02/06/2021 12:12 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hội đồng giám khảo Giải Dế Mèn do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Chủ tịch đã có 2 phiên họp chung khảo trực tuyến với sự tham gia của các thành viên gồm: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; họa sĩ Thành Chương; nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha; họa sĩ “Thần đồng Đất Việt” Lê Linh và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa.
Sau đây xin lược trích 2 ý kiến:
* “Tìm đọc những tác phẩm được vinh danh - đó là sự ủng hộ đẹp nhất”.“Nhà thơ Nguyễn Duy viết trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa rằng: “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”.
Một đứa trẻ lớn lên nhờ 2 nguồn sữa vật chất, phần tiếng hát là văn học nghệ thuật. Người già cũng cần như thế, giống như 2 chân 1 con người, 2 cánh của 1 con chim vậy. Thiếu 1 trong 2 đều không ổn.
Đứa trẻ thiếu dinh dưỡng sẽ thấy ngay bằng mắt thường và chữa cho tình trạng này cũng không khó lắm. Nhưng một đứa trẻ “què quặt” trong tâm hồn thì ta biết làm sao, khi sự què quặt đó thể hiện ra thì hậu quả đã không đo đếm được. Do đó phải quan tâm việc bồi đắp tâm hồn cho trẻ em.
Việc báo Thể thao và Văn hóa tổ chức giải thưởng Dế Mèn và can đảm duy trì nó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp thế này thật đáng trân trọng. Chúng tôi rất mong quý vị và toàn thể xã hội hãy ủng hộ Giải Dế Mèn bằng cách tìm đọc, tìm xem, tìm nghe những tác phẩm mà giải thưởng vinh danh - và đó chính là sự ủng hộ đẹp nhất” (Ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo).
* “Mỗi năm không dễ tìm được một tác phẩm thật đặc biệt”. “Năm nay, thật tiếc vì chúng ta không có giải Hiệp sĩ Dế Mèn - giải thưởng cao nhất. Tuy nhiên, những giải Khát vọng Dế Mèn đều rất xứng đáng. Tôi cho rằng, giải thưởng đã thành công bởi mỗi năm chúng ta không dễ dàng tìm ra được một tác phẩm xuất sắc, một cuốn sách thật đặc biệt để trao giải cao nhất.
Phim hoạt hình năm nay có giải cho Khúc gỗ mục - đó là một câu chuyện xúc động có ý nghĩa nhân văn và được kể rất sống động. Chúng ta dễ nhận thấynghệ thuật và kỹ thuật làm phim hoạt hình của Việt Nam ngày càng tăng. Có nhiều câu chuyện tuyệt vời để kể cho những đứa trẻ nghe và chúng tôi hy vọng rằng, thời gian tới sẽ có những phim hoạt hình hấp dẫn hơn nữa để không chỉ những đứa trẻ mà cả người lớn cũng bị cuốn hút như những hãng phim hoạt hình lớn trên thế giới họ đã làm.
Viết cho trẻ em là một nhu cầu, trách nhiệm, hay lớn hơn nữa là sứ mệnh của người cầm bút.
Chúng ta phải rời bỏ một mục đích ám ảnh chúng ta là dạy cho đứa trẻ một bài học đạo đức khi viết cho trẻ em. Khi chúng ta đem tới một thiên nhiên đẹp đẽ, một gia đình ấm áp, một câu chuyện nhân văn đầy tính tưởng tượng thì chúng ta đã tạo bài học đạo đức bên trong đó cho những đứa trẻ.
Chúng ta không thể dẫn một đứa trẻ 3 tuổi đến bài học đạo đức cao siêu, bởi chúng không hiểu được. Nhưng nếu chúng biết yêu thiên nhiên, yêu cái cây, yêu bầu trời, chúng biết đang được sống trong một gia đình quây quần luôn yêu thương chúng thì chúng sẽ lớn lên. Khi đứa trẻ có trong nền tảng tâm hồn mình những rung cảm, gắn bó, thân thuộc với người thân yêu thì những bài học khoa học sẽ có tác dụng với chúng.
Ngay cả những cuốn kinh điển cho thiếu nhi Việt Nam, những cuốn sách nổi tiếng cho thiếu nhi trên thế giới, nguyên lý đó không thay đổi, đó là vẻ đẹp của văn chương, vẻ đẹp của câu chuyện, trí tưởng tượng phong phú, cộng với sự ấm áp của tâm hồn. Chỉ khác là mỗi thời đại sẽ kể câu chuyện của thời đại mình, với cách kể của thời đại mình” (Nhận định của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo).
Kết quả Giải Dế Mèn lần 2 - 2021 I. Không có Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn II. Trao 5 giải đồng hạng Khát vọng Dế Mèn cho: 1/ Tiểu thuyết Đi trốn (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Bình Ca. 2/ Phim hoạt hình Khúc gỗ mục của Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Namdo NSND Nguyễn Thị Phương Hoa làm đạo diễn và họa sĩ (biên kịch: Phan Đức Tuấn - Nguyễn Thị Phương Hoa; biên tập: Bùi Hoài Thu; nhạc sĩ: Trọng Đài). 3/ Chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của họa sĩ nhí Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An, sinh năm 2007). 4/ Truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! (NXB Hội Nhà văn) của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng). 5/ Bộ truyện Khác biệt mới tuyệt làm sao (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Hoàng Vũ và các họa sĩ: Gà's little world, Hoàng Trung, Ru-oi, Linh Vương. |
Tiểu Phong (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất