28/05/2020 19:59 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Có mặt tại Lễ phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, rất nhiều đại biểu đã cùng chia sẻ những đánh giá, cũng như kỳ vọng của mình về giải thưởng.
TT&VH xin giới thiệu các ý kiến của nhà văn Phong Điệp (báo Nhân dân) và nhà báo Nguyễn Thanh Bình (báo Đại Đoàn Kết)
Nhà văn Phong Điệp: Chờ những mầm cây bật lên từ đất
Trong đời sống hiện nay, sân chơi cho trẻ em ngày càng ít, sự quan tâm của cộng đồng cho các em, cũng như các cuộc thi dành cho các em còn rất hạn chế. Đây là điều bất cập, bởi chúng ta vẫn nói trẻ em là tương lai, cần dành những điều tốt nhất để trẻ em phát triển - trong khi chính những môi trường văn hóa của trẻ em, cũng như để người lớn dành tâm huyết cho trẻ em, lạichưa thực sự được quan tâm đúng như kỳ vọng.
Và cũng cần nói thêm, lâu nay, khi nhìn về sáng tác cho trẻ em, chúng ta thường có tâm lý trông chờ những tác phẩm từ người lớn. Trong khi đó, những sáng tác của trẻ em thì xuất hiện không nhiều, chủ yếu mang tính thời vụ trong các dịp 1/6, Tết Trung thu... Số lượng ít như thế nên chưa thể đáp ứng nhu cầu về những sân chơi để các em thử sức và thể hiện mình trọn vẹn nhất.
Khi theo dõi thực tế xã hội, tôi thấy năng lượng của trẻ em hiện giờ rất lớn. Ở góc độ văn học, các em viết rất tốt. Ở các lĩnh vực khác như vẽ tranh cũng có nhiều em rất tài năng. Tại sao chúng ta không tạo ra những sân chơi ở đó các em được đánh giá công tâm bởi góc nhìn của những người chuyên nghiệp?
Tôi hy vọng giải thưởng Dế Mèn sẽ thắp lên ngọn lửa mà ở đó không chỉ trẻ em mà cả người lớn cùng chung tay chung sức để có môi trường tốt phát huy năng lực của mình. Đó không chỉ là nơi kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng mà còn là nơi phát hiện và tôn vinh tài năng của trẻ em nữa. Giải thưởng ấy có thể khơi gợi niềm đam mê, và cũng có thể là định hướng tương lai để các em phát triển năng lực của mình tốt hơn.
Tài năng trẻ như những mầm cây ở trong đất, nếu không bật lên thì rất uổng phí. Và tôi chờ đợi Dế Mèn để giúp những mầm cây ấy bật lên từ đất, vươn thành những cây cổ thụ cho tương lai.
Nhà báo Nguyễn Thanh Bình: Mong một chàng Dế Mèn của thời đại 4.0
Ngắn gọn, Dế Mèn là giải thưởng rất tích cực với thiếu nhi trong tình hình này.
Hiện tại, mạng xã hội và Internet đang hấp dẫn trẻ em. Nhiều phụ huynh, trong đó có tôi, lo lắng về điều ấy. Nhưng thẳng thắn, ta không thể phủ nhận sự phát triển của khoa học công nghệ thời bây giờ, và cũng không thể đòi hỏi trẻ em giống như thế hệ mình. Trẻ em hiện tại có quyền tiếp cận những loại hình văn hóa hiện đại - vốn rất hấp dẫn, sinh động, kích thích trí tưởng tượng, và ở một chừng mực nào đó thì phải thừa nhận là nhẹ nhàng, ngắn gọn hơn so với những loại hình truyền thống.
Từ thực tế ấy, có những câu hỏi khiến tôi băn khoăn: Chúng ta có nên ép con mình đọc thật nhiều sách, hoặc thậm chí là chỉ tiếp xúc với sách không? Sách có phải thật sự là kim chỉ nam với thế hệ bây giờ, hay chỉ đúng với chúng ta trước đó? Từ những băn khoăn ấy, tôi tán thành cách tiếp cận của Dế Mèn, khi giải thưởng tìm đến nhiều khía cạnh, tôn vinh nhiều khía cạnh chứ không chỉ mảng cụ thể là văn hóa đọc.
Ở một góc độ khác, tôi trông đợi nhiều ở sự tươi mới của các tác giả tham dự giải Dế Mèn. Lấy văn học làm ví dụ, chúng ta có một đội ngũ tương đối phong phú các tác giả viết cho thiếu nhi. Nhưng ở thời điểm này, với tôi, ta cần sự xuất hiện của một thế hệ tác giả trẻ, có sức tưởng tượng khác biệt với thế hệ đã đi qua đạn bom, chiến tranh, đói nghèo. Thế hệ tác giả ấy có thể tiếp cận thông tin giải trí qua youtube, có thể đọc truyện tranh, Harry Potter, Doraemon... và họ viết theo tưởng tượng của họ về thế giới họ đang sống, thế giới của thế kỷ 21.
Điều ấy cũng giống như cái tên giải thưởng Dế Mèn. Đó là một cái tên thú vị, được lựa chọn với tính bao quát cao và với một hình ảnh vốn gần gũi với độc giả và con người Việt Nam - khi nó gắn với nhiều sáng tác đã được định hình theo thời gian. Tuy nhiên trong tương lai, tôi muốn độc giả tiếp cận với một chàng Dế Mèn trẻ trung, đa màu sắc, và tươi mới của thời đại công nghệ 4.0, thay vì bó hẹp với một Dế Mèn của đồng quê truyền thống.
Cúc Đường – Tiểu Phong (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất