cống hiến. Hầu như tất cả các ca sĩ, nhạc sĩ nòng cốt của đời sống âm nhạc tính từ thời điểm giải ra đời đều ít nhất có 1 lần đoạt giải Âm nhạc Cống hiến. Nhạc sĩ có Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Anh Quân, Võ Thiện Thanh, Đức Trí, Đỗ Bảo, Hồ Hoài Anh… Ca sĩ gồm những gương mặt nổi bật trong đời sống âm nhạc: Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Tùng Dương, Đức Tuấn… Trong số ca sĩ, nhạc sĩ đoạt giải Âm nhạc Cống hiến, Tùng Dương là người giành nhiều giải nhất (10 giải), trong đó có 4 giải Ca sĩ của năm, 3 giải Album của năm, 2 giải Chương trình của năm và 1 giải Bài hát của năm. |
Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa 35 năm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất